Kết thúc quý I/2022, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Ngân hàng VPBank đạt trên 11.146 tỷ, tăng gần gấp ba lần so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức lợi nhuận kỷ lục trong một quý mà VPBank ghi nhận được từ trước đến nay, và cũng là mức lợi nhuận trong quý cao kỷ lục của toàn hệ thống ngân hàng, giúp VPBank lần tiên vươn lên vị trí số 1.

Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần đều đã công bố kết quả kinh doanh quý 1/2022. Theo đó, top 10 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất trong quý 1/2022 là: VPBank, Vietcombank, Techcombank, MBBank, VietinBank, BIDV, ACB, SHB, HDBank, Sacombank.

Đáng chú ý, nhà băng trẻ tuổi VPBank tạm vượt qua Vietcombank vươn lên vị trí quán quân về lợi nhuận quý 1 chủ yếu có sự đóng góp từ mảng bảo hiểm. VPBank thông báo đã gia hạn thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm qua ngân hàng với AIA thêm 4 năm nữa, đồng nghĩa với việc ngân hàng ghi nhận một khoản phí trả trước không nhỏ vào lợi nhuận quý này.

Với kết quả trên, khả năng lợi nhuận cả năm của VPBank sẽ bứt phá rất mạnh, đứng trong top ngân hàng có lợi nhuận cao nhất thị trường trong năm nay. Năm nay, VPBank đặt tham vọng lãi trước thuế gần 30.000 tỷ đồng, tăng 107% so với năm 2021.

Chia sẻ với nhà đầu tư tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay về mục tiêu lợi nhuận trước thuế gần 30.000 tỷ đồng, lãnh đạo VPBank thừa nhận, đây sẽ là một kế hoạch thách thức, tuy nhiên ngân hàng này đang có những yếu tố thuận lợi để biến mục tiêu tăng trưởng này thành hiện thực.

Để đạt được mục tiêu này, “vũ khí” mà lãnh đạo của VPBank tiết lộ đó là, nếu 5 năm trước là thời cơ của lĩnh vực ngân hàng và tài chính tiêu dùng, thì 5 năm tới sẽ là cơ hội cho chứng khoán và ngân hàng đầu tư và VPBank sẽ không bỏ lỡ cơ hội thị trường này.

Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế quý 1/2022 của quán quân nhiều năm - Vietcombank đạt gần 10.000 tỷ đồng. Năm 2022, nhà băng này đặt mục tiêu tăng tối thiểu 12% lợi nhuận trước thuế so với năm trước, tương đương mức trên 30.676 tỷ đồng.

Tăng trưởng tín dụng trong quý 1/2022 cải thiện được xem là yếu tố tác động tích cực lên kết quả kinh doanh của ngân hàng. Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, đến cuối quý I/2022, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 5,04%, tăng gấp 4 lần mức tăng của quý I/2021. Riêng dư nợ tín dụng tại TP.HCM đạt trên 3 triệu tỷ đồng trong 4 tháng đầu năm, tăng 7% so với cuối năm 2021.

Xét về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận, trong quý đầu năm 2022, ngân hàng Eximbank có lợi nhuận hợp nhất trước thuế quý 1/2022 đạt hơn 809 tỷ đồng, gấp hơn 3,77 lần cùng kỳ 2021. Trong đó, lãi thuần từ nhiều hoạt động kinh doanh chính tăng trưởng mạnh.

Lý giải về mức tăng trưởng lợi nhuận cao kể trên, lãnh đạo Eximbank cho biết sau giai đoạn giãn cách do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nền kinh tế đang dần phục hồi trở lại và các khách hàng vay đã có nguồn thu nhập để trả nợ. Do đó, ngoài khoản lãi dự thu hàng ngày, ngân hàng đã thu hồi được nợ lãi của các khoản nợ quá hạn nhóm 2-5, lãi của các khoản nợ cơ cấu do ảnh hưởng dịch Covid-19, nợ gốc đã được xử lý bằng dự phòng rủi ro.

Kết thúc quý 1/2022, xét về tổng tài sản, đứng đầu hệ thống ngân hàng vẫn là 3 “ông lớn” Vietcombank, BIDV và VietinBank, và Vietcombank với tổng tài sản lần lượt là 1.462 triệu tỷ đồng; 1,847 triệu tỷ đồng và 1,663 triệu tỷ và. MBBank ở vị trí thứ 4 với hơn 649.000 tỷ và Techcombank đúng thứ 5 với 615.200 tỷ.

Anh Mai
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.