Được sự hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, nhà ở xã hội đã giảm được giá thành, giúp cho các đối tượng chính sách, người nghèo, người thu nhập thấp, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân,... không có khả năng mua nhà ở theo cơ chế thị trường có cơ hội được cải thiện chỗ ở để an cư lập nghiệp.
Dự án nhà ở dành cho người thu nhập thấp tại khu đô thị mới Sài Đồng, quận Long Biên. (Ảnh: Minh Nghĩa/Vietnam)
Nhưng, để tiếp tục xây dựng, hoàn thành mục tiêu đến năm 2020, Hà Nội sẽ có thêm 40 dự án nhà ở xã hội với gần 3,3 triệu m2 sàn, Hà Nội nói chung, người dân thu nhập thấp và doanh nghiệp Thủ đô nói riêng vẫn rất cần được tiếp sức bằng một hệ thống đồng bộ các giải pháp về cơ chế, chính sách, quy hoạch, quản lý và nhất là nguồn vốn vay ưu đãi.
Tầm nhìn quy hoạch
Nhìn một cách tổng thể hệ thống luật pháp, cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội đã được nghiên cứu, xây dựng, điều chỉnh phù hợp với định hướng của Đảng, điều kiện kinh tế của đất nước, theo từng nhóm đối tượng và khu vực vùng miền.
Hà Nội đã yêu cầu các địa phương phải xác định chỉ tiêu phát triển nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội là một trong những chỉ tiêu quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm và hàng năm, bởi nhu cầu về loại hình nhà ở này vẫn còn rất lớn.
Các chuyên gia cho rằng, trước khi nói đến bài toán tài chính, điều kiện thiết yếu làm nền tảng để phát triển nhà ở xã hội thực sự hiệu quả là quỹ đất và một tầm nhìn quy hoạch khả thi.
Để làm được vấn đề này, trước hết, các đơn vị chức năng của thành phố phải khảo sát, điều tra sát nhu cầu thực tế về nhà ở xã hội, cụ thể đối với từng khu vực để phân bổ, bố trí xây dựng các dự án phù hợp, tránh tình trạng nhà bán không người mua, nhà chưa bán đã có “gạch xếp hàng.”
Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và phát triển nhà Hà Nội số 5 đang tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án nhà ở xã hội ngõ 622 Minh Khai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) để phấn đấu hoàn thành vào quý 4/2017. (Ảnh: Minh Nghĩa/Vietnam+)
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng, để chủ động đáp ứng quỹ nhà ở xã hội, thành phố đã thống nhất thông qua chủ trương xây dựng 4 khu nhà ở xã hội tập trung và hiện đã giao cho các nhà đầu tư lập quy hoạch chi tiết.
Đó là 2 khu tại xã Tiên Dương, huyện Đông Anh (73,23ha); 1 khu tại xã Cổ Bi, Gia Lâm (39,12ha); 1 khu tại xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì (41,52ha).
Sau khi quy hoạch được phê duyệt, thành phố sẽ tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện dự án.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng, khó khăn lớn nhất của Hà Nội hiện nay chính là nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng để kêu gọi đầu tư, cụ thể là đối với những dự án nằm ở các vị trí mà hệ thống hạ tầng (giao thông, thoát nước) chưa hoàn chỉnh.
Một sáng kiến của Hà Nội để tiếp tục vươn dài chuỗi nhà ở xã hội theo chủ trương của Chính phủ là đề xuất Thủ tướng cho phép thực hiện cơ chế thu bằng tiền đối với diện tích đất (20% quỹ đất ở) dành để xây dựng nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại có quy mô trên 10ha.
Điều này sẽ giúp thành phố tập trung vốn tạo quỹ đất sạch, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đến ngoài hàng rào, xây dựng trường học, nhà trẻ công lập.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đề xuất, Hà Nội nên dành thêm quỹ đất sạch giao cho doanh nghiệp có năng lực thực hiện các dự án khu đô thị có quy mô lớn, trong đó có cả nhà ở xã hội và nhà ở thương mại.
Việc triển khai dự án nhà ở xã hội trong khu đô thị mới sẽ đảm bảo hỗ trợ hiệu quả, tạo sức hấp dẫn và phát triển bền vững của nhà ở xã hội.
Vốn tiếp sức
Liên quan đến nguồn vốn cho nhà ở xã hội, tại hội nghị “Diên hồng” về nhà ở xã hội vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nghiên cứu đề xuất các giải pháp chính sách tín dụng, thuế, bù lãi suất để khai thác và huy động tối đa các nguồn lực tài chính, nhất là nguồn lực trung và dài hạn cho phát triển nhà ở xã hội theo hướng tăng nguồn lực xã hội, giảm nguồn vốn Nhà nước, giảm dần hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách, chuyển sang hỗ trợ tín dụng ưu đãi.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương và trung ương bổ sung chương trình phát triển nhà ở xã hội vào danh mục các chương trình ưu tiên sử dụng vốn ngân sách trung ương tại Quyết định 40 của Thủ tướng về phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016-2020.
