"An cư lạc nghiệp" là quan điểm của ông bà ta từ xa xưa nhưng đến thời hiện đại vẫn luôn là một áp lực lớn, thậm chí có thể được xem là thước đo cho sự thành công của mỗi người, đặc biệt là những người trẻ.

Thắt chặt chi tiêu để đạt được ước mơ

Vay nợ ngân đến 80% để mua nhà, cô bạn Trương Hoài Thu (SN 1992) phải sống tằng tiện suốt hai năm nay.

Ra trường đi làm được 5 năm, Hoài Thu dốc hết số tiền tiết kiệm mua một căn hộ rộng hơn 63m2 tại quận Hà Đông, Hà Nội. Căn hộ có giá gần 1,9 tỉ đồng, trong khi Thu chỉ có gần 400 triệu đồng, nhưng cô nàng 9X vẫn quyết tâm mua để hoàn thành ước mơ có nhà trước tuổi 30.

Cô cho rằng bạn bè hay người thân sẽ chẳng biết mình nợ bao nhiêu, nhưng khi có nhà riêng họ sẽ nhìn cô bằng con mắt khác. Đương nhiên, lựa chọn nào cũng cần phải đánh đổi và Thu đánh đổi căn nhà bằng việc “sống khổ”.

Vay ngân hàng 900 triệu đồng với lãi suất 11% trong thời gian 10 năm, mỗi tháng Thu phải trả nợ ngân hàng hơn 15,7 triệu đồng. Số tiền này chiếm đến 60% thu nhập. Như vậy, mỗi tháng cô chỉ còn hơn 9 triệu đồng để chi tiêu.

Với một người sống đơn giản, ít mua sắm thì 9 triệu đồng có thể chi tiêu thoải mái, nhưng với Thu một người khá cầu kỳ trong việc ăn mặc và cả trong ăn uống thì việc này khá khó khăn.

Thay vì mỗi tháng chi 1 đến 2 triệu mua sắm quần áo, mỹ phẩm, Thu đã cắt hết khoản này. Hạn chế gặp gỡ, đi du lịch cùng bạn bè như trước đây. Thu thừa nhận đây là việc khó nhất đối với một người “ham chơi” như cô.

Việc ăn uống cũng khắt khe hơn như bỏ trà sữa, cà phê vào mỗi buổi sáng và thay vào đó là mua hoa quả tự ép. Trước khi mua nhà, vào cuối tuần Thu đều tụ tập bạn bè để nấu nướng hoặc đi ăn bên ngoài, nhưng cô đã chuyển lịch trình này vào cuối tháng hoặc có thể lâu hơn để tiết kiệm nhất có thể.

Sở hữu căn hộ riêng được xem là thước đo thành công của những người trẻ - Ảnh minh họa.

Tương tự Hoài Thu, chàng trai gen Z Hữu Long (SN 1998) cũng đang chắt bóp từng đồng mỗi ngày để đủ chi phí trả nợ cho ngân hàng, dù anh đang có công việc lương cao và nguồn thu nhập riêng từ kinh doanh.

Dựa trên tình hình tài chính, đầu năm 2022 Long chốt mua một căn hộ trung cấp tại TP.HCM với giá khoảng 2,5 tỉ đồng cho căn 2 phòng ngủ. Số tiền này có chút quá sức so với khả năng tài chính của chàng trai trẻ. Nhưng với suy nghĩ, mua căn hộ khi thị trường đang lên sẽ không sợ lỗ, nên sau khi bàn bạc cùng bố mẹ, Long đã xuống tiền mua.

Ngoài khoản tiền được bố mẹ hỗ trợ và tài khoản tiết kiệm, Long vay ngân hàng thêm 70%. Lên kế hoạch trả nợ trong 5 năm, Long đặt mục tiêu trả nợ càng sớm càng tốt, tránh để tiền lãi tăng nhanh. Như vậy tính trung bình mỗi tháng anh phải trả nợ ngân hàng khoảng 23 triệu đồng.

Ba năm trả nợ là khoảng thời gian Long cảm thấy rất áp lực và kiệt sức, bởi gần như số tiền làm được chỉ đủ để trả nợ. Thậm chí, có tháng dù thắt chặt chi tiêu đến cỡ nào vẫn không dư thêm.

Nhìn lại thực tế…

Chiếm phần trăm lớn trong tỷ lệ dân số và lực lượng lao động nhưng những người trẻ tuổi lại khó thực hiện mục tiêu mua nhà để an cư lập nghiệp. Riêng về giá cả, hiện nay, giá bất động sản Việt Nam đang ở mức tương đối cao so với thu nhập của đa số người dân.

Theo một nghiên cứu gần nhất, người Việt Nam trung bình cần ít nhất hơn 23 năm có thu nhập để mua được nhà ở, đứng thứ 14/107 quốc gia trên thế giới, tương đương Thái Lan, Hàn Quốc trong khi thu nhập của chúng ta thấp hơn họ và thậm chí cao hơn nhiều so với các nước khác tại châu Á. Tình trạng thiếu nguồn cung về nhà ở giá rẻ khiến nhiều người trẻ có thu nhập ở mức trung bình khó có thể sở hữu một ngôi nhà tại thành phố lớn để an cư.

Vậy người trẻ có nên cố mua nhà dù phải mang áp lực nợ nần trong nhiều năm hay không?

Bảo Minh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.