“Rẻ lắm cũng 700 triệu trở lên”
Lập nghiệp ở Sài Gòn đã gần 10 năm nhưng 2 vợ chồng anh Nam vẫn đang phải thuê trọ tại một con hẻm nhỏ tại quận Thủ Đức. Anh Nam cho biết, cả hai vợ chồng đều là nhân viên văn phòng có tổng mức thu nhập khoảng 15 triệu/tháng. Sau khi trừ đi tiền ăn uống, thuê phòng, tiền học cho con trai…cùng lắm mỗi tháng anh chị tiết kiệm được từ 3 – 4 triệu. Với số tiền tích lũy ít ỏi anh không dám nghĩ tới việc mua nhà, dù đó là một dự án nhà ở xã hội.
“Nhà ở xã hội rẻ lắm cũng từ 700 triệu trở lên, người mua phải đóng ít nhất 20% giá trị căn hộ cho đợt đóng đầu tiên. Trong khi muốn vay ngân hàng thì rất gian nan vì phải chứng minh thu nhập, tình trạng nhà ở, thủ tục rối rắm”, anh Nam nói.
Với những gia đình công nhân thì việc có nhà tại thành phố chỉ là giấc mơ. Hai vợ chồng chị Hiền đang là công nhân tại khu chế xuất Linh Trung (quận Thủ Đức) với mức lương dao động trên dưới 10 triệu/tháng. Với thu nhập như vậy, chị Hiền phải tranh thủ kiếm việc làm thêm ở nhà mới trang trải được chi phí sinh hoạt cho 3 người gia đình chị. “Với thu nhập như vậy thì kiếm sống qua ngày đã là khó khăn rồi sao dám mơ tới tiền trăm triệu để mua nhà”, chị Hiền chia sẻ.
Tại TP.HCM, theo thống kê của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, hiện thành phố có khoảng trên 80.000 hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu về nhà ở xã hội. Tuy nhiên, số lượng dự án nhà ở xã hội trên địa bàn là quá ít ỏi.
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, tính đến nay UBND Thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư 51dự án nhà ở xã hội với tổng số hơn 48.000 căn hộ. Trong đó, đã hoàn thành 12 dự án, với gần 4.000 căn hộ, bao gồm 6 dự án sử dụng vốn ngân sách và 6 dự án ngoài ngân sách.
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về nhà ở xã hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, đến nay cả nước đã đưa vào sử dụng 3,7 triệu m2 nhà ở xã hội tại khu vực đô thị và khu công nghiệp, góp phần giải quyết chỗ ở cho gần 500.000 người thu nhập thấp, công nhân lao động tại đô thị và khu công nghiệp.
Tính đến tháng 11/2016, cả nước mới hoàn thành việc đầu tư xây dựng 179 dự án nhà ở xã hội tại khu vực đô thị và khu công nghiệp với 71.150 căn hộ. So với chỉ tiêu số lượng nhà ở xã hội tại đô thị và khu công nghiệp đến năm 2020 đã đề ra tại Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia khoảng 250.000 căn hộ thì đến nay, mới giải quyết được khoảng 28%.
Lý giải nguyên nhân thiếu hụt nhà ở xã hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, do thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành, ngân sách phát triển nhà ở xã hội gặp khó khăn.
Cơ cấu sản phẩm nhà ở xã hội còn có sự mất cân đối. Việc phát triển phân khúc nhà ở cho thuê tuy có được ưu đãi hơn các phân khúc khác, nhưng còn rất chậm, do xây dựng nhà ở cho thuê cần nguồn vốn lớn, thời gian thu hồi vốn dài, trong khi nguồn vốn hiện nay chủ yếu là vay thương mại ngắn hạn, tiền thuê nhà không đủ bù đắp chi phí đầu tư xây dựng và chi phí tài chính.
Doanh nghiệp chưa mặn mà
Mặc dù được khuyến khích và tạo cơ chế nhưng cho đến nay nhà ở xã hội vẫn chưa hấp dẫn được các doanh nghiệp đầu tư. Theo đó, biên độ lợi nhuận thấp, thủ tục xét duyệt dự án còn rườm rà là những khó khăn lớn khiến doanh nghiệp “né” làm nhà ở xã hội.
Theo ông Trương Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Địa ốc Hoàng Quân, nhiều doanh nghiệp hiện nay không mặn mà đầu tư vào nhà ở xã hội. Lý do, thủ tục hành chính liên quan đến quá trình thiết lập dự án và xây dựng nhà ở xã hội tương đối phức tạp và tốn nhiều thời gian của chủ đầu tư, trong khi lợi nhuận định mức lại bị khống chế ở mức 10% và tiềm ẩn nhiều rủi ro vì không được tự quyết định về giá bán khiến cho chủ đầu tư không muốn tham gia vào thị trường kém hấp dẫn này.
Ngoài ra, các chính sách ưu đãi nhà ở xã hội chưa đủ sức bật, các gói ưu đãi về tín dụng chủ yếu và có tính quyết định thì lại không được duy trì thường xuyên và có định hướng rõ ràng. Cụ thể việc kết thúc gói 30.000 tỷ nhưng các gói hỗ trợ tiếp theo vẫn chưa được triển khai khiến doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn vốn.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM cho rằng, nên nới lỏng một số quy định để hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội. Cụ thể, về trách nhiệm của chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại phải dành 20% quỹ đất kinh doanh của dự án để tham gia chương trình phát triển nhà ở xã hội. Cần cho phép doanh nghiệp được thực hiện một trong ba phương thức để thực hiện nghĩa vụ này là xây dựng nhà ở xã hội tại dự án, hoán đổi quỹ đất hoặc quỹ nhà ở xã hội có giá trị tương đương tại vị trí khác hoặc thanh toán bằng tiền, tùy theo điều kiện của từng dự án cụ thể.
Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp làm các dự án nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ, có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Nếu có cơ chế, chính sách hỗ trợ về tiền sử dụng đất, tín dụng, thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp... thì còn có thể giảm giá bán hơn nữa.
Ngoài ra, Chính phủ cũng cần sớm đưa ra gói hỗ trợ tài chính với lãi suất ưu đãi cho người mua nhà ở xã hội tương tự như gói 30.000 tỷ.
-
Tin vui cho người lao động thu nhập thấp tại Hà Nội
UBND Hà Nội vừa phê duyệt cập nhật danh mục 72 dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị (đợt 4). Trong đó, thành phố bổ sung thêm 8 dự án nhà ở xã hội, tương đương gần 1.600 căn.
-
145.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội không tính vào room tín dụng
Ngân hàng Nhà nước vừa chỉ đạo 9 ngân hàng triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội với hạn mức 145.000 tỷ, không tính vào chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hàng năm và áp dụng đến năm 2030.
-
Xác nhận thu nhập cho lao động tự do muốn mua nhà ở xã hội thế nào?
Tôi là lao động tự do nên không có hợp đồng lao động. Khi tôi ra xã xác nhận điều kiện về thu nhập để đăng ký mua nhà ở xã hội thì xã không xác nhận với lý do, không có cơ sở để chứng minh thu nhập của tôi....