Năm 2023 là một năm khó khăn của ngành gỗ Việt Nam khi nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ và EU giảm mạnh dẫn đến các đơn hàng sụt giảm, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, thậm chí một số phải đóng cửa.

Hội nghị giao ban ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản quý 1/2024

Mới đây, Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), UBND tỉnh Bình Định và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) phối hợp tổ chức Hội nghị giao ban ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản quý 1/2024.

Hội nghị đánh giá, năm 2023 là năm khó khăn của ngành gỗ Việt Nam khi nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ và EU giảm mạnh dẫn đến các đơn hàng sụt giảm.

Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam giai đoạn 2020-2023

Theo đó, năm 2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chỉ đạt 13,18 tỷ USD, giảm 15,9% so với năm 2022. Đây là lần đầu tiên trong 15 năm ngành gỗ Việt Nam ghi nhận sự sụt giảm trong khâu xuất khẩu của ngành.

Hiện các sản phẩm đồ gỗ nội thất của Việt Nam có mặt trên gần 170 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam cũng là nước xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn thứ 5 thế giới, thứ 2 châu Á và đứng đầu khu vực Đông Nam Á.

Năm 2023 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu từ 5 thị trường chính là Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và EU đạt trên 11,74 tỷ USD, chiếm trên 89,13% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành. Kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường này giảm từ 12% đến 30% so với năm 2022.

Cụ thể, xuất sang mỹ đạt 7,1 tỷ USD, giảm 16,3%; Trung Quốc đạt 1,73 tỷ USD, giảm 20,4%; Nhật Bản đạt 1,65 tỷ USD, giảm 12,5%; Hàn Quốc đạt 797 triệu USD, giảm 21,3%; EU đạt 455 triệu USD, giảm 29,5%.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị nhận định, đây là mức sụt giảm chưa từng có trong lịch sử ngành gỗ.

Nguyên nhân, theo Cục Lâm nghiệp là do lạm phát tăng cao (trên 8%) tại một số thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU. Chính phủ các nước ban hành chính sách thắt chặt tiền tệ, người tiêu dùng siết chi tiêu, giảm mua sắm với sản phẩm không thiết yếu, bao gồm sản phẩm gỗ.

Bên cạnh đó, xung đột cũng khiến chi phí logistic, giá nguyên liệu, vật tư sản xuất đầu vào gia tăng. Nhiều quốc gia dựng hàng rào bảo hộ.

Chính sách phòng vệ thương mại của các nước, điển hình là các vụ điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá ván dán, tủ bếp, bàn trang điểm của Mỹ… ảnh hưởng trực tiếp đến việc buôn bán sản phẩm gỗ, lâm sản.

Giá dăm gỗ giảm từ 195 USD/tấn năm 2022 xuống còn 135 USD/tấn năm 2023. Giá viên nén gỗ cũng rớt mạnh từ 180 USD/tấn xuống còn 100 USD/tấn.

Ngoài ra, một số làng nghề gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng như việc chuyển đổi sử dụng gỗ nguyên liệu từ rừng trồng và gỗ nhập khẩu có nguồn gốc hợp pháp.

Hướng tới mục tiêu xuất khẩu 15,2 tỷ USD

Năm 2024, dự báo sẽ có những cơ hội thuận lợi hơn để các doanh nghiệp gỗ Việt Nam mở rộng, phát triển thị phần, vươn mạnh ra thị trường thế giới. Đồng thời, thị trường nội địa cũng là thị trường tiềm năng, tạo lợi thế cạnh tranh cho ngành công nghiệp chế biến gỗ nước ta tiếp tục phát triển.

Thị trường đồ nội thất thế giới ước tính khoảng 405 tỷ USD/năm; nhu cầu nhập khẩu gỗ, sản phẩm gỗ 230 tỷ USD trong khi kim ngạch xuất khẩu những mặt hàng này của Việt Nam chỉ chiếm hơn 6%. Dư địa còn nhiều.

Các Hiệp định Thương mại tự do được Việt Nam phê chuẩn tiếp tục là “cú hích”, cơ hội thuận lợi để ngành gỗ đi xa: Hiệp định đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); các hiệp định với ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan; Hiệp định đối tác tự nguyện Việt Nam - EU về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản; Thoả thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Mỹ về khai thác, buôn bán gỗ bất hợp pháp…

Năm nay, ngành gỗ đặt mục tiêu xuất khẩu 15,2 tỷ USD, trong đó gỗ và sản phẩm gỗ trên 14,2 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2023. Trong 2 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu gỗ, lâm sản đạt 2,68 tỷ USD, tăng 47,4% so với cùng kỳ 2023; giá trị nhập khẩu đạt 355 triệu USD, tăng 31%. Xuất siêu ước đạt 2,465 tỷ USD.

Nhằm gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp gỗ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị đề nghị các hiệp hội, các doanh nghiệp kịp thời thông tin cho nhau về các cơ chế, chính sách, các quy định mới, tình hình chế biến gỗ và thị trường lâm sản trong nước và thế giới để có định hướng sản xuất phù hợp.

Các hiệp hội và các doanh nghiệp cùng bàn giải pháp để nâng cao giá trị sản phẩm, xuất khẩu trực tiếp sản phẩm sang nước ngoài; khuyến khích các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ liên kết với người trồng rừng theo chuỗi sản xuất; chú trọng đầu tư, phát triển rừng trồng sản xuất gỗ lớn để chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch phát triển thương hiệu gỗ Việt; tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh về gỗ, sản phẩm gỗ Việt Nam ra thị trường nước ngoài.

Hữu Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.