Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Chứng khoán 2019 (hiệu lực từ đầu năm 2021), trong đó có nêu tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (room vốn ngoại) tại các công ty đại chúng là không hạn chế - trừ một số ngành nghề điều ước quốc tế, pháp luật có quy định khác. Quy định mới này nếu được ban hành, sẽ bãi bỏ quy định quyền tự định đoạt room vốn ngoại của doanh nghiệp (DN), nhất là các ngân hàng (NH) thương mại vốn là lĩnh vực đặc thù.
Rộng cửa cho vốn ngoại
Theo quy định hiện hành, các công ty đại chúng được đưa vào điều lệ công ty một tỉ lệ cụ thể nào đó thấp hơn room do nhà nước đặt ra và cho phép DN đó tự do đóng mở van điều tiết nội bộ này. Điều này nghĩa là room vốn ngoại sẽ được linh hoạt thay đổi tùy vào chiến lược, kế hoạch, mục tiêu kinh doanh trong từng thời kỳ của HĐQT, ban lãnh đạo công ty.
Việc mở rộng hạn mức cho vốn ngoại vào các công ty đại chúng là cần thiết nhưng phải cân nhắc .Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Chẳng hạn, đầu tháng 10-2020, NH TMCP Phát triển TP HCM (HDBank) cho biết đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận được cố định tỉ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài ở mức 21,5%, từ mức 30% trước đó. Việc điều chỉnh nhằm phục vụ kế hoạch với đối tác chiến lược.
HĐQT NH TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) cũng thông qua việc chấp thuận và phê duyệt điều chỉnh tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài từ mức hơn 22,50% xuống 22,49% vốn điều lệ, kể từ thời điểm kết thúc đợt phát hành cổ phần cho người lao động theo phương án tăng vốn điều lệ. Trước đó, Techcombank đã tăng room vốn ngoại để người lao động nước ngoài được mua 439.000 cổ phiếu của NH này thông qua giao dịch chuyển nhượng cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường…
Hiện room vốn ngoại tại các NH TMCP tối đa là 30%. Do đó, để tìm được đối tác chiến lược và thực hiện các mục tiêu dài hạn, nhiều NH đã dùng quyền mở, đóng room vốn ngoại ở từng thời điểm thích hợp. Tuy nhiên, nếu dự thảo được thông qua và bãi bỏ quy định quyền tự quyết room vốn ngoại, các NH có thể gặp khó.
Lãnh đạo một NH cổ phần phân tích NH là ngành đặc thù, liên quan đến thực thi chính sách tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, van điều tiết về room vốn ngoại nhằm hạn chế nhà đầu tư cơ hội ngắn hạn để giành dư địa tìm kiếm đối tác chiến lược mua cổ phần, với kỳ vọng giúp NH nâng cao tiềm lực vốn, năng lực quản trị. Nếu quy định mới bỏ quyết tự quyết sẽ ảnh hưởng tới các NH trong bài toán này.
Trong văn bản góp ý về dự thảo nghị định này, đại diện NH Nhà nước nhận định việc bỏ quyền tự quyết của các công ty đại chúng có thể dẫn tới một số tác động tiêu cực đến các NH thương mại. Cụ thể, hạn chế tính chủ động của các NH trong việc lựa chọn, tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính tốt để chào bán cổ phần, tăng vốn điều lệ. Bởi tăng vốn điều lệ là một trong những giải pháp quan trọng để cải thiện hệ số an toàn hoạt động, mở rộng hoạt động kinh doanh của NH. Tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính để chào bán cổ phần với mức giá tốt có thể đem về nguồn thặng dư vốn cổ phần lớn, gia tăng giá trị DN, từ đó đem lại lợi ích cho toàn bộ cổ đông...
"Việc bãi bỏ quyền tự định đoạt room vốn ngoại của DN có thể giúp nhà đầu tư nước ngoài tự do mua bán cổ phiếu, tăng tính thanh khoản của cổ phiếu. Tuy nhiên, với ngành NH, qua rà soát, hiện hầu hết NH có cổ phiếu đã được niêm yết trên thị trường chứng khoán đều có thanh khoản tốt. Do đó, bỏ quyền tự quyết trong trường hợp này đem lại lợi ích gia tăng không đáng kể cho cổ đông nhỏ lẻ, cổ đông ngắn hạn nhưng lại có tác động, ảnh hưởng đến mục tiêu, chiến lược dài hạn của NH. Từ đó có thể ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, giá trị DN" - đại diện NH Nhà nước phân tích.
