Đất dọc tuyến đường ven biển Võ Thị Sáu biến động mạnh từ đầu năm 2019
Ông Nam, chủ một quán nước nhỏ trên đường Võ Thị Sáu (thị trấn Long Hải), cho biết từ nửa cuối năm 2018 đến nay, tình hình đất đai tại khu vực này trở nên sôi động hẳn. Mỗi ngày đều có năm bảy lượt người ghé quán ông uống nước và hỏi chuyện mua bán đất đai. Họ đều là người từ TP.HCM, Hà Nội và một số tỉnh thành khác lùng sục mua đất, thậm chí đất nông nghiệp trong núi cũng được hỏi mua.
Cũng theo ông Nam, giá đất khu vực đã tăng nhiều so với trước. Nếu như đầu năm 2018 đất thuộc tuyến đường như Võ Thị Sáu chỉ có giá khoảng 15-17 triệu đồng/m2, thì hiện nay đã dao động ở mức 30 triệu đồng/m2, khu vực nằm dọc bờ biển có giá cao hơn. Giá đất dọc các tuyến đường khác như 44A, đường 36, Trần Hưng Đạo cũng dao động quanh mức 20 triệu đồng/m2. Đất trong các hẻm, đường nhỏ cũng trên dưới 15 triệu đồng/m2. Đặc biệt, giá đất tăng mạnh từ đầu năm 2019 cho đến nay.
“Không chỉ có đất thổ cư, nhiều người còn hỏi mua cả đất nông nghiệp tận trong núi. Giá đất nông nghiệp cũng tăng mạnh, hiện khoảng 4-5 triệu đồng/m2”, ông Nam nói.
Dù là “người gốc” ở Long Hải, nhưng ông Nam thừa nhận không biết lý do vì sao giá đất tại đây lại tăng nhanh chóng mặt như vậy. Ngoài việc có bãi biển để phát triển du lịch thì địa phương này chưa có dự án hạ tầng, dịch vụ nào đặc biệt để kích thích giá đất tăng đột biến như vậy.
Trong vai người cần mua đất, chúng tôi liên hệ với một cò đất tại khu vực thị trấn Long Hải. Người này cho biết, giá đất Long Hải tăng mạnh trong thời gian gần đây là do nhu cầu người mua lớn. Đặc biệt, khu vực trung tâm thị trấn dù phát triển sầm uất nhưng lại ít được quan tâm hơn những khu vực gần biển.
Lý giải nguyên nhân tăng giá đất, cò đất này chia sẻ, giá đất tăng do nhu cầu người tìm mua lớn. Hiện tại đất ở trung tâm thành phố Vũng Tàu, Hồ Tràm khan hiếm và giá cao hơn hẳn Long Hải. Trong khi Long Hải cũng có bãi biển đẹp, ngày càng có nhiều khách du lịch tới đây. Từ Long Hải di chuyển đến thành phố Vũng Tàu, Hồ Tràm chưa đến 1 giờ đồng hồ.
Ngoài ra, các dự án cơ sở hạ tầng đã và đang được đầu tư như cao tốc Long Thành – Dầu Giây hay sân bay quốc tế Long Thành cũng giúp kết nối Long Hải với các đô thị lớn như TP.HCM, Biên Hòa, Bình Dương một cách dễ dàng.
Bên cạnh đó, biển Long Hải hiện đã có hàng chục dự án bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp đã và đang xây dựng thu hút lượng lớn du khách đổ về đây. Việc sở hữu một mảnh đất để xây dựng nhà nghỉ, khách sạn đón đầu lượng khách này là đích ngắm của nhiều nhà đầu tư.
Người này chia sẻ thêm, mua đất Long Hải bây giờ cần phải cân nhắc kỹ vì không phải cứ khu đất nào ven bờ biển cũng an toàn vì có khả năng dính quy hoạch, bị nhà nước thu hồi trong tương lai.
