Một nam “hot Youtuber” gần nửa triệu người theo dõi đã cho khán giả của mình một chuyến “housetour” trong căn hộ thông tầng mới nhận giữa lúc Sài Gòn vào đợt giãn cách hồi giữa năm. Anh chàng đưa khán giả của mình một chuyến trải nghiệm hệ thống nhà thông minh (Smart Home) vô cùng thú vị và hiện đại.

Hệ thống kết nối thông minh “từ đầu đến chân” trong căn nhà này được nhiều người hưởng ứng một cách thích thú. Ngày nay, nhiều người mua nhà đang ngày càng ưa chuộng công nghệ nhà thông minh và trở thành một trong các tiêu chí quan trọng khi lựa chọn chỗ an cư cho mình.

Ngôi nhà high-tech

Anh chàng Youtuber kể hồi còn ở căn hộ 90m2, mỗi buổi tối anh phải bỏ thời gian đi kéo rèm, tắt đèn mà có hôm còn quên trước quên sau. Khi dọn về căn hộ rộng lớn hơn này có hàng chục công tắc điện, số lượng rèm cửa, đèn chiếu, điều hòa khá nhiều. Tuy nhiên mọi thứ được giải quyết dễ dàng trong một nốt nhạc với “một cú chạm” trên điện thoại. Trước khi đi ngủ, chàng trai chỉ cần một câu nói “Goodnight” tất cả các thiết bị sẽ trở về trạng thái tắt và đi ngủ. Hay buổi sáng vươn mình dậy với một câu “Goodmorning”, rèm cửa phòng ngủ sẽ được kéo lên đón nắng sớm. Các thiết bị khác trong căn nhà cũng sẵn sàng cùng bạn chào đón một ngày mới.

Tại căn nhà Smart Home, tất các các thiệt bị đều được kết nối với một hệ thống wifi duy nhất. Chi phí và chất lượng để mua sắm các thiết bị trong nhà tùy thuộc vào lựa chọn của gia chủ mà thị trường đang cung cấp. Nhưng để một căn nhà hoạt động theo đúng kiểu Smart Home thì những thiết bị trên sẽ được lập trình thống nhất vào một máy chủ, đồng thời máy chủ đó sẽ kết nối với các nền tảng hỗ trợ nhà thông minh- Smart Home có sẵn trên kho ứng dụng điện thoại thông minh.

Chẳng hạn như ứng dụng HomeKit của Apple hay Google Home của Google dùng cho các thiết bị Androi. Các ứng dụng này giúp bạn điều khiển tất cả các thiết bị nhà thông minh của mình dù ở một nơi cách xa. Hệ thống sẽ cho phép bạn điều chỉnh nhiệt độ, hệ thống đèn, camera, hay ổ khóa và những thiết bị thông minh khác trong gia đình chỉ với một cái chạm trên điện thoại. Tất cả những tiện ích được trải nghiệm khiến cho cuộc sống bận rộn trở nên rất dễ dàng và khá hài lòng.

Còn nhớ “Smart home” cũng là tên của một bộ phim trên kênh Disney Channel vào năm 1999. Bộ phim khoa học viễn tưởng miêu tả về một ngôi nhà thông minh với các sinh hoạt hàng ngày như nhận báo, dọn dẹp, nhắc nhở…. được chăm sóc tự động bởi một hệ thống máy tính và mọi thứ gần như khá hoàn hảo. Thậm chí có đoạn nhân vật chính trong phim còn lập trình nâng cấp lại hệ thống máy tính để có thể chăm sóc gia đình của họ như một người mẹ và công suất còn gấp nhiều lần con người. Đây là những bước khởi đầu sơ khai về ý tưởng nhà thông minh mà ngày nay công nghệ hiện đại đã cho phép con người những trải nghiệm nhà thông mình hoàn toàn thực tế được phổ biến ở nhiều quốc gia.

Ngôi nhà với hệ thống điều khiển thông minh không còn hiếm thấy đặc biệt ở những bạn trẻ hiện đại hay những cặp vợ chồng trẻ có thu nhập tốt sẵn sàng đầu tư. Ngoài những trải nghiệm về một cuộc sống tiện nghi có được, nhà thông minh còn giúp họ kiểm soát được năng lượng tiêu hao và hệ thống an ninh mang lại cảm giác an toàn. Không còn đơn thuần là chỉ điều khiển những thiết bị thông minh, con người còn mong muốn ngôi nhà giống như thực thể sống, tức là hiểu được những nhu cầu của mình để không chỉ đáp ứng nhu cầu cơ bản mà còn xử lý được các vấn đề phát sinh ngay cả khi họ vắng nhà. Với sự tiến bộ của trí tuệ nhân tạo, những công nghệ đột phá đưa con người trải nghiệm từng cấp độ mà các ứng dụng thông minh đang ngày càng “thấu hiểu” để phục vụ cho cuộc sống này.

