“Bây giờ còn có cả trò bày sổ đỏ ra đường bán như bán rau nữa. Đúng là mấy cái ông cò đất”. Câu nói đùa của hai vị khách ở quán cà phê thu hút sự chú ý của tôi và Nguyễn Văn Toàn - một môi giới bất động sản. Nghe vậy, Toàn có vẻ không vui, nhưng cũng quay sang nói với tôi: quen rồi, không sao đâu.

Toàn kể, quán cafe nơi chúng tôi đang ngồi là địa điểm quen thuộc của các môi giới hẹn gặp khách hàng. Lúc trước, quán khá ồn ào nên người dân trong khu vực không mấy hài lòng. Việc môi giới tập trung ở đây trở thành đề tài người dân bàn tán. Nay thị trường trầm lắng, không tìm được khách hàng nên môi giới không còn tụ tập nhiều ở quán này nữa. Đã có lúc đón được sóng thị trường, nhiều môi giới bất động sản mua nhà, sắm xe một cách khá dễ dàng. Nay thị trường giảm nhiệt, nhiều môi giới đang phải đối mặt với sóng dữ.

Nghề đón những con sóng

Toàn quê ở Bình Định, đang quản lý tại một cơ sở kinh doanh bất động sản ở TP.Thủ Đức. Theo nghề đã 4 năm, anh đã quen với những lời dèm pha của người xung quanh, cho rằng đây là những khó khăn mà ai cũng phải đương đầu. “Nghề đón sóng mà em. Đâu chỉ đón sóng thị trường mà không chấp nhận sóng gió trong nghề được”, Toàn đùa.

Khi được hỏi về “sóng gió trong nghề”, người đàn ông 35 tuổi này không trả lời ngay, ngồi nhìn người đối diện như thể đang sắp xếp lại những khó khăn đã gặp phải trong 4 năm qua, quãng thời gian nhờ làm việc chăm chỉ nên anh cũng tích lũy được kha khá.

“Kể ra cụ thể thì hơi khó, bởi mỗi giai đoạn sẽ có một cái khó khác nhau… Cái khó nhất của nhiều môi giới lúc này là mất định hướng, mất động lực để cố gắng. Những người ít quan hệ, ít kinh nghiệm sẽ cô độc, gặp sóng dữ không đủ sức đương đầu là bị quật ngã ngay”, anh Toàn nói.

Theo gợi ý của anh Toàn, tôi đi tìm những những người mới vào nghề để lắng nghe câu chuyện của họ, để biết cái khó khi vừa bước chân vào nghề đã phải đối mặt với cơn sóng dữ của toàn ngành. Hai trong số những câu chuyện khiến tôi cảm thấy hứng thú đến từ hai người cùng tên nhưng lại khác độ tuổi.

Nguyễn Minh Tuấn (26 tuổi, Hà Nội) đến với nghề môi giới bất động sản từ lời gợi ý của giảng viên đại học. Tuấn muốn thử sức với nghề kinh doanh để được rèn luyện kỹ năng mềm, từ giao tiếp đến ứng xử. Sau 3 tuần vừa học vừa làm, Tuấn đã có được giao dịch đầu tiên. Ngày cầm trong tay số tiền hoa hồng lớn, Tuấn vui lắm. Và khi niềm vui cũ chưa phai thì Tuấn lại chốt thành công thêm một giao dịch nữa. Cứ đều đặn mỗi tháng 2-3 giao dịch, Tuấn cảm thấy mình đã chọn đúng nghề, quyết tâm sẽ theo đuổi.

Nhưng Tuấn cũng biết cuộc sống không chỉ có màu hồng. Chàng trai trẻ với nhiều nhiệt huyết và hoài bão cũng hiểu mình sẽ đương đầu với thử thách, và có vẻ thử thách đến sớm hơn cậu mong đợi. Thị trường bắt đầu trầm lắng, các cuộc tư vấn khó thành công hơn. Tuấn tự nhắc bản thân phải cố gắng hơn nữa, đầu tư nhiều hơn cả về thời gian và công sức, sẵn sàng vứt bỏ những quy tắc cứng nhắc và học cách linh hoạt hơn để có thể bám nghề.

Tuấn được chỉ dạy các thủ thuật chốt giao dịch, trong đó có chiêu “cắt máu” với hy vọng sẽ “thao túng tâm lý” khách hàng. Nhưng điều Tuấn không ngờ là khách hàng cũng đã rất quen với phương thức này, họ thậm chí ngỏ ý được hỗ trợ trước khi Tuấn kịp mở lời.

“Mình có gặp một trường hợp khách hàng là 1 cặp vợ chồng trẻ mới cưới và đang tìm căn hộ chung cư để ra ở riêng. Quá trình tư vấn diễn ra không được suôn sẻ khi phía phụ huynh của cặp đôi bày tỏ mong muốn mình cắt toàn bộ số tiền hoa hồng “hỗ trợ” cho “vợ chồng son”. Khi nhận được câu trả lời không mong muốn thì hai bác gọi mình là kẻ ích kỷ”, Tuấn kể lại.

