Trong báo cáo mới đây của Chứng khoán BIDV (BSC), đơn vị này cho rằng dự án Khu liên hợp gang thép Dung Quất 2 sẽ tiêu thụ tốt, kỳ vọng lấp đầy 90% công suất trong năm 2026 nhờ lợi thế về chi phí sản xuất cạnh tranh, hệ thống phân phối lớn và áp thuế chống bán phá giá thép.
Đóng cửa phiên giao dịch 8/11, cổ phiếu HPG đang dừng ở mức 27.000 đồng/cp. Theo BSC, định giá P/B, P/E của HPG đang ở mức thấp so với chu kỳ ngành, trong khi Hòa Phát được dự báo sắp bước vào giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ.
Đơn vị này nhấn mạnh, đây là thời điểm thích hợp để mua cổ phiếu HPG với giá trị hợp lý năm 2025 là 37.500 đồng/cp, cao hơn tới 42% so với thời điểm hiện tại. Giá mục tiêu này đã phản ánh triển vọng từ nhà máy Dung Quất 2.
Về kế hoạch kinh doanh, 9 tháng năm 2024, Hòa Phát ghi nhận doanh thu đạt 105.000 tỉ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế hơn 9.200 tỉ đồng, tăng 140%. Đóng góp chính vào kết quả này là thép và các sản phẩm liên quan với tỉ trọng 85%, còn lại là các mảng khác như nông nghiệp, điện lạnh, bất động sản khu công nghiệp.
Ba lợi thế của dự án Dung Quất 2
Triển vọng kinh doanh của Hòa Phát trong thời gian tới tiếp tục được đánh giá ở mức tích cực.
Thứ nhất, chi phí sản xuất của Hòa Phát đã cạnh tranh được với Trung Quốc. BSC dẫn thông tin chi phí vận chuyển quặng sắt từ Australia, Brazil cũng như than cốc từ Indonesia về Việt Nam và về Trung Quốc là gần như tương đương. Quặng sắt và than cốc chiếm lần lượt 27% và 37% chi phí sản xuất của lò cao.
Việt Nam có lợi thế lớn đến từ giá cho thuê khu công nghiệp, chi phí nhân công rẻ và đặc biệt chưa áp dụng các chính sách về môi trường như Trung Quốc (chênh lệch 30 USD/tấn, tương đương 6-8% giá thép hiện tại).
Do đó, xét về chi phí sản xuất, đơn vị phân tích tin rằng thép Hòa Phát sau dự án Dung Quất 1 đã cạnh tranh tương đối so với thép Trung Quốc.
Chi phí sản xuất của Trung Quốc và Việt Nam. Nguồn: BSC
Giai đoạn 2023-9T/2024, Hòa Phát làm tốt trong việc duy trì sản lượng thép thanh hơn 350.000 tấn/tháng, và thép HRC 230.000 tấn/tháng đối với các nhà máy hiện hữu Dung Quất 1, Hải Dương, Hưng Yên.
Lợi thế về chi phí sản xuất cạnh tranh cho phép công ty này linh hoạt cân đối giữa thị trường nội địa và xuất khẩu, đẩy được sản lượng đến các thị trường khác như ASEAN, EU...
Thậm chí với dự án Dung Quất 2, chi phí sản xuất của Hòa Phát còn tiếp tục được tiết giảm nhờ quy mô tăng thêm 60%. Việc chi phí sản xuất đã cạnh tranh được với hàng Trung Quốc là yếu tố then chốt để Dung Quất 2 tiêu thụ tốt.
Thứ hai, nhà sản xuất thép Hòa Phát sở hữu hệ thống phân phối lớn trên thị trường nội địa. Tập đoàn này đang chiếm khoảng 35-40% thị phần thép xây dựng, khoảng 50% đối với thép cán nóng HRC.
BSC cho rằng lợi thế về hệ thống đại lý dày đặc sẽ giúp doanh nghiệp này dễ dàng đẩy sản lượng hơn so với các đối thủ trong nước.
Thứ ba là áp thuế chống bán phá giá đối với thép HRC từ Trung Quốc.