Có thể nhận thấy rõ, khi thời điểm gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng kết thúc, nhiều người dân thu nhập thấp ở đô thị rơi vào trạng thái tuyệt vọng, đứng trước khả năng phải bỏ dở “giấc mơ an cư.”
Dự án nhà ở xã hội Đại Kim. (Ảnh: Minh Nghĩa/Vietnam+)
Mong muốn lớn lao của nhiều khách hàng và cả chủ đầu tư hiện nay là có thêm những gói tín dụng hỗ trợ, ưu đãi tiếp nối “chiếc đũa thần” 30.000 tỷ. Vì vậy, Hà Nội kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước, sớm cấp vốn để Ngân hàng chính sách xã hội cho chủ đầu tư và người dân vay vốn theo Điều 17, Nghị định số 100/NĐ-CP.
Chị Thu Hoài, một giáo viên huyện Gia Lâm chia sẻ gia đình chị phải dành dụm từ rất lâu mới có đủ nguồn tài chính ban đầu và vẫn kỳ vọng vào nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội để đăng ký mua nhà ở xã hội. Nhưng gần nửa năm trôi qua, gia đình chị chỉ biết mòn mỏi chờ đợi.
Niềm mong mỏi của chị Hoài cũng là tâm trạng chung của hàng trăm người dân, nhất là các cán bộ viên chức trẻ Thủ đô về một nguồn tín dụng hỗ trợ đặc biệt để có thể mua nhà, bởi với lãi suất vay thương mại dao động quanh mức 11-12%/năm sẽ là áp lực quá lớn.
Không chỉ có những nỗi lo từ những người thu nhập thấp có nhu cầu ở thực, nhiều chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trên địa bàn Thủ đô cũng rất quan ngại.
Đứng đầu một doanh nghiệp có nhiều dự án nhà ở xã hội ở khu vực phía Bắc, vấn đề mà ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Tổng công ty Viglacera tha thiết nhất vẫn là gói tín dụng cho người mua nhà.
"Dù biết ngân sách rất khó khăn nhưng nhu cầu nhà ở của người nghèo, công nhân vẫn là vấn đề cấp bách nên cần có thứ tự ưu tiên trong tín dụng để hỗ trợ người dân mua nhà," ông đề nghị.
Đại diện Công ty cổ phần Tứ Hiệp Hồng Hà Dầu khí cũng bày tỏ, doanh nghiệp mong muốn được Nhà nước hỗ trợ vốn trực tiếp để tiếp tục xây dựng các dự án nhà ở xã hội, đồng thời tạo mọi điều kiện tối ưu giúp người dân tiếp cận được nhà ở xã hội.
Từ thực tế tiếp xúc với rất nhiều khách hàng mua nhà tại dự án, lãnh đạo Công ty này cho biết, có tới hơn 90% khách hàng phải vay gói hỗ trợ 30.000 tỷ (với nhu cầu vay từ 70 - 80% giá trị hợp đồng mua nhà).
Tuy nhiên, khi kết thúc giải ngân gói vay ưu đãi, không những người dân rất khó khăn về nguồn tài chính mà phía doanh nghiệp cũng lo lắng cho “đầu ra” tiếp theo của dự án.
Tương tự, dự án nhà ở xã hội Bamboo Garden (huyện Quốc Oai) do Tập đoàn CEO Group làm chủ đầu tư hay dự án nhà ở xã hội The Vesta (quận Hà Đông) của Công ty cổ phần Bất động sản Hải Phát với tổng số gần 2500 căn hộ, hiện đã và đang chuẩn bị hoàn thành, nhưng cũng do ảnh hưởng từ việc dừng gói 30.000 tỷ nên phần lớn khách hàng không “mặn mà” với nhà ở xã hội.
Cùng với những giải pháp về quy hoạch, nguồn vốn, Hà Nội khẳng định sẽ tăng cường quản lý chặt chẽ quỹ nhà ở xã hội. Hiện, thành phố đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra việc tuân thủ pháp luật của chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trong quá trình triển khai thực hiện, quản lý và sử dụng.
Qua đó, sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật; đồng thời tiếp tục công khai, minh bạch các thông tin dự án để người dân biết, tham gia giám sát. Tuy nhiên, thành phố cũng kiến nghị các bộ, ngành chức năng bổ sung vào Nghị định các quy định, chế tài xử lý cụ thể đối với việc quản lý nhà ở xã hội…
Quan điểm tiếp tục phát triển chương trình nhà ở xã hội đã được khẳng định với sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.
Cơ hội sở hữu căn hộ cho người thu nhập thấp vẫn luôn hiện hữu, nhưng để đảm bảo hiện thực hóa và nối dài những “giấc mơ an cư,” rất cần có những giải pháp đồng bộ làm chìa khóa mở rộng cánh cửa nhà ở xã hội cho người nghèo, người có thu nhập thấp đô thị.
  • Phó Thủ tướng yêu cầu Hà Nội bố trí đủ quỹ đất xây nhà ở xã hội

