CafeLand - Theo nhóm nghiên cứu Diễn đàn M&A Việt Nam (MAF), giai đoạn 2018 - 2019, ngành bất động sản, xây dựng chứng kiến năm thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) đáng chú ý.

Tham gia nổi bật trong các thương vụ M&A lớn trên thị trường trong thời gian qua là bóng dáng của các nhà đầu tư Hàn Quốc như SK Group hay Hanwha

Với các thương hiệu đầu tư phát hành riêng lẻ, đầu tiên phải kể đến thương vụ Thaco chi 305 triệu USD (hơn 7.000 tỉ đồng) mua 35% cổ phần công ty Hoàng Anh Gia Lai, trong đó có việc phát triển giai đoạn 2 dự án phức hợp Myanmar Center.

Kế đến là nhóm quỹ đầu tư mua 10% vốn của Sơn Kim Land, tương ứng 121 triệu USD (khoảng 2.783 tỉ đồng). Một thương vụ khác là Tổng Công ty cổ phần thiết bị điện Việt Nam chi 64 triệu USD (khoảng 1.472 tỉ đồng) mua 25% cổ phần VGC của Tổng công ty Viglacera.

Đối với các thương vụ thâu tóm, mua lại, thị trường ghi nhận An Quý Hưng chi 320 triệu USD (khoảng 7.360 tỉ đồng) mua 57,71% vốn Vinaconex. Đây được coi là thương vụ lớn nhất trong diện Nhà nước thoái vốn trong giai đoạn này. Tập đoàn BRG còn mua 100% vốn công ty sở hữu khách sạn InterContinental Hanoi Westlake, với giá trị thương vụ vào khoảng 53 triệu USD (khoảng 1.220 tỉ đồng).

STT Bên mua Bên bán Ngành Giá trị Tỷ lệ
1 SK Group Vingroup Đa ngành 1 6,0%
2 SK Group Masan Group Hàng tiêu dùng 470 9,5%
3 Hanwha Vingroup Đa ngành 400 6,0%
4 THACO Hoàng Anh Gia Lai Nông nghiệp, BĐS 305 35,0%
5 Mitsui Minh Phú Thủy sản 155 35,0%
6 Nhóm các quỹ đầu tư Sơn Kim Land Bất động sản 121 10,0%
7 GELEX Viglacera Xây dựng 64 25,0%
8 Northstar Group Tổ hợp giáo dục Topica Giáo dục 50 10,0%
9 STIC Capital Thủy sản Việt Úc Thủy sản 30 35,0%
10 Samsung SDS CMC Công nghệ 38 25,0%
11 Sojitz PAN Nông nghiệp 35 10,0%
12 Hyundai Marine Insurance Vietinbank Insurance Bảo hiểm 26 25,0%

Các thương vụ đầu tư phát hành riêng lẻ đáng chú ý từ 2018-2019 (triệu USD). Nguồn: MAF

Ngoài lĩnh vực bất động sản, giai đoạn 2018-2019 còn chứng kiến các thương vụ quy mô lớn ở các doanh nghiệp kinh doanh đa ngành, bán lẻ, nông nghiệp…

Quy mô lớn nhất phải kể đến là thương vụ SK Group chi 1 tỉ USD (khoảng 23.000 tỉ đồng) mua 6% vốn Vingroup. Cũng liên quan tới tập đoàn này, Hanwha còn chi 400 triệu USD (khoảng 9.200 tỉ đồng) mua 6% vốn điều lệ. Ở vai trò bên mua, Vingroup mua 65% vốn công ty Viễn Thông A với giá trị 82 triệu USD (khoảng 1.900 tỉ đồng).

Có thể thấy, tham gia nổi bật trong các thương vụ M&A lớn trên thị trường trong thời gian qua là bóng dáng của các nhà đầu tư Hàn Quốc như SK Group hay Hanwha. Theo ông Andrew D. Kim, Giám đốc phát triển Trung tâm M&A toàn cầu, Cơ quan xúc tiến Đầu tư Hàn quốc (KOTRA), hoạt động M&A của Hàn Quốc tại châu Á khá tích cực.

Nếu như ở Malaysia và Singapore, bất động sản và tài chính là hai lĩnh vực yêu thích, thì ở thị trường Việt Nam, các nhà đầu tư Hàm Quốc lại thích đầu tư vào các ngành công nghiệp chế tạo, công nghiệp nặng, nhưng cũng đang chuyển dịch sang bất động sản.