Đơn vị này kỳ vọng Bộ Công thương sẽ thông qua áp thuế từ giữa năm 2025 khi cơ quan này đã ban hành quyết định điều tra áp dụng biện chống bán phá giá đối với thép cán nóng có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc.
Thời kỳ điều tra từ 1/7/2023 đến 30/6/2024. Biên độ chống bán phá giá đề nghị với Ấn Độ ở mức 22,27% và Trung Quốc ở mức 27,83%.
Dự án Dung Quất 2 có thể giúp Hòa Phát tăng quy mô lợi nhuận năm 2026 lên gấp 1,2-2,4 lần so với năm 2024
Về tính khả thi, BSC cho rằng có cơ sở để Bộ Công thương đưa ra áp thuế chống bán phá giá đối với thép cán nóng từ Trung Quốc. Sản lượng thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc ước tính 8-9 triệu tấn trong thời gian bị điều tra, gấp lần lượt 3,4 lần và 2,6 lần của năm 2021 và 2022.
Về tiến độ, các bên liên quan sẽ gửi lại trả lời câu hỏi cho Bộ Công thương trong tháng 10 (gia hạn 1 tháng so với kế hoạch trước đó). BSC kỳ vọng thời gian sớm nhất để có kết luận sơ bộ và áp thuế chống bán phá giá tạm thời là quý 2/2025.
Bản chất mảng HRC của Việt Nam vẫn đang thiếu cung, do vậy, việc thông qua áp thuế chống bán phá giá thép HRC sẽ tạo điều kiện cho việc Hòa Phát lấy thêm được thị phần.
Nhu cầu tiêu thụ HRC của Việt Nam vào khoảng 12-13 triệu tấn/năm, cao hơn 33% so với tổng công suất hiện tại của Hòa Phát và Formosa (9 triệu tấn/năm).
Thị trường Việt Nam đang thiếu 3-4 triệu tấn/năm. Do đó, trong trường hợp áp thuế chống bán phá giá thép HRC từ Trung Quốc và Ấn Độ thông qua, BSC tin rằng Hòa Phát sẽ chiếm được thị phần từ HRC nhập khẩu của Trung Quốc.
Với các yếu tố trên, sản lượng của dự án Dung Quất 2 có thể đảm bảo trong năm 2025.
Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận của nhà máy sẽ phụ thuộc vào diễn biến giá thép và giá nguyên vật liệu đầu vào. Hiện tỷ lệ chi phí biến đổi/doanh thu của các nhà máy Hòa Phát dao động ở mức 81,5%.
BSC ước tính dự án Dung Quất 2 có thể giúp tập đoàn tăng quy mô lợi nhuận năm 2026 lên gấp 1,2-2,4 lần so với năm 2024. Trong trường hợp nhà máy Dung Quất 2 hoạt động ổn định công suất 90%, lợi nhuận Hòa Phát đạt 15.000-30.000 tỷ đồng vào năm 2026.
-
Hãng thép 50 năm tuổi tại miền Nam sắp được rót thêm vốn để xây nhà máy tại Đồng Nai, quy mô dự án gấp 2,6 lần vốn chủ
Dự án nhà máy sản xuất thép cán xây dựng, bổ sung công đoạn luyện phôi thép với công suất 150.000 tấn/năm của Thép Nhà Bè được xây dựng tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 - Nhơn Phú, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai....
-
Những chiếc vỏ container “made in Vietnam” tiêu tốn tới 2.200 tỷ đồng của ông chủ Hòa Phát
Tại thời điểm cuối quý 3/2024, tổng vốn đầu tư tại dự án nhà máy sản xuất container Hòa Phát xấp xỉ 2.200 tỷ đồng, sau khi doanh nghiệp này rót thêm khoảng 300 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm nay....
-
SSI khuyến nghị mua ngay một cổ phiếu “ông lớn” ngành thép với tiềm năng sinh lời gấp 4 lần lãi suất gửi tiết kiệm
Trong ngắn hạn, sự phục hồi của giá thép gần đây, sản lượng tiêu thụ tăng và triển vọng đóng góp từ nhà máy mới sẽ là những yếu tố hỗ trợ giá cổ phiếu của nhà sản xuất thép này.