08/04/2013 4:01 PM
Cafeland - Không nóng với giảm giá căn hộ hay thành công ở việc mua bán, thị trường bất động sản những ngày qua đang rất nóng với những phát ngôn gây sốc của các nhà đầu tư, các chuyên gia trong ngành.

Bất động sản hiện đang nóng với những "tranh cãi" giữa các chuyên gia, các chủ đầu tư. Ảnh: ĐT

Phát súng đầu tiên khơi mào những tranh cãi nảy lửa là việc đề xuất đánh thuế tiền gửi tiết kiệm từ 500 triệu đồng trở lên của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoRea). Theo ông, việc đánh thuế tiền gửi tiết kiệm để chuyển hướng dòng tiền vào đầu tư sản xuất, kinh doanh, trong đó có bất động sản. Kiến nghị này ngay lập tức đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của dư luận. Và mới đây, việc Cộng hòa Síp đưa ra kế hoạch đánh thuế tiền gửi tiết kiệm nhằm đổi lấy gói cứu trợ 10 tỷ Euro từ Liên minh châu Âu đã làm cho hệ thống ngân hàng nước này đứng trước nguy cơ phá sản hàng loạt thì điều này lại càng chứng minh rằng đề xuất đánh thuế tiền gửi tiết kiệm của chủ tịch Horea thực sự là một “tối kiến”.

Sau khi ông Lê Hoàng Châu bị “ném đá” tả tơi thiết nghĩ các chuyên gia khác sẽ thận trọng hơn với những nhận xét, đề xuất của mình đối với thị trường bất động sản. Tuy nhiên, vụ việc trên tạm lắng chưa lâu thì một nhân vật khác là Tiến Sĩ Alan Phan lại làm cho giới bất động sản một lần nữa “đứng ngồi không yên” khi đề xuất “nên để thị trường bất động sản rơi tự do”. Theo ông Alan Phan, hãy để cho bất động sản rơi tự do. Điều này sẽ làm giá nhà giảm thêm 30-50% để "bắt kịp" thu nhập của người dân và sẽ tạo ra một tầng lớp trung lưu có đủ điều kiện mua nhà. Người dân sẽ có thêm niềm tin và đây chính là một cú hích tạo ra sự kích cầu lớn. Ông còn cho rằng, để bất động sản tơi tự do nợ xấu của ngân hàng sẽ tăng và nguy cơ các ngân hàng phá sản cũng sẽ tăng. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng việc các ngân hàng phá sản là chuyện không đáng lo, miễn là Chính phủ bảo đảm người dân sẽ không mất tiền.

Lập luận này ngay lập tức đã vướng phải sự phản đối của rất nhiều doanh nghiệp bất động sản. Đến nỗi câu lạc bộ bất động sản Hà Nội đã phải gửi 15 câu hỏi “chất vấn” Tiến sĩ Alan Phan về vấn đề này.

Tưởng chừng như sóng yên biển lặng khi Tiến sĩ Alan Phan chính thức trả lời 15 câu hỏi của câu lạc bộ bất động sản Hà Nội thì ông Nguyễn Hữu Cường – Chủ tịch CLB bất động sản Hà Nội cho rằng cách trả lời đó chưa thỏa đáng. Theo ông Cường, CLB bất động sản Hà Nội sẽ có lời mời chính thức TS Alan Phan ra Hà Nội dự một buổi hội thảo đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp thành viên của Câu lạc bộ để mọi người được nghe TS Alan Phan chia sẻ những bí quyết, kinh nghiệm của mình.

Tuy nhiên, khi 2 bên vẫn đang còn trong thời kỳ xem xét và sắp xếp mọi việc để có thể đối thoại trực tiếp với nhau thì ông Nguyễn Hữu Cường lại có một phát ngôn gây “choáng váng” rằng, bất động sản rẻ như bùn cũng không tới được tay người thu nhập thấp. Theo ông, nếu không cứu thị trường bất động sản mà để cho nó “chết” thì các doanh nghiệp đồng loạt phá sản, và như vậy, giá bất động sản sẽ rẻ như bùn. Khi đó, người nghèo, người không có tiền sẽ không có cơ hội mua được nhà, bởi vì các chủ đầu tư, chủ dự án sẽ bán buôn, đồng thời các tổ chức không liên quan gì đến bất động sản sẽ nhảy vào “vơ vét”. Nhưng liệu họ vơ vét để đầu cơ thì họ sẽ bán cho ai nếu không phải là những người dân đang có nhu cầu về nhà ở.

Liên quan tới quan điểm của TS Alan Phan về thị trường bất động sản Việt Nam đang gây tranh luận trong thời gian gần đây , “đại gia” bất động sản Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cũng đã “nhập cuộc” tranh luận. Ông Đức ví von, quan điểm của Tiến sĩ Alan Phan “chẳng khác nào một cậu sinh viên lại “lên mặt” dạy toán cho GS.Ngô Bảo Châu”. Đó là chưa kể việc dùng từ ngữ của Tiến sĩ Ala Phan như “hãy để nó chết đi” (nó ở đây là doanh nghiệp bất động sản) là một cách nói thiếu văn hóa. Ông Đức cũng khẳng định, ông sẽ là người đầu tiên phản bác Alan Phan.

Thị trường bất động sản vẫn đang rất khó khăn,có lẽ những cuộc tranh luận nổi lửa và những “sáng kiến” và “tối kiến” trong việc định đoạt tương lai cho bất động sản có lẽ sẽ còn tiếp tục. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất ở đây không phải là tranh luận ai đúng ai sai hay sáng kiến của ai là hoàn hảo nhất mà việc tranh luận chỉ nên mang tính chất đóng góp nhằm gỡ rối cho thị trường bất động sản đang rất khó khăn. Thiết nghĩ, đó là cái đích hiện tại mà các nhà quản lý, các chuyên gia và các doanh nghiệp bất động sản nên hướng tới.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.