Việc đưa bất kỳ thông tin nào lên báo đều phải được thẩm tra một cách kỹ càng, cẩn trọng… nhưng vẫn có quá nhiều “hạt sạn” lọt lưới?
Nghe hơi nồi chõ
Đọc báo, càng thấy những thông tin về thị trường bất động sản bị “nhiễu”.
Trong ảnh: Dự án Usilk City đã được PV chuyển vào quận 7, TP HCM!?


Gần đây, thị trường nhà đất xuống giá, ít giao dịch và nhiều nhà đầu tư đang mắc kẹt, chưa xả kịp hàng vì trót “ôm” đất khi giá còn cao. Thực tế này đã được báo chí nói đến khá nhiều trong thời gian qua.

Tuy nhiên, trong số những bài báo viết về những biến động của thị trường bất động sản gần đây, có không ít thông tin được đưa không chính xác, thông tin phóng viên đưa theo kiểu “nghe hơi nồi chõ”...

Là người có đôi chút liên quan đến kinh doanh bất động sản, khi đọc những bài báo này tôi có thể khẳng định là có những phóng viên không hề đi thực tế mà chỉ ngồi nhà search mạng, cóp nhặt, xào xáo những thông tin cũ rồi đưa lên thành bài. Ví dụ, khi nói về sự giảm giá của bất động sản khu vực phía Tây Hà Nội, có hàng chục bài báo xào đi xào lại chi tiết “khu đô thị Kim Chung- Di Trạch dẫn đầu về mức giảm giá từ 7- 10 triệu đồng do trước đây giá đã thổi quá cao…” Sự thật là nhà đất có tình trạng giảm giá, điều đó xảy ra ở hầu hết những dự án và khu Kim Chung - Di Trạch cũng không phải là nơi giảm mạnh nhất (về cả tỷ lệ lẫn giá trị tuyệt đối).

Có những chi tiết sai nhưng do phóng viên copy nhau dẫn đến cái sai đó lan rộng mà “không ai biết”. Nếu phóng viên đến tận nơi tìm hiểu thì chắc chắn không có chuyện cái sai “lây lan” một cách đáng tiếc như vậy. Chẳng hạn, do “nghe hơi nồi chõ” nên có báo đưa chi tiết: xã Phú Cát thuộc huyện Ba Vì, sau đó hàng loạt báo khác cũng viết y nguyên như vậy. Lại có bài báo có đầu đề rất kêu với nhận định: “Nhà, đất sắp hết thời đánh đu”. Nhưng người đọc sẽ hoài nghi nhận định này nếu biết được chi tiết “tổ hợp chung cư Usilk City trên đường Lê Văn Lương (quận 7, TP HCM) kéo dài, với 2.500 căn hộ được chào bán giá gốc hơn 26 triệu đồng một m2 vẫn khó bán” là hoàn toàn không chính xác, bởi Usilk City nằm trên đường Lê Văn Lương của Hà Đông, Hà Nội.

Đọc những thông tin sau đây, những người hiểu biết về đất dịch vụ sẽ vô cùng sửng sốt vì phóng viên “chẳng hiểu gì cả”. Tôi xin trích nguyên văn: “có sẵn ít vốn lận lưng, chị Thanh ở quận Đống Đa, Hà Nội, đang phải chạy đôn chạy đáo để trả nợ cho gánh nặng của khoản vay mua đất dịch vụ từ mấy năm trước. Vốn là một cán bộ nhà nước, lương cả hai vợ chồng đều “ba cọc ba đồng” nên chị hy vọng có thể đổi đời nhờ buôn bán đất đai. Bán mảnh đất ở quê được vài chục triệu đồng, vay mượn thêm anh em họ hàng, chị mạnh dạn mua 1 sào (360m2) đất dịch vụ ở huyện Hoài Đức. Những tưởng may mắn nhanh tay mua được đất trước khi Chính phủ áp dụng quy chế đền bù mới (những người dân bị lấy ruộng để làm dự án chỉ được đền bù bằng tiền mặt chứ không được đền bù bằng đất nữa, vì vậy những mảnh đất dịch vụ như của chị Thanh ngày càng hiếm), thế nhưng, mới đây đi làm sổ đỏ thì chủ đất nhất định không chịu ký sang tên nếu chị không trả thêm 30% giá trị của mảnh đất tính theo thời điểm hiện tại. “Chủ đất nói với tôi là anh ta đã bị thiệt khi bán đất cho tôi vào thời điểm quá rẻ. Giờ giá đất đang cao, nếu bán đi tôi sẽ lãi gấp mấy chục lần lúc mua nên cần phải chia lại cho anh ta”, chị Thanh bức xúc. Đâm lao phải theo lao, chị phải đi vay nặng lãi của một số người quen, nghĩ bụng sau khi làm xong sổ đỏ sẽ bán đất luôn để trả nợ. Thế nhưng gần 3 tháng nay, sổ đỏ chưa làm được, giá đất lại giảm sâu, gánh nặng nợ nần đang khiến chị lao đao.”

Sự thật là cho đến nay, loại đất dịch vụ ở Hoài Đức chưa được bàn giao cho dân, do đó làm gì có chuyện sang tên sổ đỏ. Mặt khác, làm sổ đỏ là công việc được triển khai song song với việc làm dự án, đây là công việc của chính quyền và các cơ quan chức năng chứ không phải là việc của cá nhân, do đó sẽ không có “chị Thanh” nào đó đi làm cái chuyện vô nghĩa và không có thực kia. Việc mua bán đất nông nghiệp để chờ hưởng đất dịch vụ là có, trong quá trình đó đất đai lên giá, nếu “chị Thanh” kia là có thực thì chị ta có thể bán sang tay cho người khác để kiếm lời. Nhưng muốn bán được thì phải có chữ ký của người nông dân chủ đất (nếu khi mua “chị Thanh” không làm khống vài bộ hồ sơ). Còn nếu đã làm trước những bộ hồ sơ khống, “chị Thanh” không cần ai ký nữa mà đủ điều kiện để bán sang tay ngay. Cho nên, nếu có một “chị Thanh” đang phải chạy đôn chạy đáo để trả nợ thì chỉ có thể là chị này đã bán suất đất dịch vụ của mình cho người khác nhưng còn thiếu chữ ký chủ đất chứ không thể có chuyện “chị Thanh” chạy thủ tục để làm sổ đỏ như báo chí đưa tin.

Còn khá nhiều những chuyện không chính xác nữa mà tôi khó có thể kể hết. Trộm nghĩ, việc đưa bất kỳ thông tin nào lên báo đều phải được thẩm tra một cách kỹ càng, cẩn trọng; tòa soạn nào khi xử lý tin bài cũng phải thực hiện theo một quy trình nghiêm ngặt… Thế nhưng vai trò rà soát, kiểm tra, sàng lọc thông tin của các báo được làm thế nào mà để quá nhiều ‘hạt sạn” lọt lưới như vậy?
Theo Minh Dũng (Nhà Báo & Công Luận)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0