Các văn phòng gia đình ở châu Á đang mua vào tiền mã hóa, bất chấp thị trường này đã trải qua nhiều tháng bất ổn. Tiền mã hóa trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư khi lợi nhuận từ các loại tài sản truyền thống như bất động sản và chứng khoán không còn như trước.
Sự quan tâm từ các nhà quản lý quỹ này cho thấy vẫn có những người giàu mua vào tiền mã hóa như Bitcoin và Ether ở thời điểm mà giá các loại tiền này đã đi xuống sau giai đoạn bùng nổ 2020 - 2021.
Một số văn phòng gia đình và các cá nhân giàu có ở Hồng Kông cho biết bản chất của sự sụt giảm giá tài sản kỹ thuật số trong năm nay trái ngược với hiệu suất hoạt động yếu kém của thị trường chứng khoán và bất động sản trong khu vực.
Sau nửa đầu năm nhiều biến động, giá tiền mã hóa gần đây đã giảm xuống mức ổn định, làm dấy lên suy đoán về việc liệu giá có chạm đáy hay không. Các nhà đầu tư cho biết loại tài sản này vẫn được coi là một hàng rào hấp dẫn chống lại các biến động của nền kinh tế vĩ mô.
Keith Wong, Giám đốc điều hành của Winland Wealth Management, một văn phòng đa gia đình có trụ sở tại Hồng Kông, cho biết: “Chúng tôi chưa bao giờ mất hứng thú với [tiền mã hóa]. Chúng giúp đa dạng hóa danh mục đầu tư và là một loại tài sản đặc biệt”.
Một cuộc khảo sát với 30 văn phòng gia đình và các nhà đầu tư giàu có ở Hồng Kông và Singapore, được công bố bởi KPMG Trung Quốc và công ty tiền điện tử Aspen Digital vào giữa tháng 10/2022, cho thấy 92% người quan tâm đến tài sản kỹ thuật số, với 58% đã đầu tư và 34% dự định sẽ đầu tư.
Báo cáo cho biết hơn 60% số người được hỏi là các văn phòng gia đình hoặc cá nhân quản lý khối tài sản trị giá từ 10 triệu đến 500 triệu USD.
Bitcoin, đồng tiền mã lớn nhất thế giới, đã giảm giá khoảng 70% so với mức đỉnh vào tháng 11 năm 2021. Kể từ tháng 06 năm nay, Bitcoin đã được giao dịch ở mức từ 18.000 đến 25.000 USD. Còn Ether, đồng tiền mã hóa lớn nhất tiếp theo tính theo vốn hóa thị trường, đã giảm khoảng 60% giá trị trong năm nay.
Các loại tài sản truyền thống tại châu Á cũng đã bị ảnh hưởng khá lớn trong năm nay.
Tại Hồng Kông, thị trường chứng khoán hoạt động yếu kém hơn so với tại Hoa Kỳ và Châu Âu. Chỉ số Hang Seng đã giảm hơn 30% trong năm nay do căng thẳng địa chính trị và các đợt phong tỏa liên tiếp để ngăn ngừa Covid-19 ở Trung Quốc đại lục.
Thị trường nhà ở của Hồng Kông cũng đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 sau thời gian dài phong tỏa vì đại dịch và lãi suất tăng liên tiếp.
“Tất cả bạn bè [của tôi] có văn phòng gia đình đều nói rằng họ đã thay đổi chiến lược. Họ đầu tư vào những tài sản khác như tác phẩm nghệ thuật và cả tiền mã hóa”, một nhà đầu tư giàu có ở Hồng Kông cho biết. Ông cũng nói thêm rằng lĩnh vực bất động sản đã “thực sự bước vào giai đoạn trì trệ”.
Mối quan tâm của các văn phòng gia đình tại châu Á vào tiền mã hóa bắt đầu khi văn phòng gia đình Raffles có trụ sở tại Hồng Kông thiết lập một liên doanh với công ty tiền mã hóa Huobi Tech để phục vụ nhu cầu “chưa được đáp ứng” của các gia đình siêu giàu đang tìm cách đầu tư vào tài sản kỹ thuật số.
C Capital, công ty quản lý tài sản được thành lập bởi tài phiệt Hồng Kông Adrian Cheng, cũng có kế hoạch huy động khoảng 200 triệu USD để đầu tư vào các tài sản ứng dụng công nghệ blockchain trong 18 tháng tới.
Các cố vấn đầu tư cho biết, tài sản kỹ thuật số phải đối mặt với khoảng cách thế hệ, khi các công ty mã hóa muốn thu hút dòng tiền từ những người giàu có lớn tuổi vốn vẫn ưa chuộng các loại tài sản truyền thống.
“Những người giàu có lớn tuổi không biết gì về tiền mã hóa, còn những người trẻ tuổi trong gia đình thì lại quan tâm đến loại tài sản này”, Wong nói.
Về lâu dài, những cuộc trao đổi giữa các thế hệ trong gia đình như vậy sẽ mang lại nhiều nhà đầu tư hơn cho tiền mã hóa, nhất là từ nhóm những người lớn tuổi hơn trong tháp dân số, Wong nói.
Tại Việt Nam, việc sở hữu, mua bán, sử dụng các loại tiền ảo như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến các loại tiền ảo. |
-
Tiền ảo Bitcoin không phải tiền thanh toán hợp pháp tại Việt Nam
Tiền ảo Bitcoin, các loại giống như tiền ảo để không phải tiền pháp quy, không phải tiền điện tử và càng không phải tiền thanh toán hợp pháp tại Việt Nam hiện nay.
-
Nhận diện những vùng đất phát triển mới trên cả nước
Cùng với việc tổ chức lập, trình thẩm định, phê duyệt nhiều quy hoạch quan trọng thì việc triển khai các dự án cao tốc quy mô lớn cũng đã và đang mở ra nhiều vùng đất phát triển mới trên cả nước....
-
Điểm mặt loạt dự án có vốn đầu tư “khủng” kêu gọi đầu tư từ đầu năm tới nay
Từ đầu năm đến nay, các tỉnh thành trên cả nước đã tích cực đẩy mạnh thu hút đầu tư bất động sản tại địa phương. Các dự án đầu tư có tổng mức đầu tư từ hàng nghìn tỉ cho đến chục nghìn tỉ đồng....
-
Người Trung Quốc vung tiền mua nhà khắp thế giới
Người Trung Quốc đang sở hữu 54% số nhà của người nước ngoài tại Hàn Quốc. Theo các báo cáo, hàng tỷ đô la từ Trung Quốc đã ồ ạt chảy vào các thị trường bất động sản Singapore, Thái Lan, Malaysia, Canada và Úc sau khi đất nước tỷ dân chấm dứt chính s...