Triển vng trên toàn cầu

Theo một nghiên cứu của nhóm Công ty Nghiên cứu và Phân tích chiến lược toàn cầu OMDIA, thị trường nhà thông minh toàn cầu năm 2020 trị giá ước tính 60,8 tỷ đô la, dự kiến ​​sẽ vượt quá 178,5 tỷ đô la vào năm 2025, tương ứng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 24,1% từ năm 2020 đến năm 2025. Trong nghiên cứu sâu hơn, Omdia ước tính 19% hộ gia đình băng thông rộng trên toàn cầu có thiết bị nhà thông minh vào năm 2020, tăng từ 10% vào năm 2017. Phân khúc căn hộ thông minh và nhà xây dựng mới sẽ có tác động mạnh đến thị trường này trong vài năm tới, đặc biệt tại Mỹ. Riêng năm 2020 đã có 2,4 triệu thiết bị thông minh đã được xuất xưởng cho các căn hộ thông minh trên toàn cầu, dự báo sẽ tăng lên 64,7 triệu lô hàng thiết bị hàng năm vào năm 2025, với CAGR là 59,5%. Omdia cũng ước tính có khoảng 5,07 triệu thiết bị căn hộ thông minh được lắp đặt, tăng lên 149,8 triệu cơ sở được lắp đặt vào năm 2025.

Một nghiên cứu khác của Mordor Intelligence cũng cho thấy, thị trường nhà thông minh được định giá 79,13 tỷ USD vào năm 2020 và dự kiến ​​sẽ đạt 313,95 tỷ USD vào năm 2026 và đạt CAGR là 25,3% trong giai đoạn dự báo 2021-2026. Báo cáo nhận định, nhà thông minh và thiết bị tự động trong nhà có ý nghĩa khác nhau. Việc tự động hóa một số thiết bị khác với hệ thống khi được kết nối với các ứng dụng trên điện thoại thông minh mà người dùng tương tác với hệ thống tự động đó.

Đây là điểm quan trọng thúc đẩy nhu cầu của người dùng khi mà vấn đề an ninh được đặt lên hàng đầu và nó hoàn toàn có thể được dự báo trước cho người dùng bởi công nghệ mới. Ngoài ra, với sự phát triển của công nghệ không dây ngày càng sáng tạo trên khắp thế giới là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của thị trường phần mềm liên lạc di động an toàn. Điều này dễ dàng cho phép các công ty phục vụ tốt xu hướng của lối sống sang trọng, tiện ích cao.

Chính vì nhu cầu nhà thông minh ngày càng gia tăng ở các nền kinh tế đang phát triển, các công ty trong lĩnh vực phần mềm liên tục đầu tư vào các dự án thiết kế sản phẩm mới để đáp ứng cho sự tăng trưởng mạnh mẽ trong vài năm tới. Chẳng hạn như bộ phận nhà thông minh Nest của Google đã giới thiệu một bộ điều chỉnh nhiệt thông minh mới trong năm 2020 là Nest Thermostat bản mới. Hay T-Mobile cũng thông báo rằng họ sẽ tung ra mạng gia đình dựa trên 5G vào năm 2024. Mục đích là để mở rộng phạm vi phủ sóng đến các vùng nông thôn chưa được phục vụ trước đây trên khắp nước Mỹ. Việc kết nối thông qua Internet càng dễ dàng sẽ hỗ trợ tối ưu cho nhu cầu công nghệ không dây của con người. Tại Mỹ, nghiên cứu thị trường cho thấy, các sản phẩm mà người tiêu dùng đang tìm kiếm để thêm vào ngôi nhà của họ đứng đầu là camera được kết nối, tiếp đến là chuông cửa có hình, bóng đèn kết nối, khóa thông minh và loa thông minh.

Trong hơn 2 năm qua, dưới tác động của đại dịch COVID-19, nhiều nhà cung cấp phần mềm quản lý năng lượng còn mở rộng dịch vụ của họ bằng cách xây dựng các giải pháp đánh giá sức khỏe dựa vào công nghệ thông minh. Honeywell (Mỹ) là một tổ chức đa quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ và chế tạo được xếp hạng 75 trong số 500 công ty lớn nhất thế giới. Tổ chức này đã đưa ra một bộ giải pháp tích hợp để giúp chủ sở hữu các tòa nhà có thể theo dõi môi trường trong tòa nhà và sức khỏe của những nhân viên làm việc hay cư dân đang sinh sống. Bằng một hệ thống thông minh, công nghệ phân tích cho phép người dùng phát hiện sớm những nguy cơ ô nhiễm tiềm ẩn và sức khỏe của con người trong môi trường đó. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong việc duy trì sự liên tục trong kinh doanh của các chủ đầu tư khi mà xã hội phải làm quen với cuộc sống “bình thường mới” trong tình hình đại dịch.