Những lời ấy cắm rễ sâu bên trong lòng tự tôn của Tuấn và ngày tháng dài thiếu vắng những giao dịch thành công làm tăng thêm những suy nghĩ tiêu cực. Trong khi công sức, thời gian để đầu tư quá nhiều mà kết quả lại chẳng được bao nhiêu. Sợ sẽ phí hoài thanh xuân, Tuấn quyết định tạm dừng công việc tư vấn bất động sản, theo đuổi những đam mê khác.

Giấc mơ làm giàu từ địa ốc đôi khi nằm ngoài tầm với (hình minh họa)

Trường hợp khác, anh Trương Sỹ Tuấn (35 tuổi, Hà Nội) đến với nghề nhưng không đặt quá nhiều kỳ vọng. Bắt đầu một công việc mới với mục đích chính là kiếm tiền để ổn định cuộc sống. Những chia sẻ của anh Sỹ Tuấn với nghề không chất chứa nhiều cảm xúc như Minh Tuấn mà gãy gọn, súc tích, đôi khi có phần lưng chừng. Sau một năm làm môi giới bất động sản, anh Sỹ Tuấn vẫn chưa có được kết quả như kỳ vọng đặt ra. Trong năm vừa qua, anh chỉ mới có 2 giao dịch. Hoa hồng thành công từ các thương vụ thành công cũng phải chia đều cho đội nhóm.

“Mỗi tháng công ty sẽ hỗ trợ khoảng 50% chi phí quảng cáo, hỗ trợ di chuyển đến các dự án. Còn lương cứng thì sẽ chi trả 2 tháng 1 lần mỗi khi chốt được giao dịch”, anh Sỹ Tuấn chia sẻ.

Trả lời thắc mắc của tôi về việc phân bổ chi phí cho sinh hoạt – công việc, anh Tuấn ngập ngừng, gượng cười: “Thì cố thôi. Có bao nhiêu thì tiêu bấy nhiêu”. Trong khi tôi rất muốn biết cách anh cân đối bài toán tài chính với khoản thu nhập eo hẹp như vậy thì anh Tuấn lại có ý lảng tránh. Không muốn ép anh, tôi chuyển chủ đề, hỏi anh vì sao thu nhập không như kỳ vọng nhưng vẫn lựa chọn tiếp tục gắn bó với nghề.

“Công ty tốt, đồng nghiệp tốt. Đồng nghiệp ai cũng như mình nên sẵn sàng giúp đỡ hết sức hết lòng, tháng khó họ hỗ trợ. Còn lãnh đạo thì không hứa hẹn cao xa, thông tin cung cấp trung thực, đầy đủ. Tôi nhảy hết việc này đến việc kia nên cần một công ty ổn định như vậy”, anh Tuấn chia sẻ.

Dù không chia sẻ cụ thể về việc đồng nghiệp và lãnh đạo đã giúp đỡ anh như thế nào trong giai đoạn khó khăn nhưng cách anh Tuấn trả lời toát lên một vẻ lạc quan, tin tưởng vào công ty mình đang làm việc. Minh chứng là đã 5 tháng trôi qua không có giao dịch nhưng anh Tuấn vẫn chưa có ý định thay đổi công việc mới hay tìm công ty mới.

Vượt sóng gió bám nghề

Làm việc với nhân viên nhân sự của một công ty bất động sản, tôi được biết năng lực lãnh đạo là yếu tố được nhân viên quan tâm khi lựa chọn gắn bó với công ty. Vì lý do này, tôi đã tìm đến một doanh nghiệp bất động sản để kiếm chứng, để tìm hiểu các lãnh đạo đã đưa ra phương án nào để gây dựng niềm tin với nhân viên khi hoạt động kinh doanh gặp phải sóng gió.

Trong thời điểm bận rộn nhất năm, tôi may mắn sắp xếp được một cuộc trò chuyện với anh Nguyễn Văn Hậu – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Asian Holding. Bước vào nghề từ vị trí nhân viên kinh doanh, anh Hậu hiểu được những khó khăn phải đương đầu khi chọn nghề môi giới. Những khó khăn, thử thách ấy anh vẫn ghi nhớ và giờ đứng trên vai trò là chủ một doanh nghiệp, anh dựa trên cơ sở đó để đưa ra các chính sách phù hợp với công ty nhưng vẫn đảm bảo lợi ích cho nhân viên.

