CafeLand – Trước những biến động trên thị trường bất động sản thời gian qua, nhiều chuyên gia trong nước cũng như nước ngoài đã có nhiều nhận định trái chiều. Những đánh giá, phân tích của các nhà chuyên môn đã phản ánh được phần nào cốt lỗi của những tồn tại và bất cập hiện nay của nhà đất Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam: "Lương 6 triệu vẫn có thể mua được nhà"

Cuối tháng 8 vừa qua, trả lời trong một hội thảo trực tuyến, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đã nhận định rằng “Nếu người có mức lương 6 triệu đồng và sống một mình thì hoàn toàn có thể mua được căn hộ 30m2”.

Ngoài ra, Thứ trưởng còn nhấn mạnh, thực trạng khó khăn về nhà ở tại nước ta hiện nay chỉ có thể giải quyết thông qua lộ trình kéo dài nhiều năm, không thể làm rốt ráo trong ngày một ngày hai. Đồng thời, ông Nam cũng cho biết về chủ trương phát triển nhà ở cho thuê trong tương lai nhằm góp phần giảm tải cho nhu cầu nhà ở của người dân.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng: "Gói tín dụng không cứu bất động sản"

Sáng 27/8 vừa qua, trong buổi tiếp đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị, ông Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã có báo cáo về tiến độ giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ. Theo đó, Bộ trưởng cho biết, tốc độ giải ngân hiện nay vẫn còn chậm và vấp phải nhiều vướng mắc. Đặc biệt, ông còn nhấn mạnh, gói tín dụng đã triển khai thực chất không dùng để cứu thị trường bất động sản mà chỉ có tác dụng kích cầu kinh tế, tạo cơ hội cho người nghèo có nhà. Vì vậy, gói hỗ trợ sẽ được giải ngân từ từ cho từng đối tượng phù hợp yêu cầu. Dự kiến, mục tiêu trong năm 2013 sẽ giải ngân được 5 nghìn tỷ.

Ông Đoàn Nguyên Đức: "Bất động sản Việt Nam bây giờ càng làm càng chết"

Bầu Đức từ lâu đã trở thành nhân vật được nhắc đến nhiều nhất khi nói về các đại gia bất động sản Việt Nam. Tuy nhiên, trước những khó khăn kéo dài của thị trường nhà đất trong nước, vị đại gia một thời này đã tuyên bố tạm lánh khỏi thị trường. Theo đó, ông cho rằng “Bất động sản Việt Nam càng làm càng lỗ”.

Được biết trong tương lai, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai sẽ tập trung mũi nhọn kinh doanh vào 2 lĩnh vực nông nghiệp và bất động sản ngoại. Theo góc nhìn của vị đại gia này thì thị trường bất động sản Việt Nam sắp tới sẽ không mấy thuận lợi cho phân khúc thương mại và cao cấp. Mặt khác, nhà ở xã hội và nhà thu nhập thấp sẽ có cơ hội phát triển hơn.

TS. Phạm Sỹ Liêm: "HAGL tháo chạy nhưng muốn gỡ thể diện"

Nhận định về sự thoái lui khỏi bất động sản trong nước của ông lớn Hoàng Anh Gia Lai, TS. Phạm Sỹ Liêm - Phó Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Xây dựng cho rằng “HAGL đánh trống gõ mõ như vậy, theo tôi hiểu là anh này muốn nói với mọi người rằng: tôi dừng các dự án nọ kia là vì tôi rút lui, chứ không phải vì tôi phá sản hay vì tôi khó khăn quá, không thanh toán được. Vậy nên HAGL đánh trống trước khi rút là để khẳng định rằng tôi vẫn mạnh khỏe, vẫn giàu có, chẳng qua tôi rút là vì thị trường nó yếu kém nên tôi rút thôi. Đấy cũng là một cách vừa rút vừa giữ thể diện.”

Ông Nguyễn Văn Đực: "Gói 30.000 tỷ cứu bất động sản đã thất bại"

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành đã từng khẳng định “Gói 30.000 tỷ đã thất bại. Điều này tôi đã thấy và cho đến nay thị trường bất động sản vẫn chưa có biến động gì. Doanh nghiệp không hưởng lợi, người dân không hưởng lợi, thị trường tiếp tục đóng băng và đóng băng thì doanh nghiệp chết. Giống như căn bệnh đã thối mà chờ các loại thuốc, còn thuốc thì không đủ mạnh, không đúng lúc, uống vào lúc đã trễ. Riêng thuốc về TP.HCM còn phải đợi xem xét, phê duyệt nên bệnh nhân chết là chắc chắn”.

Ông Đặng Hùng Võ: “Không có chuyện vỡ thị trường trong năm 2013”

Tại Hội thảo “Kinh tế vĩ mô và thị trường bất động sản” do Tạp chí đầu tư bất động sản CafeLand tổ chức, trong phần tham gia tranh luận, ông Đặng Hùng Võ đã khẳng định “Ông chưa bao giờ cho rằng thị trường bất động sản Việt Nam vỡ” và ông nhấn mạnh “Cũng không có chuyện vỡ gì trong năm 2013”.

Bạch Dương (TH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.