Buổi ban mai ca Smart Home Việt

Vài năm gần đây, những căn hộ hiện đại hay các dự án nhà ở xây dựng mới tại Việt Nam đã bắt đầu làm quen với hệ thống Smart Home. Không thiếu các căn hộ lắp đặt hệ thống thông minh cho toàn bộ thiết bị trong nhà, những cũng có số khác quan tâm đến một vài thiết bị thông minh riêng lẻ như đèn, khóa thông minh, hay ti vi thông minh. Từ năm 2015, thị trường trong nước đã nhen nhóm với nhà thông minh của Bkav SmartHome.

Theo giới thiệu Bkav SmartHome, hệ thống kết nối tất cả các thiết bị trong ngôi nhà, không chỉ điều khiển theo kịch bản mà còn có thể thiết kế các kịch bản ngữ cảnh thông minh dựa vào thói quen của chủ nhà, điểu khiển trực quan với giao diện 3D. Đến nay, công nghệ "Made in Vietnam" này đã lắp đặt hơn 30.000 dự án thông minh cho khách hàng ở tất cả khu vực trong cả nước và khách hàng lắp đặt chủ yếu là biệt thự, căn hộ, nhà phố... Các dự án được biết đến nhiều là hệ thống chiếu sáng thông minh, hệ thống âm thanh, rèm, điều hòa thông minh và hệ thống an ninh thông minh. Không chỉ có Bkav, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam hiện nay cũng bắt đầu lao vào đầu tư thị trường smart home được cho là còn giàu tiềm năng này.

Tham gia vào đường đùa có một gương mặt mới gần đây là VinSmart (thuộc Tập đoàn Vingroup) cũng tham gia với giải pháp Vsmart Smarthome. VinSmart nghiên cứu phát triển cả phần cứng và phần mềm quản lý với hệ thống đèn điện, điều hòa, tivi, bình nóng lạnh, rèm cửa… bằng smartphone và giọng nói. VinSmart cũng cho ra mắt hàng loạt sản phẩm trong hệ sinh thái Smart Home, như máy lọc không khí, công tắc, cảm biến, điều hòa, bóng đèn, smart TV... Ngoài BkAV, VinSmart thì danh sách còn trải dài như FPT, Appota, VNPT Technology (thuộc VNPT), Lumi Smarthome, Acis.. hay các thương hiệu nước ngoài như Siemens (Đức), Schneider (Pháp), Smartg4 (Mỹ), Gamma (Đức), Fibari (Ba Lan), Philip Hue (Phần Lan) Xiaomi (Trung Quốc)… Đó là còn chưa kể đến hàng loạt những doanh nghiệp nhỏ chưa có tên tuổi khác, hay thậm chí các chủ đầu tư cũng muốn tham gia vào miếng bánh này để chủ động tăng thu hút với người mua nhà. Nhìn sơ qua đã thấy thị trường nhà thông minh tại Việt Nam đang rộn ràng đến mức nào.

Statista, một công ty dữ liệu của Đức dự báo thị trường smart home Việt Nam sẽ đạt doanh thu 225,3 triệu USD vào năm 2021 và 330,4 triệu USD vào năm 2022. Vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đơn vị này mới đậy vừa hạ dự báo xuống 183,9 triệu USD vào năm 2021 và 251 triệu USD vào năm 2022. Với tốc độ tăng trưởng 25%/năm trong giai đoạn 2021-2025, dự kiến đến năm 2025, tổng doanh thu thị trường smart home Việt Nam đạt 449,1 triệu USD. Với khoảng 10,5% hộ gia đình trang bị Smart Home, Việt Nam trở thành thị trường Smart Home đứng thứ 28 trên toàn cầu. BKAV cũng có thống kê số lượng nhà lắp đặt thiết bị thông minh đơn lẻ năm 2018 là 500.000 hộ, tăng 33,4% so với năm 2017. Tốc độ tăng trưởng kỳ vọng đạt 65,2%/năm. Thị trường nhà thông minh trong nước dự đoán chạm mốc 330 triệu USD vào năm 2022.

