CafeLand – Nhìn lại những nhận định của rất nhiều chuyên gia đưa ra trong năm 2013, có thể dễ dàng nhận thấy sự bi quan vẫn bao trùm trong các đánh giá về thị trường nhà đất. Trong đó, những phát biểu “chói tai”, hứng nhiều “gạch đá” từ dư luận của 2 vị TS Alan Phan và ông Nguyễn Văn Đực chính là những ý kiến trúng và đúng nhất với những gì đã diễn ra tính đến thời điểm hiện tại.

Ảnh minh họa: KL

Sau đây những nhận định ấn tượng về thị trường bất động sản trong năm 2013 do CafeLand bình chọn:

Phát ngôn ấn tượng của ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai :

+ "Bất động sản Việt Nam bây giờ càng làm càng chết"

Bầu Đức từ lâu đã trở thành nhân vật được nhắc đến nhiều nhất khi nói về các đại gia bất động sản Việt Nam. Tuy nhiên, trước những khó khăn kéo dài của thị trường nhà đất trong nước, vị đại gia một thời này đã tuyên bố tạm lánh khỏi thị trường. Theo đó, ông cho rằng “Bất động sản Việt Nam càng làm càng lỗ”.

+ “Giá bất động sản TP.HCM không thể xuống được nữa!”

Trong khi TS.Alan Phan cho rằng: Hãy để bất động sản rơi tự do - điều này sẽ làm giá nhà giảm thêm 30-50%, tuy nhiên ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai lại khẳng định: Bất động sản TP.HCM không thể xuống được nữa! chia sẻ với báo Giáo dục Việt Nam, ông Đoàn Nguyên Đức khẳng định: Phát biểu của Alan Phan “cực kỳ thiếu khoa học, không có một cơ sở nào hết". “Ông Alan Phan bảo giá bất động sản sẽ xuống 30 – 50%, nếu thời gian tới giá cả bất động sản tăng, thiệt hại cho người dân, lúc đó họ không mua được nhà ở, ông có chịu trách nhiệm không?”.

+ “Hãy mua nhà đi, đừng chần chừ nữa”

Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức cũng như nhiều doanh nghiệp bất động sản đều cho rằng giá nhà, đặc biệt nhà thu nhập thấp tại TP.HCM đã chạm đáy, khó giảm thêm ngay cả khi có hỗ trợ của Chính phủ.

Theo ông, giá nhà đất trong phân khúc bình dân và thu nhập thấp đã chạm đáy, khó có thể giảm thêm, đặc biệt ở khu vực TP.HCM, bởi chi phí đầu vào không thể hạ nữa, nguyên vật liệu như xi măng, sắt thép... đã ở mức thấp nhất. Chưa kể, để bán hàng, nhiều doanh nghiệp đã liên tiếp hạ giá để kích cầu. Các đợt điều chỉnh này đã khiến giá nhà ở mức không thể thấp hơn.

Phát ngôn ấn tượng của TS. Alan Phan - Nguyên chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa Fund tại Hồng Kông :

+ “Nên để thị trường bất động sản rơi tự do”

Lo ngại rót 30.000 tỷ đồng chỉ cứu được một số đối tượng, địa ốc có thể cầm máu nhưng vết thương khó lành, tiến sĩ Alan Phan cho rằng nên để thị trường tự điều chỉnh để sau 4 - 5 năm có thể quay về thời hoàng kim.

+ “Bất động sản càng tồn kho, người dân càng thêm lợi”

"Nếu muốn bơm tiền để xây thêm nhà mới thì cũng chẳng sao. Càng nhiều tồn kho thì cơ hội “vỡ” bong bong càng nhiều, giá sẽ xuống và người tiêu dùng sẽ lợi thêm" - Chuyên gia kinh tế TS. Alan Phan cho biết.

