Người Thành phố Thủ Đức có mức thu nhập bình quân khủng cỡ nào?
Tôi: Nhà mày giàu thật đấy?
Cường: Ông đùa à, giờ còn khó khăn hơn xưa?
Tôi: Tao nghe nói thu nhập bình quận người dân thành phố Thủ Đức gần 20.000 USD/năm như vậy nhà mày có 4 người, thì thu nhập tương đương 2 tỷ/năm. Vậy chắc chắn nhà mày là rất giàu rồi.
Cường: Ừ nhỉ! Sao tao lại cảm thấy nghèo hơn xưa!
Đó là một đoạn hội thoại ngắn vui giữa tôi và người bạn của mình. Cường đang sống ở TP Thủ Đức. Hắn giàu thật vì đang sống trong một căn nhà mà có giá thị trường lên đến hơn 10 tỷ đồng. Đây là một tài sản không hề nhỏ so với bất kỳ người dân nào ở Việt Nam. Tuy nhiên, dù có trong tay tài sản khổng lồ như vậy nhưng trông Cường không có dáng vẻ của một “đại gia”.
Thực tế những người có tài sản giá trị lớn như Cường không phải là trường hợp hiếm. Trong mấy năm vừa qua với việc giá nhà đất ở khu vực phía Đông TP.HCM tăng rất mạnh, mảnh đất của Cường theo đó cũng tăng lên rất nhiều lần. Cụ thể, năm 2012, mảnh đất hơn 100m2 mà Cường mua chỉ có giá khoảng 1,5 tỷ đồng, nay đã có giá hơn 10 tỷ đồng biến Cường trở thành một con người giàu có dù thu nhập thường xuyên của anh tăng không quá nhiều.
Thống kê cho thấy TP Thủ Đức là một trong những khu vực có giá đất tăng mạnh nhất trong cả nước. Cách đây 10 năm chắc có lẻ không ai tưởng tượng được khu vực cách trung tâm TP.HCM hơn 10km lại có dự án khu dân cư giá đất lên tới 400 triệu/m2, giá căn hộ chung cư xấp xỉ cả 100 triệu/m2. TP Thủ Đức trở thành một trong những nơi có giá bất động sản đắt đỏ không chỉ bậc nhất Việt Nam mà còn sánh vai với nhiều thành phố hiện đại, giàu có trên thế giới.
Còn nhớ, cách đây 15 năm hồi tôi mới vào TP.HCM thì khu vực Quận 2, Quận 9, quận Thủ Đức đều là nhưng khu vực còn rất hoang vắng. Phần lớn đất ở đây là rừng dừa ngập nước và các con đường đều còn nhỏ hẹp.
Tuy nhiên, khu vực phía Đông TP.HCM đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong những năm vừa qua. Hệ thống giao thông của các Quận 2, quận Thủ Đức, Quận 9 trước đây được đầu tư rất nhiều.
Trong những năm qua những rất nhiều dự án bất động sản được đầu tư ở đây đã tạo nên bộ mặt hoàn toàn mới cho khu vực này. Những bãi sình lầy dần được thay thế bằng những khu dân cư quy mô lớn hiện đại, có tiện ích sống đẳng cấp cho cư dân.
Những con đường nhỏ hẹp được thay thế bằng những đường lớn khang trang giúp giao thông đi lại trong khu vực và kết nối khu vực khác cũng hết sức thuận lợi.
Tuy nhiên, bước ngoặt cho khu Đông có lẽ phải kể từ khi mà vào ngày 9/12/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết thành lập TP Thủ Đức thuộc TP.HCM trên cơ sở hợp nhất 3 quận gồm Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức.
Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam có mô hình thành phố trong thành phố. Mặc dù, hiện tại các cơ chế đặc thù cho TP Thủ Đức cũng chưa nhiều nhưng thành phố này cũng được kỳ vọng rất nhiều bởi tiềm năng phát triển và có những những cơ chế, chính sách đặc biệt sẽ được ban hành.