Không dễ "thâu tóm" ngân hàng
Dưới góc nhìn chuyên gia, TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng Khoa Tài chính DN Trường ĐH Kinh tế TP HCM, cho rằng theo lộ trình thực thi các hiệp định thương mại trong quá trình hội nhập, Việt Nam cam kết mở cửa thị trường tài chính bao gồm việc gia tăng tỉ lệ sở hữu nước ngoài ở các NH. Trong dự thảo nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Chứng khoán sắp có hiệu lực đã đưa nội dung này vào, phù hợp với lộ trình cam kết.
Thực tế, từ trước đến nay, Việt Nam cũng đã mở cửa với thị trường tài chính khi cho tổ chức tài chính quốc tế mở chi nhánh tại Việt Nam. Đây là cơ hội thu hút đầu tư gián tiếp nước ngoài, việc gia tăng sở hữu cổ phần tại các NH trong nước cũng tạo điều kiện cho quỹ đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào NH. Bởi theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, một nhà đầu tư hoặc một nhóm nhà đầu tư không được sở hữu vượt 20% cổ phần tại một NH.
"Dù có mở room vốn ngoại trên 30% cũng khó có chuyện liên kết lại để "thâu tóm" NH trong nước dễ dàng. Đổi lại, nếu mở hết room vốn ngoại sẽ giúp các quỹ đầu tư mở rộng đường phân bổ danh mục đầu tư, chứ không chỉ loanh quanh vài cổ phiếu trên sàn" - TS Lê Đạt Chí nói.
Ông Huỳnh Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán NH TMCP Đông Á, nhìn nhận với quy định như dự thảo nghị định, nếu áp dụng sẽ khó vẹn toàn cả 2 khi vừa tránh NH bị "thâu tóm" và để thị trường chứng khoán sôi động, thanh khoản phong phú.
"Việc mở rộng room cho nhà đầu tư nước ngoài là điều mà thị trường chứng khoán luôn cần, giúp nâng tầm thị trường khi thu hút thêm nhiều nhà đầu tư tham gia. Tuy nhiên, nhà nước cần có cơ chế phù hợp để quản lý bởi NH là ngành kinh doanh có điều kiện, việc lựa chọn nhà đầu tư, cổ đông phải thận trọng chứ không phải có tiền là được" - ông Huỳnh Anh Tuấn cảnh báo.
Cân nhắc kỹ Theo NH Nhà nước, công ty cổ phần là DN hoạt động theo nguyên tắc đối vốn, cổ đông lớn có nhiều quyền hơn trong việc đưa ra các quyết định. Do đó, quyền quyết định tỉ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài nên được trao cho đại hội đồng cổ đông của DN. Vì vậy, cần cân nhắc kỹ việc bãi bỏ quy định quyền tự định đoạt room vốn ngoại của DN, đặc biệt là đối với các NH thương mại. Điều lệ quy định cụ thể tỉ lệ sở hữu nước ngoài cũng là cơ sở để công ty cân nhắc được việc tham gia của nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với mục tiêu lựa chọn cổ đông chiến lược, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư theo chiến lược... |
-
Gần 24 tỷ USD vốn ngoại vào Việt Nam
CafeLand - Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/10, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 23,48 tỷ USD, bằng 80,6% so với cùng kỳ năm 2019.
-
Đại gia bất động sản Singapore muốn mở rộng đầu tư ở Việt Nam
Trong thời gian tới, Tập đoàn Keppel mong muốn mở rộng hoạt động đầu tư vào các lĩnh vực phát triển bền vững, như năng lượng tái tạo, cơ sở dữ liệu
-
Quỹ đầu tư bất động sản hàng đầu châu Á muốn mở rộng hoạt động tại Việt Nam
CapitaLand Investment, một nhánh của Temasek Holdings - tập đoàn đầu tư thuộc sở hữu của chính phủ Singapore, đang tìm kiếm những điểm sáng ở các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam và Ấn Độ.
-
Bất động sản vẫn hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư ngoại
Nửa đầu năm nay, Việt Nam ghi nhận hơn 10 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài. Bất động sản tiếp tục là lĩnh vực hấp dẫn khi chiếm 26%.