CafeLand – Cùng một công thức nhưng bằng nhiều hình thức biến tấu khác nhau nhiều công ty, cá nhân đã vẽ ra các dự án đất nền không có thật để lừa đảo khách hàng. Không chỉ những vụ nhỏ lẻ, bằng chiêu thức này nhóm lừa đảo đã xây dựng lên cả một "đế chế". Trong đó, có Địa ốc Alibaba của Nguyễn Thái Luyện.

"Siêu lừa" Nguyễn Thái Luyện

Chiêu thức của Luyện xây dựng "đế chế"Alibaba

Trong kết luận mới nhất của Công an TP.HCM về vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản đối với Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT Công ty Địa ốc Alibaba đã hé lộ chiêu bài mà “trùm lừa” này đã giăng ra để thu về khoản tiền hơn 2.500 tỉ đồng từ 4.130 khách hàng sập bẫy.

Cụ thể, quá trình lừa đảo của Luyện được thực hiện qua 5 bước như sau:

Bước 1, Luyện dùng một phần tiền cá nhân và phần lớn tiền chiếm đoạt được từ khách hàng, chỉ đạo người thân, nhân viên thân tín thuộc Công ty Alibaba đứng tên nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp với số lượng lớn, tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận.

Bước 2, Luyện cho người thân, nhân viên Công ty Alibaba đã đứng tên nhận chuyển nhượng đất như trên, lập hợp đồng ủy quyền cho các pháp nhân do Luyện tổ chức thành lập, để các công ty này vẽ dự án phân lô, tách thửa trái quy định.

Bước 3, sau khi nhận được ủy quyền từ các cá nhân, các pháp nhân nêu trên với tư cách là chủ đầu tư đã tự vẽ dự án không có thật trên nền đất nông nghiệp, phân lô (tách thửa chỉ từ 100m² đến dưới 400m² trái quy định, có ghi rõ đất thổ cư, thời hạn sử dụng lâu dài...) dùng truyền thông để quảng cáo bán sản phẩm, không thực hiện các thủ tục theo quy định pháp luật về việc lập dự án, đăng ký với cơ quan quản lý đất đai để chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc tách thửa đất.

Bước 4, Luyện tiếp tục chỉ đạo các chủ đầu tư ký hợp đồng hợp tác kinh doanh phân phối bán đất nền trong dự án (tự vẽ) với Công ty Alibaba để Công ty Alibaba trở thành đại lý phân phối đất nền cho các khách hàng, nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của các dự án nêu trên, đồng thời tạo ra giao dịch ảo để khách hàng tin tưởng là các dự án có đủ tính pháp lý, đủ điều kiện chuyển nhượng theo Luật kinh doanh bất động sản mà đồng ý mua.

Bước 5, sau khi khách hàng đồng ý mua, theo sự quảng cáo của Công ty Alibaba thì Luyện chỉ đạo các pháp nhân đứng tên nêu trên ký hợp đồng thỏa thuận, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho khách hàng, nhưng tiền được nộp về Công ty Alibaba để Luyện quản lý, sử dụng.

Với 5 bước đi trên cùng những cam kết lợi nhuận khủng khi mua đất nền, Nguyễn Thái Luyện đã xây dựng nên đế chế địa ốc Alibaba từng “làm mưa, làm gió” khắp thị trường đất nền các tỉnh từ Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận.

Doanh nghiệp được thành lập năm 2016 với nhân sự chỉ 4 người chỉ sau vài năm đã sở hữu số vốn điều lệ điều lệ 5.600 tỉ, số lượng nhân sự cũng đạt con số 2.506 người. Số sản phẩm đất nền được công ty này triển khai cũng ghi nhận 28.868 sản phẩm.

Phải đến tháng 9/2019, đế chế lừa đảo Alibaba mới chính thức sụp đổ ngay sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM ra Quyết định khởi tố bị can và Lệnh tạm giam đối với Nguyễn Thái Luyện - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm CEO Công ty cổ phần địa ốc Alibaba về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Lập cả phòng công chứng giả để lừa

Không quá đình đám như Alibaba của Nguyễn Thái Luyện, nhưng hàng loạt vụ lừa đảo nhà đất với chiêu thức tương tự vẫn đang diễn ra khắp nơi khiến hàng nghìn người rơi vào cảnh trắng tay. Thời gian qua ở TP.HCM và các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu…những vụ lừa đảo mua bán đất nền liên tục được phanh phui.