Không chỉ có vậy nhìn vào các con số thống kê về GDP của TP Thủ Đức khiến không ít người giật mình, trong đó có cả tôi. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê thì tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố 1,2 triệu dân này lên tới hơn 450 nghìn tỷ đồng, tức tương đương với thu nhập bình quân đầu người xấp xỉ 20.000 USD/năm, cao gấp 6 lần bình quân cả nước và gấp 2,5 lần bình quân TP.HCM.
Tuy nhiên, nhiều khi con số thống kê bề ngoài lại không nói lên bản chất của sự việc. GRDP vốn là một con số khó tính chính xác và nếu có tính đúng thì cũng không phản ánh đúng chất lượng sống của người dân trong khu vực. GDP được tính dựa trên các con số khảo sát từ hoạt động của các doanh nghiệp, người dân. Do đó sai số bỏ sót trong thống kê về GDP thường khá lớn.
Trong 10 năm vừa qua Việt Nam đã có 2 lần điều chỉnh số liệu GDP, tổng mức điều chỉnh tăng gần 50%, do thống kê thêm các thành phần bị bỏ sót và thay đổi cách tính.
Việc thống kê GDP địa phương (GRDP) lại càng có nhiều sai số bởi các địa không có biên giới rõ ràng, hoạt động kinh tế chồng chéo. Đặc biệt, rất có thể GRDP của TP Thủ Đức còn bị thiên lệch rất lớn bởi đóng góp của Khu Công nghệ cao, cảng Cát Lái và cả việc xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị.
Trở lại với câu chuyện của Cường. Hắn đã rất may mắn khi khối tài sản của mình đã tăng lên 5-6 lần trong chưa đến 10 năm vừa qua. Cũng trong khoảng thời gian đó tôi đã mua 1 căn hộ chung cư ở Quận 12 với mức giá cũng gần như tương đương nhưng hiện nay tài sản này tăng thêm nếu tính lũy kế chưa bằng lãi suất ngân hàng.
Tuy nhiên, dù sống trong khối tài sản lớn nhưng nhiều lúc trông Cường cũng khá chật vật. Thu nhập trung bình của vợ làm giáo viên và chồng kỹ sư mỗi tháng khoảng 35-40 triệu đồng. Đây là một mức thu nhập khá cao của một hộ gia đình ở TP.HCM. Tuy nhiên, sống trong khu vực giá nhà đất đắt đỏ như TP Thủ Đức nên mọi thứ đều có giá rất cao. Tiền ăn, tiền học cho con cái, chi tiêu hàng ngày chiếm phần lớn trong thu nhập của gia đình Cường.
Nhiều lúc Cường tâm sự với tôi “tài sản thì thấy nhiều mà không sướng, sống trong căn nhà 10 tỷ nhưng phải chi tiêu dè sẻn”. Nhiều lần Cường đã bày tỏ ý định bán đi căn nhà đắt đỏ đó đi mua 1 căn nhà rộng hơn, to hơn ở nơi khác và dư ra được khoản tiền không nhỏ để đầu tư, tiết kiệm chắc cuộc sống sẽ thoải mái hơn. Nghĩ vậy, nhưng đến nay Cường vẫn còn phân vân chưa dám quyết định.
Câu chuyện của Cường có lẽ cũng là câu chuyện chung của không ít gia đình hiện nay ở Việt Nam. Họ bỗng chốc có được một lượng tài sản lớn bởi giá bất động sản tăng mạnh. Tài sản giá trị cao của họ có được không phải từ tích lũy bởi thu nhập từ công việc mà tăng lên nhờ giá đất tăng.
Tuy nhiên, cuộc sống của họ cũng không vì thế mà cải thiện nhiều. Thậm chí họ còn cảm thấy nghèo đi khi mà thu nhập thường xuyên không tăng nhưng chi phí sinh hoạt lại tăng theo giá nhà đất.