Ảnh minh hoạ.
Tín dụng ngân hàng: Bơm mạnh vào nhà ở thực
Bộ Xây dựng dẫn số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, cho biết tính đến hết tháng 3/2025, dư nợ tín dụng bất động sản đạt hơn 1,56 triệu tỷ đồng – tăng hơn 260.000 tỷ đồng chỉ sau 3 tháng. Đây là mức tăng đáng chú ý, phản ánh chủ trương đẩy mạnh dòng vốn vào lĩnh vực bất động sản phục vụ nhu cầu thực, đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã triển khai gói tín dụng ưu đãi 145.000 tỷ đồng cho phân khúc nhà ở xã hội, đồng thời đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống lên khoảng 16% trong năm nay (tương đương bơm thêm khoảng 2,5 triệu tỷ đồng vào nền kinh tế).
Trái phiếu doanh nghiệp: Sau quý 1 im ắng, tháng 4 bùng nổ
Quý 1/2025 gần như là “mùa đông” của thị trường trái phiếu bất động sản khi không có doanh nghiệp địa ốc nào phát hành trái phiếu thành công. Thay vào đó, ngành bất động sản lại dẫn đầu ở chiều... mua lại, chiếm 58,6% tổng giá trị trái phiếu mua lại trước hạn với hơn 11.300 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bước sang tháng 4, thị trường đã có sự “lội ngược dòng” đầy ấn tượng. Theo FiinRatings, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong tháng này lên tới 35.200 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với tháng trước và tăng 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, bất động sản đóng góp khoảng 12.000 tỷ đồng, đánh dấu sự trở lại đáng chú ý của các “ông lớn” trong ngành.
FiinRatings đánh giá, dù đà phát hành chưa lan tỏa trên diện rộng, nhưng xu hướng sử dụng trái phiếu để tái cấu trúc nợ, tất toán nghĩa vụ tài chính quá hạn đang dần tái khẳng định vị thế kênh huy động vốn trung và dài hạn cho bất động sản.
Vốn FDI: Tăng trưởng chất lượng, niềm tin quốc tế tiếp tục đổ vào bất động sản Việt Nam
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đến cuối tháng 4/2025 đạt 13,82 tỷ USD, tăng gần 40% so với cùng kỳ 2024. Trong đó, lĩnh vực kinh doanh bất động sản thu hút 1,51 tỷ USD vốn đăng ký mới, và nếu tính cả vốn đăng ký điều chỉnh thì con số này lên tới 2,63 tỷ USD, tăng 55% so với cùng kỳ.
Dù vốn FDI giải ngân trong lĩnh vực bất động sản vẫn giảm nhẹ (hơn 533 triệu USD, giảm 12%), nhưng Bộ Xây dựng nhận định chất lượng dòng vốn đang được cải thiện rõ rệt. Đặc biệt, dòng vốn ngoại tiếp tục tập trung vào các dự án đô thị, công nghiệp và nghỉ dưỡng quy mô lớn, có tác động lan tỏa mạnh đến hạ tầng và phát triển đô thị.
Sự chuyển biến tích cực ở cả ba kênh vốn lớn – tín dụng ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp và vốn FDI đang tạo nền tảng vững chắc để thị trường bất động sản bước vào chu kỳ phục hồi. Dù thách thức vẫn còn, đặc biệt với doanh nghiệp quy mô nhỏ và các dự án chưa đủ chuẩn pháp lý, nhưng dòng vốn đã không còn “tắc nghẽn” như giai đoạn trước.
Đây là tín hiệu quan trọng khẳng định niềm tin đang quay trở lại với thị trường... Năm 2025 có thể trở thành bước đệm để bất động sản Việt Nam khởi động một chu kỳ tăng trưởng mới, lành mạnh và bền vững hơn.
-
“Cú hích” tái cấu trúc bất động sản nghỉ dưỡng hậu đại dịch
“Bất động sản nghỉ dưỡng gắn với chăm sóc sức khỏe không còn là trào lưu, mà đang trở thành một nhu cầu tất yếu của thời đại,” ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) nhận định.
-
Loạt doanh nghiệp bất động sản chuẩn bị chi trả cổ tức "khủng" trong năm 2025
Trong bối cảnh thị trường bất động sản dần hồi phục sau giai đoạn khó khăn, nhiều doanh nghiệp trong ngành đang cho thấy dấu hiệu tài chính tích cực, thể hiện qua việc mạnh tay chi trả cổ tức cho cổ đông.
-
Sửa Luật Các tổ chức tín dụng: Gỡ điểm nghẽn thể chế, thúc đẩy tín dụng
Không chỉ thuận tiện trong xử lý nợ xấu, với những đề xuất mang tính đột phá, việc sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng còn được cho sẽ giúp gỡ điểm nghẽn thể chế, thúc đẩy tín dụng.








-
Đại gia bất động sản Singapore muốn mở rộng đầu tư ở Việt Nam
Trong thời gian tới, Tập đoàn Keppel mong muốn mở rộng hoạt động đầu tư vào các lĩnh vực phát triển bền vững, như năng lượng tái tạo, cơ sở dữ liệu
-
Quỹ đầu tư bất động sản hàng đầu châu Á muốn mở rộng hoạt động tại Việt Nam
CapitaLand Investment, một nhánh của Temasek Holdings - tập đoàn đầu tư thuộc sở hữu của chính phủ Singapore, đang tìm kiếm những điểm sáng ở các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam và Ấn Độ.
-
Bất động sản vẫn hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư ngoại
Nửa đầu năm nay, Việt Nam ghi nhận hơn 10 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài. Bất động sản tiếp tục là lĩnh vực hấp dẫn khi chiếm 26%.