Biết vậy thì đã không mua
Sau nhiều năm ở nhà thuê, cuối năm 2019, vợ chồng anh Phước (ngụ Thủ Đức) quyết định mua một căn hộ có diện tích 71m2 tại một dự án nằm mặt tiền xa lộ Hà Nội (quận 9) trị giá 2,3 tỉ đồng.
Tuy nhiên, để mua được căn hộ này, anh chị Phước đã phải vay ngân hàng hơn 1,2 tỉ đồng với thời hạn 15 năm. Mỗi tháng anh chị phải trả khoản tiền cả gốc và lãi khoảng 18 triệu đồng.
Anh Phước cho biết, trước khi mua căn hộ, vợ chồng anh đã tính toán rất kỹ bài toán tài chính. Theo đó, anh quyết định không vay nhiều hơn 50% giá trị căn hộ và số tiền trả lãi gốc hàng tháng cũng không quá 50% thu nhập của anh chị.
Thời điểm đó, thu nhập của cả hai vợ chồng trung bình khoảng 40 triệu mỗi tháng. Có tháng anh Phước nhận việc bên ngoài thêm thì thu nhập lên đến 50 triệu.
Với bài toán tài chính khá “sáng sủa” như vậy, anh Phước yên tâm xuống tiền.
Thế nhưng thời điểm anh Phước nhận nhà đầu năm 2020 cũng là lúc dịch bệnh mang tên Covid-19 xuất hiện. Ban đầu, vợ chồng anh cũng không quá lo lắng vì nghĩ rằng dịch bệnh sẽ không ảnh hưởng gì và sớm được kiểm soát. Nhưng thực tế không như anh nghĩ và mọi kế hoạch trước đó của anh chị bị đảo lộn.
Hiện nay, công việc kỹ sư xây dựng của anh đang bị ảnh hưởng vì các dự án thi công cầm chừng; lãnh đạo công ty cũng đã quyết định giảm 30% lương của nhân viên. Trước đây, buổi tối hay dịp cuối tuần anh tranh thủ nhận tư vấn các bản vẽ công trình nhỏ bên ngoài, nhưng nay nguồn khách hàng này cũng không còn.
Vợ anh Phước là nhân viên của một ngân hàng cũng bị giảm lương. Như vậy, mỗi tháng thu nhập của vợ chồng anh chị giảm đi gần một nửa so với trước đây.
Trước tình hình này, anh Phước đã bàn với vợ hoãn kế hoạch ở nhà mới, tiếp tục kiếp ở thuê với căn phòng trọ 3 triệu đồng mỗi tháng. Căn hộ anh chị đang rao cho thuê lại với giá 9 triệu đồng/tháng nhưng vẫn chưa có người thuê.
“Đúng là người tính không bằng trời tính. Nếu biết được tình hình sẽ khó khăn như hiện nay thì tôi đã không mua nhà”, anh Phước than thở.
Giá nhà có giảm?
Trái ngược với hoàn cảnh của anh Phước, anh Hoàng (ngụ quận 2) đang thở phào nhẹ nhõm vì đã không quyết liệt mua nhà thời điểm cuối năm 2019. Lúc đó, anh Hoàng cũng đã dự tính mua căn hộ có giá 1,7 tỉ đồng ở Dĩ An, Bình Dương. Tuy nhiên, do vốn chỉ mới có 700 triệu đồng nên chần chừ chưa mua.
“Cũng may mà chưa mua chứ vay 1 tỉ đồng mua là giờ khổ rồi. Do dịch bệnh nên thu nhập của tôi cũng đã bị cắt giảm khoảng 25% so với trước đây”, anh Hoàng nói.
Anh Hoàng chia sẻ thêm, kế hoạch thay đổi có thể giúp anh mua được căn hộ với giá rẻ hơn trong tương lai. Anh cho rằng, tình hình dịch bệnh sẽ còn kéo dài và phức tạp nên tác động đến các lĩnh vực kinh tế là không tránh khỏi. Đối với bất động sản, khó khăn kéo dài thì giá nhà sẽ có xu hướng quay đầu do hiện nay phần lớn người mua là nhà đầu tư, đầu cơ sử dụng đòn bẩy tài chính từ ngân hàng.
