Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) còn diện tích chưa bồi thường, giải tỏa. Ảnh: K. Minh
Toàn tỉnh hiện có gần 10 KCN vẫn chưa thu hồi xong đất để làm hạ tầng hoàn chỉnh và cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước thuê. Trong đó, có những KCN việc bồi thường, thu hồi đất kéo dài 5-10 năm chưa xong.
Đợi đất sạch
Hầu hết các KCN ở Đồng Nai khi triển khai đều phải thu hồi đất của các hộ gia đình, cá nhân, đơn vị để thực hiện. Tại nhiều KCN, công tác thu hồi đất rất khó khăn do một số người dân chưa đồng tình vì cho là giá đất bồi thường thấp hơn nhiều so với giá thị trường, đất đai còn tranh chấp... Việc bồi thường, giải phóng mặt bằng là do các địa phương thực hiện, sau khi thu hồi đất giao cho các chủ đầu tư triển khai hạ tầng các KCN.
Đồng Nai hiện còn nhiều KCN có đất chưa thu hồi xong để giao công ty đầu tư hạ tầng là KCN Hố Nai, KCN Sông Mây, KCN Bàu Xéo (H.Trảng Bom); KCN Ông Kèo (H.Nhơn Trạch); KCN công nghệ cao Long Thành (H.Long Thành); KCN Amata (TP.Biên Hòa)...
Bà Somhatai Panichewa, Tổng giám đốc điều hành Công ty CP Amata Việt Nam, chủ đầu tư hạ tầng 2 KCN là Amata và KCN công nghệ cao Long Thành cho biết, bà đã nhiều lần làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh đề xuất hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để có đất sạch sớm hoàn chỉnh hạ tầng các KCN. “KCN công nghệ cao Long Thành dự kiến hoàn thành hạ tầng giai đoạn 1 vào năm 2017 và giai đoạn 2 vào năm 2020. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa hoàn thành hạ tầng giai đoạn 1 để cho các doanh nghiệp thứ cấp thuê. Lý do chủ yếu là chưa có đất để làm hạ tầng nên dự án kéo dài thời gian hơn so với dự định ban đầu” - bà Somhatai Panichewa nói.
KCN công nghệ cao Long Thành được cấp phép đầu tư vào giữa năm 2015 và có diện tích khoảng 410ha, kế hoạch năm 2017 sẽ hoàn thành giai đoạn đầu và bắt đầu cho các doanh nghiệp trên lĩnh vực công nghệ cao thuê đất làm nhà xưởng và năm 2018, bắt đầu có dự án hoạt động. Thế nhưng, do vướng vào mặt bằng đến nay dự án vẫn đang trong giai đoạn bồi thường giải phóng mặt bằng để làm khu tái định cư di dời những hộ bị thu hồi đất trong KCN.
Đại diện Ban Quản lý các KCN Tín Nghĩa (Công ty CP Tổng công ty Tín Nghĩa) cho biết, KCN Ông Kèo hiện còn hơn 200ha chưa thu hồi được và diện tích thu hồi được lại da beo nên khó triển khai xây dựng hạ tầng. Do đó, nhà đầu tư rất mong địa phương hỗ trợ triển khai giải phóng mặt bằng nhanh để có mặt bằng hoàn thiện hạ tầng.
Phó chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch Nguyễn Thị Giang Hương cho rằng, trên địa bàn huyện có rất nhiều dự án đang triển khai phải thu hồi đất của người dân. Quá trình thu hồi đất cho các dự án thường kéo dài hơn nhiều so với dự tính vì một số hộ dân chưa đồng thuận với giá bồi thường đất đai.
Khó thực hiện nhanh như mong muốn
Tại mỗi dự án, Đồng Nai đều thuê đơn vị tư vấn tính toán, áp giá bồi thường riêng, nhưng giá bồi thường phần lớn là thấp hơn giá chuyển nhượng đất đai ngoài thị trường tự do. Thực tế, khu vực nào có quy hoạch KCN, đường giao thông và các dự án khác thì giá đất nơi đó thường bị đẩy cao lên gấp 1-2 lần so với trước đó.
Các đơn vị tư vấn không thể xây dựng giá đất bồi thường xấp xỉ giá đất đang “sốt” ngoài thị trường nên đã dẫn đến sự không đồng tình của một số người dân. Có những KCN chỉ vì còn vài hộ không đồng tình giao đất mà dự án kéo dài thêm 4-8 năm chưa xong. Cá biệt là KCN Hố Nai việc thu hồi đất cho giai đoạn 1, giai đoạn 2 đều chưa xong và diện tích thu hồi được da beo nên công ty hạ tầng đành để đó không thể triển khai xây dựng. Công tác thu hồi đất tại KCN này kéo dài hơn 10 năm nay.
Trưởng ban Quản lý các KCN Đồng Nai Cao Tiến Sỹ cho biết: “Thời gian qua, một số công ty hạ tầng KCN trong tỉnh phản ảnh việc bồi thường giải phóng mặt bằng để giao đất sạch cho chủ đầu tư quá chậm. Do đó, ảnh hưởng đến việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong KCN. Có những KCN đã hết đất cho thuê, song nhu cầu mở rộng của doanh nghiệp thứ cấp vẫn còn khá lớn nên các công ty hạ tầng muốn nhanh có đất để làm hạ tầng cho thuê”.
Hiện Đồng Nai triển khai rất nhiều dự án, mỗi địa phương đều có vài chục đến hơn 100 dự án đang phải thu hồi đất. Trong đó, có những dự án ưu tiên, cấp bách được cấp huyện dồn nguồn lực thực hiện trước. Các dự án còn lại tuy vẫn triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng nhưng bị kéo dài thời gian so với dự kiến ban đầu.
-
Văn Phú - Invest rút vốn khỏi dự án 8.500 tỷ ở Nhơn Trạch?
HĐQT CTCP Đầu tư Văn Phú - Invest (mã: VPI) ngày 14/1/2025 thông qua việc sẽ bán toàn bộ hơn 18,7 triệu cổ phần, tương đương 30% vốn tại CTCP Đầu tư Phong Phú, qua đó chính thức không còn là cổ đông của công ty này....
-
Đồng Nai sẽ đấu giá 39 khu đất trong năm 2025
UBND tỉnh Đồng Nai đặt mục tiêu đấu giá thành công 39 khu đất công trên địa bàn trong năm 2025. Năm 2024, địa phương này lên kế hoạch đấu giá 18 khu đất, tuy nhiên việc đấu giá không hiệu quả.
-
Đồng Nai sắp có một dự án đặc biệt diện tích 100ha tại Long Khánh, dự kiến thu hút 1.000 chuyên gia
Khu vực gần 100 ha ở TP Long Khánh được tỉnh Đồng Nai quy hoạch xây dựng Trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân.