Số lượng nhà ở tại Mỹ được mua bởi người nước ngoài đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuộc Đại suy thoái, chủ yếu là do đồng đô la tăng giá quá mạnh. Tuy nhiên, thị trường khách Trung Quốc lại là một ngoại lệ.

https://static1.businesstimes.com.sg/s3fs-public/styles/card_image_large_3x2/public/articles/2023/08/01/2023-07-26t154100z1956862225rc22b2ai9sjtrtrmadp3usa-economy-housing.jpg?itok=OC29z-aF

Theo báo cáo công bố hôm thứ Ba của Hiệp hội Môi giới Quốc gia Mỹ (NAR), người nước ngoài đã mua 53,3 tỷ USD bất động sản nhà ở tại Mỹ trong 12 tháng tính đến tháng 3 vừa qua, giảm 9,6% so với một năm trước đó. Con số này là mức thấp nhất kể từ năm 2009.

Thị trường nhà ở Mỹ chứng kiến nhu cầu từ khách nước ngoài giảm dần khi quốc gia này đóng cửa biên giới với du lịch quốc tế trong thời kỳ đầu của đại dịch. Khi mở cửa trở lại, thị trường nhà ở phục hồi, nhưng đối với khách nước ngoài, đồng đô la mạnh khiến giá bất động sản thậm chí còn đắt hơn. Giá trung bình mà họ phải trả đạt mức cao kỷ lục khoảng 640.000 USD.

Lawrence Yun, nhà kinh tế trưởng tại NAR, cho biết: “Tôi đã kỳ vọng người mua nước ngoài quay trở lại khi tình hình dịch bệnh gần như được giải quyết. Nhưng đồng đô la mạnh đã cản trở điều này”.

Florida là điểm đến được người mua quốc tế ưa thích nhất, chiếm gần 25% bất động sản được bán trong giai đoạn này. Hơn một nửa số người mua Canada và bốn trong số năm người mua Colombia cũng mua bất động sản tại đây.

Cả Texas và Florida đều chiếm thị phần lớn hơn trên thị trường khách quốc tế trong 5 năm qua. Thị phần của California đã giảm nhẹ kể từ năm 2018, mặc dù đây vẫn là điểm đến yêu thích của người mua từ Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan – những người chiếm khoảng 13% số người mua nước ngoài, cao hơn gấp đôi so với một năm trước đó.

Báo cáo của NAR cũng cho thấy khoảng 42% người nước ngoài thanh toán bằng tiền mặt, so với tỷ lệ 1/4 người mua trong nước tại cùng thời kỳ nghiên cứu.

Báo cáo cho biết những người không cư trú chiếm 56% tổng số tiền mà người nước ngoài chi cho bất động sản Mỹ trong giai đoạn này. Một nửa số người mua quốc tế đã mua bất động sản để sử dụng làm nhà nghỉ hoặc cho thuê, hoặc cả hai. Nhìn chung, người mua nước ngoài chiếm khoảng 2,3% doanh số bán nhà hiện tại của Hoa Kỳ trong 12 tháng tính đến tháng 3.

Trung Quốc là thị trường khách duy nhất chứng kiến hoạt động mua nhà gia tăng tại Mỹ. Theo Juwai IQI, một tập đoàn công nghệ bất động sản có trụ sở tại châu Á, tổng số giao dịch mua nhà của người Trung Quốc tại Mỹ trong năm 2023 đạt mức cao nhất kể từ năm 2018. Mỹ cũng trong những năm điểm đến hàng đầu để mua bất động sản của người Trung Quốc.

Kashif Ansari, CEO và đồng sáng lập Juwai IQI, cho biết: “Cứ 10 người mua Trung Quốc thì chỉ có một người mua thuần túy chỉ vì đầu tư. Đây là một sự thay đổi lớn so với giữa những năm 2010, khi họ tìm cách đa dạng hóa tài sản ra khỏi Trung Quốc. Vào năm 2023, người mua Trung Quốc điển hình không còn chỉ là nhà đầu tư mà đang trên đường trở thành cư dân và công dân Mỹ”.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, mọi chuyện có thể đảo chiều mạnh mẽ khi nhà đầu tư Trung Quốc đang chuyển hướng từ Mỹ và châu Âu về Đông Nam Á, một thị trường hiện đạt đà tăng trưởng mạnh mẽ, trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung tiếp diễn và để đảm bảo nguồn vốn của mình được an toàn.

Các đại lý Bất động sản và chuyên gia nhập cư đang chứng kiến sự gia tăng yêu cầu từ khách hàng Trung Quốc về việc thành lập các văn phòng gia đình ở Singapore, mua căn hộ ở Malaysia và tìm kiếm nơi cư trú ở Thái Lan. Dường như việc di cư đến Đông Nam Á đang trở nên ngày càng hấp dẫn sau 3 năm họ bị mắc kẹt ở quê nhà do các đợt phong tỏa vì đại dịch.

Theo báo cáo, người Trung Quốc đang sở hữu 54% số nhà của người nước ngoài tại Hàn Quốc. Theo các báo cáo, hàng tỷ đô la từ Trung Quốc đã ồ ạt chảy vào các thị trường bất động sản Singapore, Thái Lan, Malaysia, Canada và Úc sau khi đất nước tỷ dân chấm dứt chính sách zero-Covid.

Chủ đề: Bất động sản Mỹ,
Lam Vy (Tổng hợp)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.