CafeLand - Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/10, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 23,48 tỷ USD, bằng 80,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong đó, có 2.100 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giảm 32,1% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký đạt 11,66 tỷ USD, giảm 9,1% so với cùng kỳ năm 2019.

Về vốn điều chỉnh, có 907 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, giảm 20,8% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 5,71 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn điều chỉnh trong 10 tháng tăng do có dự án tổ hợp hóa dầu Miền Nam Việt Nam tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 1,386 tỷ USD và dự án Khu Trung tâm đô thị tây hồ Tây điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 774 triệu USD.

Góp vốn mua cổ phần cũng giảm 27,4% so với cùng kỳ, tổng giá trị vốn góp 6,11 tỷ USD, giảm 43,5% so với cùng kỳ. Cơ cấu giá trị góp vốn mua cổ phần trong tổng vốn đầu tư cũng giảm so với cùng kỳ năm 2019, từ 37,1% trong 8 tháng năm 2019 xuống 26% trong 10 tháng năm 2020.

Theo lĩnh vực đầu tư, công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 10,7 tỷ USD, chiếm 45,7% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 4,8 tỷ USD, chiếm 20,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản, bán buôn bán lẻ với tổng vốn đăng ký gần 3,5 tỷ USD và 1,4 tỷ USD.

Giải ngân vốn FDI 9 tháng qua ước đạt 15,8 tỷ USD, bằng 97,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Xét theo số lượng dự án FDI mới thì các nhà đầu tư Hàn Quốc đứng vị trí thứ nhất với 528 dự án, Trung Quốc đứng vị trí thứ hai với 294 dự án, Nhật Bản đứng thứ ba với 226 dự án, Hồng Kông đứng thứ tư với 164 dự án.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.