Thời gian gần đây trên thị trường tài chính, nhiều ngân hàng công bố hợp đồng huy động vốn khủng từ thị trường quốc tế với quy mô ngày càng lớn.

Ảnh minh hoạ.

Thông tin từ Nhật báo Nikkei mới đây cho biết, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) dự kiến sẽ rót 320 triệu USD vào 3 ngân hàng Việt Nam để hỗ trợ danh mục cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME). Ba ngân hàng nhận đầu tư sẽ là Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) và Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB).

Trong đó, IFC dự kiến đầu tư 120 triệu USD dưới dạng khoản vay bằng USD, kỳ hạn 3 năm cho SHB để hỗ trợ tăng trưởng danh mục cho vay SME của ngân hàng này, bao gồm các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ và những doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng.

Ngoài ra, IFC cũng đang cân nhắc khoản đầu tư vào VIB và OCB, mỗi ngân hàng 100 triệu USD để hỗ trợ tăng trưởng danh mục cho vay nhà ở, bao gồm cả nhà ở giá rẻ.

Gần đây, ngày 11/11, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã ký kết thỏa thuận vay hợp vốn trị giá 500 triệu USD, tương đương gần 12.500 tỷ đồng, từ 5 định chế tài chính lớn bao gồm Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng ANZ và Công ty Chứng khoán Maybank Securities Pte. Ltd. - thành viên của Tập đoàn ngân hàng Đầu tư Maybank.

Nguồn vốn từ khoản vay này sẽ được ngân hàng sử dụng để đáp ứng các nhu cầu tài chính của doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam. Bên cạnh đó, VPBank sẽ có thêm tiềm lực để hỗ trợ các dự án xã hội nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng cơ bản.

Khoản vay quốc tế này là nguồn vốn được VPBank huy động thành công thứ 2 trong năm 2022, sau khi được giải ngân khoản vay hợp vốn 600 triệu USD vào tháng 4 từ các định chế tài chính lớn của châu Á như SMBC, Maybank, Ngân hàng Cathay United Bank, Ngân hàng CTBC và Ngân hàng Trung ương Ấn Độ.

Tháng 7 năm nay, Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam) (HSBC Việt Nam) cùng với một số định chế tài chính khác đã hợp tác cung cấp khoản vay hợp vốn trị giá 700 triệu USD, kèm quyền chọn gia tăng (greenshoe option) thêm 300 triệu USD, dành cho Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank). Giao dịch này là khoản vay hợp vốn trung và dài hạn lớn nhất được thu xếp cho một ngân hàng thương mại tại Việt Nam.

Khoản vay hợp vốn trị giá 1 tỷ USD này là giao dịch vay hợp vốn thứ ba của Techcombank chỉ trong vòng hai năm gần đây.

Trong tháng 11 năm nay, Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ (DFC) đã ký kết cho Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) vay 200 triệu USD trong 7 năm. Dự án này cung cấp các khoản vay cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, với một phần dành riêng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ. Bên cạnh đó là các dự án liên quan đến tiết kiệm năng lượng và các khách hàng bán lẻ, bao gồm cả các hộ kinh doanh cá thể.

Trước đó, vào đầu năm nay, SeABank cũng được IFC và 5 quỹ đầu tư quốc tế gồm Banque Internationale de Commerce-BRED, BlueOrchard Microfinance Fund, KASIKORNBANK PCL, OPEC và responsAbility Investments AG cấp gói tín dụng trị giá 220 triệu USD nhằm hỗ trợ nguồn vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và tài trợ chống biến đổi khí hậu.

Cũng trong tháng 11, Ngân hàng VIB công bố đã được giải ngân khoản vay trị giá 150 triệu USD, tương đương 3.700 tỷ đồng từ IFC. Khoản vay 150 triệu USD từ IFC có kỳ hạn 5 năm nhằm hỗ trợ VIB đẩy mạnh danh mục cho vay khách hàng cá nhân mua, xây dựng, sửa chữa nhà để ở. Trong đó, VIB sẽ dành hơn 45 triệu USD (tương đương 1.100 tỷ đồng) để tài trợ cho các khoản mua nhà có giá trị dưới 35 ngàn USD (~870 triệu đồng).

Trước đó, vào tháng 3/2022, VIB cũng huy động thành công khoản vay hợp vốn trị giá 260 triệu USD từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cùng một số ngân hàng lớn trong khu vực.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2022, đại diện VIB cho biết, huy động vốn luôn luôn là bài toán cân bằng giữa M1 và M2, đảm bảo giá thành huy động vốn ở mức tốt để cân bằng lợi nhuận ngân hàng và lợi ích của cổ đông. VIB đã huy động từ các định chế tài chính quốc tế và đang đàm phán để huy động tiếp với lãi suất tốt.

Theo Ngân hàng Nhà nước, với mong muốn tận dụng mặt bằng lãi suất thấp trên thị trường quốc tế, vay nước ngoài của tổ chức tín dụng và doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng cùng có xu hướng gia tăng.

Điều này dẫn đến nguy cơ không đảm bảo chỉ tiêu về tổng hạn mức rút vốn ròng trung dài hạn và mức tăng dư nợ vay ngắn hạn nước ngoài được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hàng năm.

Và để kiểm soát mức vay nước ngoài tự vay tự trả đảm bảo hạn mức hàng năm nhằm duy trì các ngưỡng nợ an toàn, Thủ tướng Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu xây dựng phương án quy định điều kiện vay đối với hoạt động vay, trả nợ nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh.

Hiện Thông tư đang được Ngân hàng Nhà nước xây dựng theo hướng, doanh nghiệp được vay nước ngoài ngắn hạn để thanh toán các khoản nợ ngắn hạn phát sinh trong vòng 12 tháng kể từ thời điểm ký thỏa thuận vay nước ngoài.

Tuy nhiên, các khoản vay trên không bao gồm các khoản nợ phát sinh từ hợp đồng vay với người cư trú; các khoản phải trả phát sinh từ mua bán chứng khoán kinh doanh; mua phần vốn góp, cổ phần của đơn vị khác; mua bất động sản đầu tư và nhận chuyển nhượng dự án.

Giải thích cho quy định này, Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc tăng trưởng nóng, ồ ạt của thị trường chứng khoán và kinh doanh bất động sản tiềm ẩn rủi ro lớn vì có thể tạo ra tình trạng vốn ảo, bong bóng tài sản, là mầm mống của những bất ổn tài chính vĩ mô.

Do đó, trong bối cảnh dòng vốn vay nước ngoài ngắn hạn cần được quản lý chặt chẽ hơn nữa để hạn chế các nguy cơ đảo chiều, cần hạn chế việc doanh nghiệp vay nước ngoài ngắn hạn cho các mục đích tiềm ẩn rủi ro bong bóng giá như chứng khoán, bất động sản.

Anh Mai
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.