Người dân gốc Việt sống trên các làng nổi tại Campuchia chấp hành quy định của nước sở tại, nhưng lệnh di dời gấp gáp khiến nhiều người lâm vào cảnh khó khăn và thiệt hại vật chất.

Bà con gốc Việt tháo dỡ nhà bè sau thông báo của chính quyền Phnom Penh. HỘI KHMER - VIỆT NAM TẠI CAMPUCHIA

Hồi đầu tháng 6, chính quyền thủ đô Phnom Penh ra thông báo về việc giải tỏa và di dời các nhà nổi và bè cá trên sông Mê Kông, sông Tonle Sap và Tonle Bassac trong vòng 7 ngày. Quyết định bất ngờ khiến nhiều hộ dân, đặc biệt là khoảng 1.000 hộ gia đình gốc Việt không kịp trở tay.

Thêm lệnh di dời mới

Trả lời phỏng vấn Thanh Niên, ông Sim Chy, Chủ tịch Hội Khmer - Việt Nam tại Campuchia, cho biết ngay khi có thông báo, hầu hết các hộ gia đình gốc Việt đều hoang mang nhưng sau đó đã chấp hành di dời để chờ tìm nơi tái định cư. Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia, Hội Khmer - Việt Nam tại Campuchia đã liên hệ với chính quyền sở tại để kiến nghị có phương án hợp lý, đảm bảo cuộc sống của người dân.

Theo ông Chy, chính quyền Phnom Penh đã cho phép các hộ dân di dời đến ấp Kruos, phường Samrong, quận Prek Pnov, cách trung tâm Phnom Penh khoảng 18 km. Tính đến ngày 19.6, có gần 200 hộ với hơn 300 nhà bè và bè nuôi cá được di dời về đây. Bên cạnh đó, khoảng 150 hộ di dời về neo tạm thời tại huyện Leuk Daek, tỉnh Kandal, gần cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương, tỉnh An Giang.

Trong khi đó, ông Chy cho hay chính quyền tỉnh Kampong Cham gần Phnom Penh vừa ra thông báo mới, yêu cầu các hộ dân sống ở các nhà nổi trên sông Mê Kông tại tỉnh này phải di dời trong vòng 10 ngày, tính từ ngày 18.6. Thanh Niên đã gọi điện liên hệ Đại sứ quán Việt Nam để bình luận về thông tin này nhưng chưa nhận được phản hồi.

Người dân dỡ nhà bè trên sông Tonle Sap tại quận Prek Pnov. ẢNH: REUTERS

Khó khăn lớn

Do thời gian gấp gáp cộng với những khó khăn trong thời điểm đại dịch Covid-19, nhiều hộ dân đã không kịp di dời. Theo thống kê, có hơn 370 hộ bị cưỡng chế, dỡ bỏ nhà bè và bè nuôi cá. Trong quá trình di dời, nhiều nhà bè, lồng bè nuôi cá bị hư hại, gây thiệt hại tài sản nặng nề và có người lâm vào cảnh nợ nần. Một số người do cá nuôi còn rất nhỏ nên không thể bán và buộc phải thả ra sông. “Hiện tại, một số người được cho là phải che lều ở ven sông hoặc thuê đất, nhà trọ của người địa phương để ở tạm”, ông Chy cho biết.

Theo chủ trương chính sách của Campuchia, quyết định giải tỏa, di dời được cho là để bảo vệ giao thông đường thủy, môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe của người dân. Tuần trước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam thông hiểu chính sách phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ cảnh quan, môi trường của Campuchia nhưng mong rằng việc di dời được triển khai với lộ trình hợp lý và khả thi, có bố trí khu vực tái định cư với đầy đủ cơ sở hạ tầng thiết yếu, giúp người dân thuộc diện di dời sớm ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội.

Kêu gọi giúp đỡ từ cộng đồng

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành, Hội Khmer - Việt Nam tại Campuchia đã cố gắng hỗ trợ lương thực, thực phẩm để giúp bà con ổn định. Chủ tịch hội Sim Chy cho biết từ đầu đại dịch Covid-19 đến nay, hội đã hỗ trợ cho khoảng 10.000 hộ gia đình. Trong thời gian thực hiện di dời, ông Chy cùng các đồng nghiệp đã liên tục xuống thăm hỏi và vận động bà con tránh hoang mang. Sang tuần sau, lãnh đạo hội dự định sẽ làm việc với chính quyền tỉnh Kampong Cham về thông báo di dời mới. Ông Chy cho biết hội đang kêu gọi thêm sự hỗ trợ để giảm bớt khó khăn cho bà con.

  • Campuchia: Tiền nước ngoài để lại những thị trấn ma

    Campuchia: Tiền nước ngoài để lại những thị trấn ma

    CafeLand – Nhiều chung cư cao cấp mới đang mọc lên trên khắp thủ đô Phnom Penh, nhưng những người dân thường Campuchia không thể đủ khả năng sống trong đó. Điều này đã làm tăng sự phụ thuộc vào các nhà đầu tư nước ngoài.

Bảo Vinh (Thanh Niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.