Ở thời điểm hiện nay, thị trường Việt Nam với gần 100 triệu dân đang phát triển rất mạnh nên lĩnh vực mà các nhà đầu tư Hàn Quốc quan tâm cũng đa dạng hơn. Trong đó, hạ tầng và tiện ích cũng là lĩnh vực họ quan tâm, vì nó có liên quan đến phát triển công nghiệp.

STT Bên mua Bên bán Ngành Giá trị Tỷ lệ
1 An Quý Hưng Vinaconex Xây dựng, BĐS 320 57,71%
2 Saigon Coop Auchan Bán lẻ 150 100,00%
3 Taisho Dược Hậu Giang Dược phẩm 106 62,00%
4 Navis Capital Công ty giáo dục TTC Giáo dục 100 100,00%
5 Vingroup Viễn Thông A & Archos Công nghệ 82 65,00%
6 BRG Intercontinental Bất động sản 53 100,00%
7 Vinamilk GTN Foods Sản xuất thực phẩm 51 35,00%
8 VinCommerce Fivimart & Shop n Go Bán lẻ 33 100,00%
9 Japan's Advantage Partners Elise Bán lẻ 25 30,00%
10 Kido GoldenHope Nhà Bè Sản xuất thực phẩm 20 51,00%

Các thương vụ mua lại, thâu tóm đáng chú ý trong năm 2018 - 2019 (triệu USD). Nguồn: MAF

M&A lĩnh vực nào sẽ sôi động?

Nói về lĩnh vực sẽ có đột phá trong các hoạt động M&A thời gian tới, ông Andy Ho, Giám đốc đầu tư của VinaCapital, cho biết công ty quan tâm tất cả lĩnh vực thúc đẩy kinh tế vĩ mô phát triển, những ngành đối phó được vấn đề xuất khẩu. “Chúng tôi cũng nhìn và chọn những ngành có thương hiệu tốt hệ thống phân phối tốt”, ông Andy Ho nói.

Vị này cũng cho rằng, ngành vật liệu xây dựng cũng là ngành đáng chú ý khi Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất. Còn bất động sản còn nhiều khó khăn, nhưng sẽ đột phá về M&A ở góc độ từng dự án.

Trong khi đó, theo ông Lê Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Vietcombank (VCBS), ngân hàng và dịch vụ tài chính sẽ rất được quan tâm.

Chuyên gia này lý giải, trong ngắn hạn tiến trình tái cơ cấu ngân hàng và xoá nợ xấu sẽ kết thúc 2020, thì kỳ vọng sẽ có một số thương vụ M&A trong quá trình tái cơ cấu này.

Ngoài ra, Việt Nam áp dụng các chuẩn mực Basel II, yêu cầu ngân hàng tăng cường năng lực tài chính cũng là cơ hội để nguồn vón bên ngoài chảy vào. Một yếu tố nữa là hiệp định EVFTA, ngoài việc mở rộng sở hữu khối nhà đầu tư châu Âu vào lĩnh vực ngân hàng, cũng là động lực cho lĩnh vực này

Bổ sung thêm, ông Nirukt Sapru, Tổng giám đốc Việt Nam và nhóm 5 nước ASEAN và Nam Á, Ngân hàng Standard Chartered, cho biết ngân hàng sẽ rất thú vị, bất động sản cũng sẽ cất cánh. Giáo dục y tế và lữ hành cũng là những ngành nóng. Ngoài ra, còn có ngành năng lượng sạch, xanh cũng sẽ phát triển nhanh.

Trao đổi thêm về lĩnh vực bất động sản, ông Ben Gray, Giám đốc thị trường vốn của Công ty Cushman & Wakefield, dự báo trong khoảng hai năm tới sẽ có nhiều hoạt động trong lĩnh vực mua lại.

“Sẽ có một vài tập đoàn tìm kiếm đối tác trong nước để năm bắt cơ hội vào những quỹ đất đang tồn tại. Gọi vốn riêng lẻ sẽ nóng lên khi ngân hàng cắt giảm vốn vay cho một số lĩnh vực” ông Ben Gray dự báo.

Ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL Việt Nam, tỏ ra thận trọng hơn, cho rằng vấn đề lớn nhất hiện thời là rào cản với lĩnh vực bất động sản.

“Tôi mong muốn Chính phủ quan tâm đến các vấn đề quyền sử dụng đất để có giải pháp, nếu không nó sẽ kéo thị trường xuống và ảnh hưởng rất nhiều đến nhà đầu tư nước ngoài. Sự thay đổi phải mang tính hệ thống. Chuyện này phải giải quyết xong trước khi chúng ta thực hiện làn sóng M&A mới”, ông Stephen Wyatt khiến nghị.

Thanh Thịnh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.