+ “Nguy hiểm khi bất động sản vẫn cố kéo dài sự sống”

TS. Alan Phan khẳng định, “Bất động sản Việt Nam vẫn đang cố kéo dài sự sống, vẫn đang lằng nhằng đợi chết. Đây là một điều nguy hiểm, vì nếu nó có chữ “the end” rồi thì mọi người biết mà đi về, kiếm phim khác coi. Còn nếu nó vẫn chưa đâu ra đâu, chưa chết, vai chính vẫn nằm ừ ừ, còn kéo dài lâu như thế này theo tôi là một tín hiệu xấu, rất nguy hiểm”.

Phát ngôn ấn tượng của ông Nguyễn Văn Đực – Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành :

+ “Không thể cứu bất động sản bằng tiền”

“Việc Bộ Xây dựng cho chia nhỏ căn hộ từ 45m2 trở lên dù không đủ mạnh để giúp doanh nghiệp hồi sinh nhưng đây là liều thuốc cuối cùng để cứu bất động sản trong chừng mực nào đấy”, ông Nguyễn Văn Đực nhận định.

Mặt khác, ông cũng cho rằng “không cần và không thể cứu bất động sản bằng tiền” mà là phải bằng thủ tục. Đó là “cởi trói” giảm thiểu thủ tục, nhanh chóng giải quyết các “đơn xin” và cho doanh nghiệp thực hiện căn hộ nhỏ.

+ “Gói 30.000 tỷ cứu bất động sản đã thất bại

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành đã từng khẳng định “Gói 30.000 tỷ đã thất bại. Điều này tôi đã thấy và cho đến nay thị trường bất động sản vẫn chưa có biến động gì. Doanh nghiệp không hưởng lợi, người dân không hưởng lợi, thị trường tiếp tục đóng băng và đóng băng thì doanh nghiệp chết. Giống như căn bệnh đã thối mà chờ các loại thuốc, còn thuốc thì không đủ mạnh, không đúng lúc, uống vào lúc đã trễ. Riêng thuốc về TP.HCM còn phải đợi xem xét, phê duyệt nên bệnh nhân chết là chắc chắn”.

+ “Không tin bất động sản đang hồi phục”!

Cuối năm, các doanh nghiệp bất động sản liên tiếp chào hàng dự án kèm khuyến mại. Một số sàn giao dịch đã sôi động trở lại với nhiều giao dịch thành công. Tuy nhiên, những tín hiệu đó chưa đủ để khẳng định sự phục hồi của thị trường.

Theo ông, sự hồi phục của bất động sản Hà Nội chỉ là một bộ phận nhỏ của thị trường. Khi 95% số dự án đang đắp chiếu, chỉ 5% còn lại hồi phục thì thị trường bất động sản vẫn rất đen tối. Ví dụ như TP.HCM hiện nay mới chỉ có 2-3 dự án khởi động lại được nên không thể nhìn vào đó mà nói là thị trường đã bắt đầu hồi phục.

+ “Bất động sản 2014 chắc chắn sẽ đổ vỡ”

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM - Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành cho biết, thị trường bất động sản năm 2014 chắc chắn sẽ đổ vỡ, sẽ có khoảng 60-70% doanh nghiệp bị đổ vỡ, chỉ còn khoảng 20-30% doanh nghiệp có thể tồn tại. Rất khó để tìm ra biện pháp cứu bất động sản, những biện pháp giải cứu đáng ra phải được thực hiện từ năm 2011.

Ngoài ra, vị doanh nhân này còn là chủ nhân của những lời “nghịch nhỉ” khó quên khác như: “Cho chết hai phần ba, cứu phần còn lại”; Không cần cứu và không thể cứu bất động sản bằng tiền”; “Để bất động sản hấp hối thì không còn cứu kịp”

Jonathan Hạnh Nguyễn: "Tràng Tiền không chết đâu"

“Tràng Tiền vẫn sống khỏe, chúng tôi không hề thua lỗ và chúng tôi không chết đâu”, đó là những chia sẻ của ông Jonathan Hạnh Nguyễn trước hàng loạt thông tin không hay về TTTM Tràng Tiền trong thời gian vừa qua.

Bạch Dương (TH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.