Nhiều chính sách đã và sẽ được tung ra để “giải cứu” doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng để có tác dụng, cần có độ trễ của chính sách
Từ hai chỉ tiêu quan trọng của nền kinh tế là lạm phát và tăng trưởng đều giảm mạnh, nhiều chuyên gia cảnh báo nền kinh tế Việt Nam đang đối đầu với những khó khăn.
Tốc độ tăng trưởng GDP hiện nay đã chậm lại do “ngấm đòn” suy thoái, trong khi lạm phát tính theo tháng đang giảm rất mạnh nhưng tính theo năm có thể vẫn ở mức cao. Các giải pháp đưa ra lúc này phải rất tỉnh táo và thận trọng, nếu không, chống lạm phát trong khi vẫn phải giữ cho kinh tế không bị suy giảm sẽ trở thành nhiệm vụ bất khả thi.

Giải cho được bài toán lãi suất

Sau khi yêu cầu các ngân hàng (NH) thực hiện cơ cấu lại nợ cho khách hàng là doanh nghiệp (DN) vào đầu tháng 4-2012, chưa đầy một tháng sau (ngày 24-4), NH Nhà nước (NHNN) lại tiếp tục có Văn bản 2506/NHNN-CSTT yêu cầu các NH xem xét việc gia hạn nợ với thời hạn phù hợp nguồn trả nợ của khách hàng, đồng thời giảm lãi suất cho vay của các hợp đồng tín dụng trước đây xuống theo mức lãi suất cho vay hiện hành.

Trước đó, từ cuối tháng 2, thông điệp cứu sản xuất đã được phát đi bằng động thái giảm lãi suất cơ bản của NHNN. Sau 2 đợt giảm lãi suất cơ bản vào tháng 3 và tháng 4, mặt bằng lãi suất trên thị trường đã bớt nóng khi các NH thương mại liên tiếp công bố giảm lãi suất cho vay.
Với 2 đợt giảm lãi suất nói trên, NHNN khẳng định mặt bằng lãi suất cho vay sẽ trở về mức 15%-16%/năm trong quý II, tuy vẫn còn cao so với khả năng hấp thụ vốn của DN nhưng quan trọng là đang giảm dần theo đúng lộ trình để trở về mức khoảng 10% vào cuối năm nay.

Đặc biệt, việc mở van tín dụng bất động sản (BĐS), tín dụng tiêu dùng cho cả đối tượng xây nhà để ở, đầu tư, kể cả xây nhà đầu cơ cũng bước đầu có dấu hiệu làm thị trường BĐS ấm dần lên. Động thái này được dự báo là sẽ trợ lực đáng kể cho thị trường vì hiện nay, dư nợ cho vay BĐS chỉ chiếm khoảng 10% tổng dư nợ nhưng có đến 60% tài sản cho vay của NH được thế chấp bằng BĐS. Trong khi đó, dư nợ cho vay của toàn hệ thống đã lớn hơn 1,2 lần GDP.

Giải pháp phải đồng bộ

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng giải pháp quan trọng cho nền kinh tế đang ở giai đoạn rất khó khăn như hiện nay là phải tìm đầu ra cho DN. Sức tiêu thụ giảm, đi tìm nguyên nhân và xác định được nếu do cầu có khả năng thanh toán bị hạn chế thì phải kích cầu.
Tuy nhiên, không thể tái áp dụng gói kích cầu lớn và toàn diện như đã từng áp dụng năm 2009 vì nguồn lực hạn chế, bối cảnh kinh tế đã khác. Nếu do nguyên nhân giá cao thì phải tìm cách kéo giá xuống cho phù hợp với cầu có khả năng thanh toán. Muốn kéo giá xuống, phải chấp nhận thiểu phát trong một thời gian nhất định.

“Kéo giá xuống không phải bằng cách hô hào DNNN tiết giảm 5%-10% chi phí mà phải có các biện pháp vĩ mô, miễn giảm thuế gián thu, chấp nhận ngân sách giảm thu. Từ sự giảm thu này, ngân sách phải giảm chi và đó là câu chuyện cơ cấu lại đầu tư công mà chúng ta đã đề cập nhưng chưa làm mạnh mẽ” - ông Ánh bình luận.

Ông Ánh cũng lưu ý cần có tính đồng bộ trong các giải pháp. Hiện nay, NH vừa giảm được vài phần trăm lãi suất, miễn giảm thuế thu nhập DN chưa có tác động đáng kể thì giá xăng dầu đã liên tiếp tăng 2 lần trong vòng hơn một tháng và “đẻ” thêm vài loại phí giao thông mới. Hầu như các loại phí đó đều đánh vào giá thành sản phẩm. Như vậy, các giải pháp này triệt tiêu lẫn nhau và hệ quả là DN không giảm được chi phí, vì thế không có điều kiện giảm giá thành để tiêu thụ hàng tồn kho.

Ngân hàng - doanh nghiệp cần “gặp” nhau

Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, cần hỗ trợ DN bằng cách tạo điều kiện cho NH và DN “gặp” nhau bằng lãi suất giảm và khoanh nợ, bảo lãnh tín dụng để đưa tiền từ NH vào sản xuất. Chỉ khi DN và NH “gặp” được nhau mới có hy vọng lấy lại đà tăng trưởng.

Đồng thời, phải tiếp tục giảm thuế thu nhập DN, thuế GTGT để DN có điều kiện giảm chi phí. Mở van tín dụng cho tiêu dùng và xúc tiến thị trường cho hàng Việt Nam ngay khi một số thị trường quốc tế đang có dấu hiệu hồi phục.

Theo NLĐ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.