CafeLand – Giám đốc công ty bất động sản nhà đất Đồng Nai vừa bị khởi tố bắt tạm giam về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đây là một trong rất nhiều vụ liên tiếp có liên quan đến lãnh đạo công ty nhà đất bị cơ quan điều tra khởi tố, bắt giam trong thời gian gần đây.

Công an dẫn giải ông Đỗ Sơn Tùng, giám đốc Công ty bất động sản nhà đất Đồng Nai.

Ngày 27/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Đỗ Sơn Tùng (37 tuổi, quê tỉnh Hà Nam) là Giám đốc Công ty bất động sản nhà đất Đồng Nai (có trụ sở tại KP.4, phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa).

Theo phản ánh của nhiều người dân, họ đã đặt tiền để mua đất nền trong các dự án của công ty ông Tùng đã rao bán tại huyện Trảng Bom nhưng không nhận được đất và giấy tờ chủ quyền như đã cam kết. Ông Tùng đã chiếm đoạt của nhiều người lên đến hàng chục tỉ đồng.

Năm 2020 có thể được xem là năm “đại hạn” của hàng loạt lãnh đạo các công ty đất nền có cách làm ăn bất chính, lừa đảo chiếm đoạt khách hàng. Chỉ trong thời gian ngắn, liên tiếp các sếp của công ty bất động sản tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai hay Long An lần lượt bị khởi tố, bắt giam vì cùng chung một hành vi “vẽ” dự án trên giấy rồi rao bán nhằm lừa đảo chiếm đoạt hàng chục tỉ đồng của khách hàng.

Tại Đồng Nai, gần đây nhất Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh này cũng vừa ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Đình Chính, Giám đốc Công ty bất động sản Rồng Đất (có trụ sở tại xã Bình Minh, huyện Trảng Bom) để điều tra về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Theo cơ quan điều tra, ông Chính với danh nghĩa là giám đốc Công ty Rồng Đất đã quảng bá rầm rộ và rao bán cho nhiều khách hàng nền đất tại dự án khu dân cư tại phường Tam Phước, TP. Biên Hòa.

Tuy nhiên, sau khi nhận đặt cọc hàng chục tỉ đồng của khách, ông Chính đã không thể bàn giao nền đất cho người mua. Sau đó, khách hàng phát hiện dự án mà công ty này rao bán không có trên thực tế.

Nhận thấy dấu hiệu dự án ảo, bị lừa đảo nên nhiều khách hàng sau đó đã gửi đơn tố giác đến cơ quan công an.

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM mới đây cũng vừa bắt giam bà Huỳnh Thị Hạnh Phúc, Tổng giám đốc Công ty cổ phần xây dựng địa ốc Thiên Ân Phát để điều tra về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo cơ quan điều tra, từ năm 2017 bà Hạnh Phúc đã đặc cọc mua 3 lô đất có diện tích hơn 7.000m2 tại phường Phú Hữu, quận 9, TP.HCM. Thời điểm này, cả ba lô đất này là đất nông nghiệp trồng cây lâu năm, chưa chuyển mục đích sử dụng đất, chưa thực hiện thủ tục xin lập dự án nhưng bà Phúc đã “hô biến” thành dự án có tên gọi khu dân cư Bưng Ông Thoàn 2 với quy mô 77 nền đất có diện tích từ 50 – 80m2.

Bà Phúc sau đó đã ký hợp đồng chuyển nhượng số nền đất trên cho 65 khách hàng và thu gần 78 tỉ đồng.

Dù đã ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ nền đất, nhưng đến tháng 6/2018 khi khu đất được chuyển đổi mục đích sử dụng đất thành đất ở hợp pháp bà Phúc lại tiếp tục chuyển nhượng khu đất để thu về 16 tỉ đồng. Người mua sau đó đã thế chấp khu đất để vay 110 tỉ đồng của ngân hàng.

Không dừng lại ở đó, năm 2019 bà Phúc tiếp tục bán khu đất trên cho một người khác với giá 160 tỉ, và đã nhận cọc 40 tỉ.

Trước bà Phúc, một nữ giám đốc bất động sản khác là bà Nguyễn Thị Diệu Thúy, Giám đốc Công ty Tiên Phong Land cũng bị cơ quan điều tra khởi tố, bắt tam giam về về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với hình thức tương tự.

Chỉ trong một thời gian ngắn hàng loạt sếp bất động sản phải xộ khám vì hành vi lừa đảo

Tại Bình Dương, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh cũng đã nhận được đơn tố cáo của nhiều khách hàng mua nền đất tại dự án khu dân cư An Điền 1 và An Điền 2 (thị xã Bến Cát) do công ty Cổ phần đầu tư và phát triển địa ốc SP Land làm chủ đầu tư.

Theo phản ánh của người mua, từ năm 2018 họ đã đặt cọc để mua các nền đất tại dự án An Điền 1, 2 và được SP Land cam kết sẽ bàn giao nền đất sau 9-12 tháng. Tuy nhiên, cam kết này đã không được thực hiện, khu đất của dự án hiện vẫn chỉ là bãi cỏ mọc um tùm.

Trong khi đó, theo Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, trước đây Công ty SP Land có xin chủ trương đầu tư dự án An Điền 1 và 2, nhưng cả hai dự án này chưa được cơ quan chức năng cấp phép, do đó chưa đủ điều kiện để bán.

Các chuyên gia bất động sản cho rằng, việc cơ quan chức năng mạnh tay xử lý những công ty bất động sản có hành vi lừa đảo khách hàng trong thời gian gần đây sẽ góp phần thanh lọc những doanh nghiệp yếu kém, tay không bắt giặc, những công ty môi giới làm ăn chụp giựt trên thị trường.

Tuy nhiên, để cho những doanh nghiệp kiểu này thật sự không còn “đất sống” đòi hỏi sự thay đổi nhiều hơn từ chính người dân. Nếu muốn đầu tư hoặc mua nhà đất thì người mua phải tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về pháp luật, tìm hiểu thông tin dự án, chủ đầu tư… đặc biệt, không nên đầu tư theo tâm lý đám đông, hoặc chỉ say sưa theo những hứa hẹn của môi giới về lợi nhuận khủng trong thời gian ngắn.

Trần Phong
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.