    Phó Thủ tướng yêu cầu Hà Nội bố trí đủ quỹ đất xây nhà ở xã hội

    CafeLand - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng ý cho nhà đầu tư dự án Khu đô thị mới Tây Mỗ - Đại Mỗ và dự án Khu chức năng đô thị tại 233 - 233B - 235 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân được nộp bằng tiền theo giá đất đối với quỹ nhà ở xã hội. Đồng thời, yêu cầu UBND Hà Nội bố trí đủ quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội cho người dân.

  • Mỏi mắt chờ gói vay mua nhà xã hội

    Mỏi mắt chờ gói vay mua nhà xã hội

    Tháng 10.2015, Chính phủ ban hành Nghị định 100 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, trong đó có một điểm quan trọng là lãi suất cho vay để xây dựng, mua nhà ở xã hội chỉ 4,8%/năm và kéo dài trong 15 năm.

  • Nghịch lý nhà ở thương mại rẻ hơn nhà ở xã hội

    Nghịch lý nhà ở thương mại rẻ hơn nhà ở xã hội

    Lý do bởi nhiều dự án nhà ở thương mại chấp nhận lỗ để bán trong khi phần lớn dự án nhà ở xã hội vẫn cứng nhắc tính lợi nhuận 10% vào giá bán.

  • Nhà ở xã hội: được và chưa được

    Nhà ở xã hội: được và chưa được

    Với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, việc phát triển NƠXH đến cuối 2016 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Điển hình, đã đưa vào sử dụng 3,7 triệu m2 NƠXH tại khu vực đô thị và KCN, góp phần giải quyết chỗ ở cho gần 500 nghìn người thu nhập thấp, công nhân lao động.…

  • Nhà ở xã hội vẫn quá xa tầm với

    Nhà ở xã hội vẫn quá xa tầm với

    CafeLand – Với những người thu nhập thấp tại các đô thị, nhà ở xã hội là giải pháp an cư dễ dàng nhất để có được một căn nhà. Tuy nhiên, nguồn cung sản phẩm này đang thiếu hụt, giá bán cao, thủ tục xét duyệt khó khăn… đang là những rào cản khiến họ gặp khó khi tiếp cận nhà ở xã hội.

Minh Nghĩa (Vietnam+)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.