Asian Holding quyết định theo tôn chỉ “Không bỏ ai lại sau lưng”

Doanh thu Asian Holding trong năm 2022 giảm 80-90% so với cùng kỳ năm trước, dòng tiền hoạt động âm. Doanh nghiệp buộc phải thắt chặt chi tiêu để duy trì khả năng vận hành. Tuy nhiên, anh Hậu tuyên bố sẽ không cắt giảm nhân sự hay cắt giảm lương của nhân viên. “Asian Holding quyết định theo tôn chỉ “Không bỏ ai lại sau lưng”, chúng tôi chấp nhận sát cánh cùng toàn thể nhân viên vượt qua các khó khăn trước mắt”, anh Hậu khẳng định.

Trong thời gian này, Asian Holding sẽ dành thời gian để xây dựng kiến thức chuyên môn, nâng cao tinh thần, thể chất toàn thể nhân viên, chuẩn bị cả tâm lý và sức lực để đương đầu với khó khăn. Lắng nghe anh Hậu chia sẻ về chiến lược vận hành doanh nghiệp cho năm 2023, tôi có niềm tin Asian Holding sẽ vượt qua giai đoạn thử thách này.

Không phải doanh nghiệp nào cũng đủ sức chống chọi với bão tố. Số liệu thống kê của UBND TP.HCM cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn thành phố có 142 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hoàn tất thủ tục giải thể.

Trong cơn “bão tố” đã có những doanh nghiệp chọn cách bỏ lại nhân viên để có thể đi tiếp. Anh D.Th (TP.HCM) chia sẻ câu chuyện “châu chấu đá xe” khi phải đấu tranh đòi quyền lợi sau khi bị công ty cũ sa thải. Theo đó, quá trình làm việc cho một sàn bất động sản tại TP.HCM, anh đã chốt thành công 2 giao dịch là 2 căn nhà phố trị giá 6,5 tỉ đồng thuộc một dự án ở Khánh Hòa.

“Khoản hoa hồng 150 triệu đồng được công ty cam kết sẽ chi trả theo tiến độ thanh toán của khách hàng. Nhưng công ty chỉ thanh toán 2 đợt, từ chối thanh toán lần cuối cho tôi vì lí do tôi đã bị cho thôi việc”, anh M. chia sẻ.

Anh Th. uất ức đăng đàn “cầu cứu” cộng đồng mạng xã hội và rồi nhận ra không chỉ riêng mình mà rất nhiều môi giới khác cũng đang trong hoàn cảnh tương tự. Thời điểm thị trường khó khăn, không ít sàn mất khả năng chi trả thu nhập cho nhân viên. Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, cũng có nhiều người khuyên anh có phương án đấu tranh thận trọng hơn vì việc đăng tải các thông tin tiêu cực về công ty cũ có thể gây khó khăn cho quá trình đòi quyền lợi. Anh Th. quyết định xóa bài đăng, tiếp tục đấu tranh nhưng theo hướng thầm lặng.

Chờ ngày nắng lên

Quá trình đấu tranh chưa mang lại kết quả nhưng vì miếng cơm manh áo nên anh Th. vẫn phải đi tìm kế mưu sinh. Dù đã nếm “trái đắng” của nghề, biết được sự chông chênh trong giai đoạn tới, anh Th. vẫn lựa chọn tiếp tục sự nghiệp tư vấn bất động sản.

“Nghề chọn người mà, mình làm quen rồi thì mình cứ làm tiếp thôi. Giờ khó bán được ít, bao giờ hết khó thì lại có thu nhập”, anh Th. chia sẻ.

Anh Trương Sỹ Tuấn cảm thấy bản thân phù hợp với những áp lực và cả động lực của nghề môi giới bất động sản

Với anh Sỹ Tuấn, nghề tư vấn bất động sản “vui” hơn các công việc trước đây vì anh cảm thấy chủ động hơn trong quá trình làm việc cũng như thu nhập.

“Trước đây tôi cứ làm công ăn lương, ngày 8 tiếng làm đi làm lại những công việc y hệt nhau, cuối tháng cũng nhận chừng đấy tiền. Ổn định nhưng cảm giác không bứt phá được. Giờ làm bất động sản cảm giác như mình làm chủ, làm tốt sáng tạo chăm chỉ thì thu nhập cao, còn làm hời hợt cho có thì xác định không có thu nhập. Vừa có động lực vừa có áp lực nên mình cũng cố gắng hơn”, anh Sỹ Tuấn cho hay.

Đa phần các cuộc trò chuyện của tôi với các môi giới bất động sản trong giai đoạn khó khăn này nhưng vẫn kết thúc bằng nụ cười. Cười vì lạc quan. Lạc quan vào một tương lai tươi sáng hơn cho thị trường bất động sản, cho nghề môi giới. Tôi nhìn thấy trong người họ một ý chí, một nghị lực và niềm tin để vượt khó trong giai đoạn sắp tới. Họ là những người từng đón sóng thị trường bất động sản, giờ đây họ phải vượt qua các các cơn sóng gió trong nghề, sóng gió thị trường để đón các cơn sóng mới.

Bá Di
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.