Khảo sát thực tế cho thấy, hiện nay dọc bờ biển Long Hải có khá nhiều dự án đã và đang mọc lên. Chẳng hạn như dự án Lan Rừng Resort giai đoạn 2 có quy mô hàng trăm căn condetel, biệt thự nghỉ dưỡng; dự án The Long Hải Resort do Công ty cổ phần thương mại – du lịch Tân Thành làm chủ đầu tư với hơn 60 căn biệt thự cùng khối căn hộ khách sạn cao cấp quy mô 250 phòng; dự án Zenna Villas do Công ty cổ phần Hiệp Phú làm chủ đầu tư có quy mô 6,6 ha được quy hoạch theo tiêu chuẩn 4 sao, gồm 59 căn biệt thự và 2 block condotel; dự án Oceanami Vila & Beach Clup có diện tích 22ha gồm 347 căn biệt thự đã đi vào hoạt động; dự án Marine City do Công ty TNHH xây dựng Nam Hải đầu tư có quy mô 28,3ha, cung cấp khoảng 900 nền đất từ biệt thự song lập, biệt thự đơn lập.
Bên cạnh các dự án đã đi vào hoạt động và đang xây dựng, dọc biển Long Hải còn có nhiều dự án dù được chấp thuận đầu tư nhưng lại nằm đắp chiếu nhiều năm trời. Ngoài ra, Long Hải hiện vẫn còn thiếu hụt các dịch vụ tiện ích như nhà hàng, siêu thị, chợ, trung tâm vui chơi giải trí.
Anh Phi, một nhà đầu tư bất động sản chia sẻ, xu hướng săn tìm quỹ đất ven biển là điều dễ hiểu. Đặc biệt, Long Hải có vị trí khá gần với TP.HCM, Biên Hòa, Đồng Nai phù hợp cho các chuyến du lịch, nghỉ dưỡng biển ngắn ngày.
Tuy nhiên, nhà đầu tư này cũng thừa nhận giá đất tăng đột biết có phần nguyên nhân xuất phát từ hiệu ứng tâm lý đám đông. Người mua bất động sản chạy theo các thông tin quy hoạch hạ tầng chưa rõ ràng từ nhóm đầu cơ lướt sóng, cò đất.
Theo anh Phi, có hai đòn bẩy thường được sử dụng để làm tăng giá đất. Một là những thông tin về quy hoạch xây dựng hạ tầng, và hai là “dựa hơi” các dự án bất động sản của các ông lớn. Tuy nhiên, đây đều là những dự án trong tương lai, và kế hoạch xây dựng cũng không phải một sớm một chiều. Do đó, nhà đầu tư cần cân nhắc để tránh bị sa lầy đặc biệt là những người đầu tư bất động sản chủ yếu dùng đòn bẩy tài chính từ ngân hàng càng phải cẩn trọng.
-
Bà Rịa Vũng Tàu lên kế hoạch sớm khởi công 34 dự án trọng điểm
CafeLand - UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu vừa giao các cơ quan ban ngành trong tỉnh xây dựng lộ trình thực hiện nhằm sớm khởi công 34 dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
-
Hé lộ phân khúc đất nền đang có mức tăng giá tới 40%
Trong quý đầu năm, phân khúc thấp đất, đất nền có tổng lượng giao dịch lên tới 2.500 giao dịch, tăng gấp 3 lần cùng kỳ năm 2023. Giá đất nền được cho là đã đi vào ổn định, không còn dấu hiệu giảm. Có phân khúc ghi nhận mức tăng giá lên tới 40%....
-
Quốc hội đề nghị Chính phủ can thiệp khi thị trường bất động sản “sốt ảo”
Khi Luật Đất đai và Nhà ở có hiệu lực từ 2025, Chính phủ cần giải pháp điều tiết giá bất động sản do chi phí làm dự án tăng.
-
Cái kết đắng của kẻ mộng mơ lướt sóng bất động sản
Trong cơn sốt nóng của thị trường nhà đất, chỉ một vài giao dịch lướt sóng là nhiều người đã có thể kiếm hàng trăm triệu, thậm chí là cả tỉ đồng. Có người không muốn bỏ lỡ cơ hội đã dồn toàn bộ gia sản, thậm chí vay mượn để đầu tư đất đai. Thế rồi, c...