Ngeth Both làm bảo vệ một trong một chung cư cao tầng mới xây ở Koh Pich, một quận sang trọng ở thủ đô Phnom Penh của Campuchia. Công việc trong ngày của Both khá thong thả. Đường phố vắng lặng vì không có xe cộ, và trong căn hộ thì hầu như chẳng có ai sinh sống.
"Nó luôn luôn yên tĩnh. Mỗi ngày chỉ có hai hoặc ba người rời khỏi tòa nhà", nhân viên bảo vệ nói.
Diện mạo của Phnom Penh đã thay đổi đáng kể trong thập kỷ qua. Trên toàn thành phố, các tòa nhà cũ đang nhanh chóng được thay thế bởi những cái mới.
Một trong những dự án căn hộ tại Koh Pich có mặt trên thị trường với giá 1.500 USD mỗi mét vuông. Tổng giá trị của tòa nhà cao tám tầng này là khoảng 1,8 triệu USD. Được đặt tên là The Elysee, con đường này mang hơi hướng kiến trúc Pháp với các khu dân cư mới, thậm chí có khu đã dựng lên một bản sao của Khải Hoàn Môn, với hy vọng cư dân cảm thấy họ đã được chuyển đến Paris.
Nhưng nhiều căn hộ mới lấp lánh đang bị bỏ trống. Hầu hết căn hộ này có giá khá đắt đến mức một gia đình trung bình ở Campuchia không bao giờ có thể mua được.
Sreynik Seng, người điều hành một quán cà phê nhỏ trong khu vực, nói với hãng tin DW rằng phần lớn tài sản ở đó thuộc sở hữu của công dân Trung Quốc. "Một số người trong số họ cho thuê, những người khác mua rồi để đó. Tôi không nghĩ nó quan trọng với họ khi tòa nhà trống rỗng", ông Seng nói.
Phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được coi là rất quan trọng đối với nền kinh tế đang phát triển của Campuchia. Năm ngoái, nước này đã nhận được khoảng 3,5 tỉ USD vốn FDI, trong đó khoảng 43% đến từ Trung Quốc - biến Trung Quốc thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Campuchia.
Kim Heang, Giám đốc điều hành của Bất động sản Khmer, nói với DW rằng một khi việc xây dựng được hoàn thành, nhiều căn hộ ở Phnom Penh được mua bởi những người từ Trung Quốc, Đài Loan và Singapore. Nhiều người trong số họ không sống lâu dài ở Campuchia.
"Từ năm 2013 đến năm 2017, hầu hết người mua là người nước ngoài. Nhưng họ không đến ở đây", Heang nói và thêm rằng nó khiến nhiều căn hộ dường như bị bỏ hoang.
Ngoài ra, đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều người nước ngoài quay trở về nước của họ, làm tăng thêm chỗ trống trong thị trường nhà ở của Campuchia. Tuy nhiên, ngành công nghiệp bất động sản của đất nước này vẫn có khả năng sinh lợi cao, ông Heang nhận định.
"Năm 2013-2016 là thời điểm vàng cho các căn hộ. Một số người kiếm được rất nhiều tiền với lợi nhuận lên tới 300%. Năm năm trước, lợi nhuận đã giảm xuống còn khoảng 200%. Bây giờ là 30-40%", ông Heang nói.
Tuy nhiên, cung đã tăng nhanh hơn nhiều so với nhu cầu. Năm 2016, phân khúc căn hộ cao cấp ở Phnom Penh có chưa tới 5.000 căn, nhưng đến cuối năm 2019 con số này đã là 18.000, theo CBRE Group, một công ty đầu tư bất động sản thương mại của Mỹ.
Trong một báo cáo năm 2019, CBRE đã cảnh báo về nguy cơ bão hòa trong thị trường căn hộ chung cư. "Trong khi nguồn cung đang tăng nhanh, khả năng chi trả của các phân khúc này đã không được điều chỉnh để phù hợp với bối cảnh địa phương và do đó gây ra sự phụ thuộc ngày càng tăng vào các nhà đầu tư quốc tế", báo cáo cho biết.
Rửa tiền và lo ngại về an toàn
Các cơ quan giám sát tội phạm tài chính đang tìm hiểu xem các căn hộ triệu đô đang được tài trợ như thế nào.
Lo sợ rằng tiền đang được rửa trên diện rộng, tổ chức chống hành vi rửa tiền (FATF) đã thúc giục chính phủ Campuchia thực hiện giám sát dựa trên rủi ro đối với bất động sản và sòng bạc. Liên minh châu Âu cũng liệt kê Campuchia là một quốc gia có nguy cơ cao về rửa tiền.
Để giải quyết mối quan tâm quốc tế, Quốc hội Campuchia đã phê chuẩn một đạo luật mới, trong đó rửa tiền có thể bị trừng phạt tới 5 năm tù. Thủ tướng Hun Sen nói rằng luật mới là một phản ứng trước lời kêu gọi hành động của FATF, tờ báo địa phương Khmer Times đưa tin.
Nhưng không chỉ hoạt động rửa tiền mới gây ra mối lo ngại. Các tổ chức phi chính phủ và công đoàn cũng lo lắng về việc kiểm soát chất lượng của một số tòa nhà mới nhất của Campuchia. Năm ngoái, một tòa nhà bảy tầng trái phép đang được xây dựng đã sụp đổ ở thị trấn ven biển Sihanoukville, làm 28 người thiệt mạng.
San Chey, Giám đốc của Mạng lưới liên kết về trách nhiệm xã hội Campuchia, nói với DW rằng tham nhũng lan rộng tạo ra một cửa ngõ cho việc xây dựng bất hợp pháp và không an toàn.
Tuy nhiên, một chủ quán cà phên trên đường The Elysee vẫn cảm thấy lạc quan về tương lai. "Ngày càng có nhiều văn phòng mở tại đây. Có lẽ năm tới cũng sẽ có nhiều cư dân ở đây", vị chủ quán cà phê nói.