Một trong những yếu tố được xem là động lực để thị trường Smart Home bùng nổ ở Việt Nam chính là Internet và điện thoại thông minh đang ngày càng phổ biến. Việt nam đang có hơn 64% dân số sở hữu smartphone và nằm trong top 10 quốc gia có nhiều người dùng Smartphone nhất. Cùng với công nghệ 5G và thu nhập của giới trung lưu muốn gia tăng xu hướng trải nghiệm công nghệ mới. Vì vậy thị trường đang có sự tham gia đông đảo nhà cung cấp dịch vụ đến mức người ta còn nói vài năm tới rất có thể sẽ có một cuộc “thư hùng” bùng nổ ở phân khúc Smart Home trong nước.

Có một thực tế là hầu hết các ngôi nhà thông minh được phát triển chủ yếu trong khu dân cư của các dự án mới xây hoặc vẫn đang xây dựng với hệ thống điện hiện đại tập trung chủ yếu ở hai thành phố đô thị hóa nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Vẫn chưa có tiêu chuẩn nào cho một Smart Home, người tiêu dùng Việt đa phần chỉ là đang làm quen với các ứng dụng thông minh hoặc các giải pháp thông minh riêng lẻ như hệ thống đèn, hệ thống camera, rèm… chứ chưa thực sự có được sự tích hợp giải pháp thông minh chung trong một căn nhà. Do đó để bắt kịp công nghệ của thế giới như hiện nay là bài toán của các doanh nghiệp tham gia để đảm bảo hai yếu tố chất lượng và giá cả.

Chi phí cho một dự án nhà thông minh của doanh nghiệp nội có thể giao động vài chục đến dưới 100 triệu đồng, đang có lợi thế giá cả cạnh tranh hơn so với các công trình sử dụng công nghệ nước ngoài tiêu tốn có thể lên đến hàng trăm triệu đồng. Hơn nữa thị trường nhà thông minh tại Việt Nam còn có sự góp mặt của các sản phẩm thiết bị và cả giải pháp thông minh giá rẻ đến từ Trung Quốc. Do đó thị trường Smart Home cũng được chia ra nhiều phân khúc khách hàng khác nhau từ trung cấp đến cao cấp. Vì vậy doanh thu thị trường hứa hẹn lên đến hàng trăm triệu USD một phần nguyên nhân cũng vì còn ở giai đoạn “ban mai” so với trên thế giới nên tiềm năng đi đôi với nhiều thách thức. Con đường tiếp cận với đối tượng nhóm khách hàng đang ở tâm lý làm quen sẽ là động lực tốt cho các doanh nghiệp tham gia, đồng thời đẩy mạnh sự quan tâm để mang khái niệm nhà thông minh, Smart Home trở nên phổ biến hơn với người Việt.

Chủ đề: Nhà thông minh,
  • Xu hướng nhà thông minh nổi bật trong năm 2021

    Xu hướng nhà thông minh nổi bật trong năm 2021

    CafeLand - Thuật ngữ "nhà thông minh" đã xuất hiện từ lâu. Gần đây, bộ điều chỉnh nhiệt tự động và rèm được kéo từ xa là đủ để căn nhà trở nên "thông minh". Nhưng vào năm 2021, những đột phá về công nghệ còn biến các tiện ích bên trong ngôi nhà trở nên tuyệt vời hơn bao giờ hết.

Phương Lam
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Có nên lắp đặt thang máy cho nhà thấp tầng?

    Có nên lắp đặt thang máy cho nhà thấp tầng?

    Thuận tiện trong di chuyển, gia tăng diện tích sử dụng… xu hướng lắp đặt thang máy gia đình ngày càng phổ biến, nhất là đối với những ngôi nhà có thiết kế nhiều tầng, đông người, có người già và trẻ nhỏ....

  • Nhà thông minh là gì? Kiến thức tổng quan về Smart Home

    Nhà thông minh là gì? Kiến thức tổng quan về Smart Home

    Cùng với sự phát triển của công nghệ, nhà thông minh là khái niệm không còn quá xa lạ với nhiều người. Đây là giải pháp được nhiều gia đình trẻ lựa chọn, mang đến nhiều tiện nghi, tiện ích giúp cuộc sống thoải mái dễ dàng hơn. Vậy, nhà thông minh là ...

  • Trợ lý ảo tiếng Việt tăng sức bật thị trường bất động sản thông minh 2022

    Trợ lý ảo tiếng Việt tăng sức bật thị trường bất động sản thông minh 2022

    Hơn cả những cú chạm trên điện thoại, kỷ nguyên giọng nói của trợ lý ảo thuần Việt hiện thực hóa những trải nghiệm tưởng chừng chỉ có trên phim ảnh. Quyền năng giọng nói từ trợ lý ảo MAIKA hoàn thiện bức tranh smart home Việt Nam nhờ mang đến một khô...

 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.