“Giá nhà hiện nay đã lên quá cao, người mua chủ yếu là đầu tư, đầu cơ. Tôi nghĩ nếu khủng hoảng thì sẽ còn khó hơn thời điểm thị trường bất động sản năm 2008 – 2009. Lúc đó giá nhà sẽ trở về với giá trị thật. Và những người có sẵn nguồn tiền sẽ có cơ hội sở hữu căn nhà để ở với mức giá hợp lý hơn”, anh Hoàng phân tích.
Giám đốc một doanh nghiệp phân phối bất động sản ở quận Thủ Đức cho biết, ảnh hưởng của dịch bệnh đối với thị trường bất động sản ngày càng rõ rệt. Lượng giao dịch giảm hẳn so với cùng kỳ năm trước. Trong hoàn cảnh này, các nhà đầu tư thường chọn phương án “đứng im” để theo dõi tình hình chứ chưa đưa ra quyết định.
“Giá nhà có giảm hay không còn tuỳ vào diễn biến của dịch bệnh. Nếu dịch bệnh sớm được kiểm soát thì điều này sẽ không xảy ra. Nhưng nếu dịch bệnh kéo dài, khủng hoảng kinh tế thì áp lực bán tháo là điều dễ hiểu, không riêng gì với bất động sản”, vị giám đốc nói.
Theo giáo sư Đặng Hùng Võ, bất động sản cũng như nhiều lĩnh vực kinh tế khác đang chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19. Trong bối cảnh hiện nay, chỉ những người thực sự có nhu cầu về nhà ở mới bỏ tiền ra mua bất động sản, còn giới đầu tư thì nhiều khả năng sẽ chưa xuống tiền.
Tuy nhiên, ông Võ cho rằng, ảnh hưởng của dịch bệnh lần này không tạo ra mối nguy hiểm quá lớn cho thị trường bất động sản... Thậm chí, nếu nhìn ở góc độ tích cực, nhiều người sẽ mua được nhà nhờ giá bán có thể được điều chỉnh giảm. Đây cũng là điều có lợi cho thị trường.
-
CafeLand - Khi tôi ngồi viết những dòng này, đại dịch viêm phổi đang diễn ra khốc liệt trên toàn cầu với gần 600 nghìn người nhiễm bệnh và gần 30 nghìn người đã chết. Nhiều quốc gia, nhiều thành phố đang bị phong tỏa và các nền kinh tế đang bị suy sụp. Nước Mỹ hùng cường đã có số người nhiễm cao nhất thế giới và số người chết tăng nhanh. Nước Ý ở một nơi cách rất xa nơi xuất phát điểm của dịch bệnh là Vũ Hán đã có số người chết lên đến gần 10.000 người, vượt xa nơi xuất phát của dịch.
-
eMagazine: Sun Group tìm hướng đi mới trong tâm dịch
Tìm hướng đi mới, xoay chuyển tình thế từ bị động sang chủ động gắn với tinh thần “3T” là cách mà Sun Group lựa chọn để đối mặt và vượt qua những thách thức mà đại dịch Covid-19 đặt ra. Trong một buổi trò chuyện cuối năm, bà Nguyễn Ngọc Thuý Linh, Tổ...
-
Đại dịch khiến nhu cầu mua ngôi nhà thứ hai lên cao kỷ lục
Đại dịch làm khối lượng tài sản của người giàu tăng lên nhanh chóng. Theo báo cáo, số cá nhân sở hữu tài sản trị giá trên 30 triệu USD đã tăng gần 10% vào năm ngoài. Điều này kéo theo nhu cầu cao kỷ lục đối với các bất động sản cao cấp hoặc những ngô...
-
Lợi nhuận homestay đâu chỉ đong đếm bằng tiền
Từ dạo bước chân vào làm homestay dù quy mô nhỏ xíu, mọi người vẫn mặc định tôi đang kinh doanh và thường hỏi về lợi nhuận. Đã là lợi nhuận thì nhất định câu trả lời phải bằng những con số, mọi câu trả lời khác được đánh giá thuộc dạng né tránh hoặc ...