Đặc điểm chung của những đối tượng này là đều thâu gom đất nông nghiệp quy mô lớn. Sau đó, dù chưa xin phép lập dự án, chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt đã tự ý vẽ dự án rồi cho quảng cáo rầm rộ trên truyền thông. Để tạo niềm tin cho người mua, họ tự ý san lấp xây dựng một số hạ tầng cơ bản như đường nội khu, điện nước. Trong các đợt mở bán liên tục tung ra các chương trình khuyến mãi hấp dẫn, bốc thăm trúng thưởng, cam kết lợi nhuận cao…để đánh vào tâm lý ham rẻ của khách hàng.

Một giám đốc công ty bất động sản bị bắt vì vẽ dự án ma lừa đảo khách hàng

Trong năm 2020, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã bắt giam Nguyễn Thị Diệu Thúy (36 tuổi, ngụ quận 8, TP.HCM), Giám đốc Công ty Tiên Phong Land, về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Được biết, từ năm 2018, bà Thúy đã nhận chuyển nhượng một lô đất có diện tích 2.462m2 tại quận 9 (nay là thành phố Thủ Đức). Phần lớn diện tích lô đất là đất nông nghiệp, chưa đủ điều kiện chuyển nhượng, chưa lập thủ tục xin thành lập dự án. Tuy nhiên, thông qua một công ty liên kết bà Thuý đã phân lô khu đất và bán cho 22 khách hàng chiếm đoạt hơn 40 tỉ đồng.

Gần đây nhất, một vụ lừa đảo nhà đất do Hoàng Thị Kiều Trang (31 tuổi) cầm đầu ở Đồng Nai khiến dư luận sững sờ bởi mức độ tinh vi của nhóm lừa đảo. Cụ thể, biết bà N ở TP.HCM đang có nhu cầu tìm mua một thửa đất ở phường Thống Nhất, thành phố Biên Hoà nhóm của Trang ngay lập tức tiếp cận. Ngay sau khi tìm hiểu thông tin về thửa đất Trang liền thuê người làm giả Giấy chứng nhận cho thửa đất trên, làm giả CMND, sổ hộ khẩu mang tên chủ đất (do Trang đóng giả).

Tiếp đến đối tượng này mở tài khoản ngân hàng mới. Thậm chí thuê cả một căn nhà để làm văn phòng công chứng, làm con dấu giả rồi sắp xếp người trong nhóm đóng giả công chứng viên. Sau đó, Trang dẫn bà N đến văn phòng công chứng này để thực hiện giao dịch với các bản hợp đồng được làm giả tỉ mỉ. Sau khi công chứng, tin tưởng đã mua được đất bà N liền chuyển khoản tiền 4 tỉ đồng cho Trang.

Nhóm Trang sau khi chiếm được tiền đã tiêu huỷ giấy tờ và bỏ trốn. Tuy nhiên, những đối tượng này sau đó đã bị Công an Đồng Nai bắt giữ điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Anh Phước, một nhà đầu tư bất động sản kinh nghiệm chia sẻ, những chiêu lừa đảo như của Alibaba hay nhiều vụ khác đều không mới vì đã diễn ra rất nhiều trên thị trường. Những công ty này tận dụng sự thiếu thông tin và lòng tham của người mua để tung ra các hình thức cam kết hấp dẫn. Kinh nghiệm đi mua đất dạng này là luôn cẩn trọng với những lời hứa chắc như đinh đóng cột rằng 3 - 6 tháng nữa sẽ có sổ. Cách tốt nhất là người mua tự tìm hiểu thông tin, kiểm tra quy hoạch của địa phương và hướng dẫn của người có kinh nghiệm không nên đầu tư theo kiểu đám đông.

  • Bí mật nghệ thuật “gài bẫy” của Chủ tịch Alibaba Nguyễn Thái Luyện

    Bí mật nghệ thuật “gài bẫy” của Chủ tịch Alibaba Nguyễn Thái Luyện

    CafeLand - Chỉ trong 3 năm ngắn ngủi Alibaba đã lừa được 6.700 khách hàng, thu về khoản tiền 2.500 tỷ đồng. Vị Chủ tịch Nguyễn Thái Luyện cũng đã tuyển dụng được hơn 2.600 nhân viên và lập hơn 20 công ty “con”, chi nhánh khắp nơi. Đặc biệt, ngay cả khi Chủ tịch của họ bị bắt nhiều nhân viên Alibaba vẫn lên Facebook bày tỏ lòng tin tưởng vào vị Chủ tịch và công ty của họ. Vậy, nghệ thuật nào khiến Nguyễn Thái Luyện có thể làm được những chuyện phi thường như vậy?

Nguyễn Văn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.