Lãnh đạo UBND TP Thủ Đức năm 2021 sẽ có một Chủ tịch và 3 Phó chủ tịch, 653 công chức, nhân viên còn lại sẽ đảm nhiệm công việc tại các phòng, ban.

Đây là phương án bố trí, sắp xếp chức danh lãnh đạo, quản lý, đội ngũ cán bộ công chức cho bộ máy nhân sự của TP Thủ Đức sau khi sáp nhập 3 quận 2, 9 và Thủ Đức được Sở Nội vụ tham mưu UBND TP HCM gửi Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua.

Nhân sự UBND TP Thủ Đức năm 2021 là 657 người, gồm: một Chủ tịch, 3 Phó chủ tịch và thủ trưởng các đơn vị: Văn phòng HĐND và UBND, Nội vụ, Tư pháp, Tài chính - Kế hoạch, Tài nguyên – Môi trường, Lao động Thương binh và Xã hội, Văn hoá Thông tin, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Quản lý đô thị, Kinh tế, Thanh tra. Sau năm 2025, nhân sự của khối này giảm còn 459 người.

Quận 2, 9 và Thủ Đức dự kiến sáp nhập thành đơn vị hành chính TP Thủ Đức. Đồ hoạ: Khánh Hoàng.

Toàn bộ nhân sự của cơ quan Đảng TP Thủ Đức năm 2021 là 128 người, gồm: Bí thư, Phó bí thư, các trưởng ban: Tuyên giáo, Dân vận, Tổ chức, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra, Chánh văn phòng. Sau năm 2025, công chức và người lao động của khối này còn 92 người.

Biên chế Ủy ban MTTQ và các đoàn thể của TP Thủ Đức là 112 người, gồm: Chủ tịch Ủy ban MTTQ, Chủ tịch Liên đoàn Lao động, Bí thư Đoàn, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ, Chủ tịch Hội Nông dân, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh. Sau năm 2025, nhân sự của khối này còn 76 người.

Nhân sự các đơn vị sự nghiệp thuộc Thành ủy TP Thủ Đức (Trung tâm Bồi dưỡng chính trị và Nhà Thiếu nhi) năm 2021 là 39 người, sau năm 2025 là 30 người. Các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND TP Thủ Đức (các trung tâm: Thể dục Thể thao, Văn hoá, Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên) năm 2021 có 246 người, sau năm 2025 giảm còn 165 người.

Theo Sở Nội vụ, tổng số cán bộ, công chức, viên chức 3 quận được giao năm 2020 là 1.221 người; số có mặt đến ngày 30/6/2020 là 1.127 người. Sau khi nhập 3 quận, 882 người dự kiến được bố trí ở thành phố mới, 399 người bị dôi dư.

Để đảm bảo quyền lợi người lao động, TP HCM cần có phương án giải quyết phù hợp. Năm 2021, thành phố sẽ phải chuyển một số nhân sự sang quận khác, sở ngành và giải quyết hưu trí, thôi việc 66 người. Phương án trên cũng được thực hiện trong giai đoạn 2022-2025. Sau năm 2025, hơn 400 cán bộ và nhân viên được tinh giản.

Theo phương án sắp xếp các đơn vị hành chính của TP HCM giai đoạn 2019 - 2021, ba quận phía Đông thành phố là 2, 9 và Thủ Đức nhập thành đơn vị hành chính mới có tên tạm gọi là thành phố Thủ Đức. Thành phố mới rộng 211 km2; hơn một triệu người.

Hôm 12/10, 100% đại biểu HĐND TP HCM thông qua Nghị quyết về sáp nhập ba quận 2, 9, Thủ Đức. Trước đó, quá trình lấy ý kiến sáp nhập, có 82 - 97% cử tri quận 2, 9 và Thủ Đức đồng ý sáp nhập. Về tên gọi, ở quận 2 có 20% cử tri không muốn lấy tên TP Thủ Đức.

  • Thành phố Thủ Đức: không đơn thuần là đổi cái tên

    Thành phố Thủ Đức: không đơn thuần là đổi cái tên

    CafeLand – Nếu được thành lập, thành phố Thủ Đức cần tạo ra sự khác biệt để hình thành nên một đô thị năng động, một đầu tàu kinh tế mới không chỉ của TP.HCM mà còn cả khu vực. Do đó, sự thay đổi cần cả “lượng và chất”, chứ không chỉ đơn thuần là đổi một cái tên hay tạo thêm bộ máy hành chính.

Hữu Công (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.