28/06/2023 7:31 AM
Thị trường bất động sản đến nay vẫn trầm lắng, nhiều môi giới không trụ vững đã bỏ phố về quê hoặc chuyển sang công việc khác. Nhưng một số ít vẫn đang tìm mọi cách bám trụ với nghề, thậm chí có người “hi sinh” cả trăm triệu đồng chỉ với suy nghĩ “méo mó có hơn không”.

Theo báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), số lượng môi giới bất động sản hiện nay hoạt động trên thị trường chỉ còn khoảng 30%-40% so với thời điểm cuối năm 2022.

Lượng môi giới bất động sản bỏ nghề phần lớn là các nhân viên mới làm hoặc những người tay ngang, chưa được đào tạo bài bản về nghề cũng như khả năng ứng biến trước các tình huống khó khăn của thị trường. Còn những môi giới lâu năm trong nghề và có tích lũy tài chính thì vẫn có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này, chờ thị trường phục hồi để quay trở lại.

Điển hình như anh Hoài Nam (29 tuổi, một nhân viên môi giới lâu năm tại thị trường TP.HCM), đang phải dồn ba bữa ăn làm một để tiết kiệm chi phí hết mức có thể. Anh Nam cho biết, anh đã hoạt động trong nghề được gần chục năm, thăng hoa có, “thăng trầm” cũng không ít.

“Tốt nghiệp đại học năm 2015, tôi xin việc cả tháng trời vẫn không tìm được công việc phù hợp. Sau đó, trong một lần nói chuyện, một người bạn học cấp 3 đã rủ tôi đi làm môi giới bất động sản. Thời điểm đó, người ta vẫn hay gọi cái nghề này bằng cái tên “cò đất”. Ban đầu tôi chỉ đi theo cậu bạn để được hướng dẫn cách tư vấn, tìm kiếm khách hàng và khoảng một tháng sau tôi đã có giao dịch đầu tiên. Rồi dần dần lên hai ba, thậm chí có thời điểm tôi chốt thành công cả chục giao dịch trong một tháng” – anh Nam kể lại.

Được biết, giai đoạn 2015-2019, nhiều “ông lớn” tăng đà triển khai nhiều dự án như Vingroup, Sungroup, Novaland, FLC… Bên cạnh đó, nhiều tập đoàn ngoại xây nhà máy tại Việt Nam, kèm theo đó là các trục cao tốc ở Bắc lẫn Nam đều được xây mới như Hà Nội-Hải Phòng, Hà Nội-Lào Cai (phía Bắc) hay Long Thành-Dầu Giây, nối liền trục Mai Chí Thọ (phía Nam)… đã đặt tiền đề cho sốt đất tại quận 2, quận 9, nay là TP.Thủ Đức.

Giao dịch thành công đa phần đến từ các bất động sản ngộp hoặc cắt lỗ sâu - Ảnh minh họa.

Nắm bắt thời cơ, anh Nam cùng người bạn của mình đi khắp nơi “săn” đất.

“Giai đoạn đó tôi kiếm được bộn tiền, cứ mua lô đất nào là sốt lô đất đó. Có tiền tôi mua xe, mua nhà trả góp” – anh Nam cho hay.

Nhưng đó chỉ là phần nổi trong “tảng băng chìm”, đến năm 2020 thị trường bắt đầu chững lại và đóng băng do ảnh hưởng của dịch covid-19, sau đó là loạt tin xấu khiến thị trường mất dần thanh khoản, kéo dài cho đến hiện tại.

“Suốt nửa năm không có giao dịch nào, trong khi tôi phải thanh toán tiền gốc và lãi cho căn nhà trả góp, nên buộc phải bán xe đi để xoay sở. Không ít lần tôi muốn bỏ cuộc, tìm một công việc khác, nhưng lại thôi. Một phần vì tôi không biết phải làm công việc gì, một phần tôi cũng rất yêu nghề. Rồi mọi cố gắng cũng được đền đáp. Đầu tháng 6 vừa qua, tôi đã chốt thành công 2 giao dịch. Dù không được kiếm được bao nhiêu, nhưng cũng là một tín hiệu đáng mừng” – anh Nam bộc bạch.

Theo anh Nam, để có được hai giao dịch này, anh phải chấp nhận cắt gần như toàn bộ tiền hoa hồng.

“Giao dịch đầu tiên là một lô đất 100m2 tại phường Tăng Nhơn Phú A có giá 5,8 tỉ đồng. Chủ nhà nói cần bán gấp, sẽ trả phí hoa hồng 110 triệu đồng. Trước đó chủ nhà đã rao bán cả tháng trời, tôi cũng mất hơn một tuần mới tìm người mua. Tuy nhiên, họ chỉ đồng ý mua với giá 5,6 tỉ đồng. Tôi bàn với chủ đất, họ nói giá 5,8 tỉ là đã cắt lỗ 20%, chỉ bớt thêm được 100 triệu. Cuối cùng để chủ nhà bán được đất tôi quyết định cắt 100 triệu đồng tiền hoa hồng, còn lại 10 triệu đồng. Đối với tôi đó cùng là số tiền lớn rồi” – anh Nam chia sẻ.

“Một giao dịch khác là một lô đất hơn 700m2 tại huyện Củ Chi, TP.HCM. Chủ nhà rao bán 2,5 tỉ đồng và phí hoa hồng 25 triệu. Vì đất nằm ở mặt tiền lại được quy hoạch thành khu dân cư và đã có 200m2 thổ cư nên người mua cũng nhanh chóng chốt sau khi thương lượng giảm 20 triệu đồng. Trong đó, tôi cũng cắt bớt 10 triệu đồng tiền hoa hồng” – anh Nam cho biết thêm.

Anh Nam là một trong những trường hợp môi giới cố bám trụ lại với nghề, song cũng phải vận dụng linh hoạt các hình thức để tồn tại. Thực tế, thời gian gần đây thanh khoản bất động sản có dấu hiệu tăng trở lại, song vẫn ở mức thấp. Hơn nữa, giao dịch thành công đa phần đến từ các bất động sản ngộp hoặc cắt lỗ sâu.

Bảo Minh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.