03/08/2015 10:14 PM
Được ồ ạt cấp phép song đến nay, hàng loạt dự án ven biển Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa... phần lớn mới triển khai trên giấy, hoặc xây tường bao, rồi “án binh bất động”.

Quần thể du lịch “bốn sao” bị treo 10 năm

Ngay tại “cửa ngõ” phía Nam tỉnh Thừa Thiên-Huế, Dự án Khu du lịch Xanh Lăng Cô tọa lạc ở vị trí đắc địa, một mặt giáp QL1, mặt còn lại là bãi biển Lăng Cô (Phú Lộc), được tỉnh Thừa Thiên-Huế cấp giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) cho Tổng công ty CP Xây dựng Điện Việt Nam (CNECO) năm 2004. Dự án có tổng mức đầu tư 169 tỷ đồng. Vẽ ra bức tranh quần thể du lịch hoành tráng đạt tiêu chuẩn bốn sao, đã chục năm triển khai, dự án vẫn “dậm chân” ở phần xây hệ thống tường kè.

Dọc vùng biển thị trấn Lăng Cô, gần chục dự án quy mô hoành tráng tại các vị trí đắc địa đã được “xí phần” từ năm 2005-2006 rồi “treo” như thế. Trên tuyến đường ven biển Chân Mây-Lăng Cô, khu nghỉ dưỡng Nirvana sau khi đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động thí điểm được một thời gian, giờ đang “chết yểu”. Thôn Bình An và Đông An (xã Lộc Vĩnh), có hai dự án Khu phi thuế quan của Công ty Sài Gòn-Chân Mây, xây được vài hạng mục rồi bỏ hoang, xuống cấp hư hỏng.

Dự án Khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng Vinconstec - Huế (xã Phú Thuận, huyện Phú Vang) đang bị bỏ hoang

Tại xã Phú Thuận (huyện Phú Vang, Thừa Thiên-Huế), nhà đầu tư Công ty CP Xây dựng và phát triển Công nghiệp Việt Nam khởi công dự án Khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng Vinconstec-Huế từ năm 2008, nhưng đến nay, trên tổng diện tích hơn 70 ha là một “khu nhà hoang”, cỏ dại um tùm, trần nhà lòi ra những thanh sắt gỉ sét. Một số ngư dân “trưng dụng” ngôi nhà làm nơi tập kết ngư cụ...

Tại Đà Nẵng, chạy dọc tuyến đường “5 sao” Hoàng Sa-Võ Nguyên Giáp-Trường Sa, không ít dự án chiếm vị trí “đất vàng” đang hoang hóa, như: Khu du lịch giải trí của Công ty TNHH Đệ Nhất (8 nghìn m2, thời hạn thuê 50 năm); Dự án The Nam Khang...

Ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở KH&ĐT Đà Nẵng cho hay: Ven biển Đà Nẵng hiện có 52 dự án trên diện tích 164 ha, đã được cấp phép đầu tư với tổng nguồn vốn đăng ký 58 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay mới có khoảng 20 dự án đi vào hoạt động, hoặc triển khai theo hình thức cuốn chiếu. Số còn lại phần lớn chậm và chưa triển khai.

Nằm ngay trung tâm TP Nha Trang, có hai đường lớn là Trần Phú và Nguyễn Thị Minh Khai, nhưng nhiều năm nay, Dự án Khách sạn và khu nghỉ dưỡng cao cấp 5 sao Grand Hotel & Residence (chủ đầu tư là Công ty Đầu tư và quản lý khách sạn Swivico) chỉ tồn tại với những phông hình rách nát, bạc màu, cổng chào hoen gỉ. Bên trong dự án chỉ có một cái móng đào dở dang, chiếm gần 1/3 diện tích khu đất với hố nước lớn đen ngòm. Tương tự là dự án Trung tâm thương mại và du lịch Tràng Tiền Nha Trang cách đó không xa.

Thống kê từ Sở KH&ĐT Khánh Hòa, năm 2014, trên địa bàn TP Nha Trang, có 144 dự án đầu tư ngoài ngân sách đang triển khai với tổng vốn đầu tư 56.469 tỷ đồng. Trong đó có 70 dự án đầu tư ngoài ngân sách chậm tiến độ...

Sống mòn bên dự án treo

Chưa kịp mừng vì thuộc diện quy hoạch cho các dự án ven biển, cuộc sống, sinh hoạt của nhiều người dân nơi đây đã bị đảo lộn. Tại xã Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế), dự án của Công ty Hòa Bình (7,8 ha) tiến hành thu hồi đất của người dân từ năm 2009, song đến nay chưa áp giá đền bù. “Nhà chưa giải tỏa, mọi người sống mòn bên dự án treo. Đi không được, ở không xong, tường nhà bị xuống cấp hư hỏng nhưng không dám sửa chữa”, bà Nguyễn Thị Hà (xã Lộc Vĩnh) ngán ngẩm.

Sống dọc biển, nhưng trên địa bàn P. Khuê Mỹ không có bãi tắm công cộng do đất được cấp cho các dự án resort. Dãy tường bao của dự án The Nam Khang bỏ hoang đã lâu. Bên trong bức tường là bãi đất trống, cỏ mọc um tùm. Bên ngoài, người dân phải tìm cách lách qua khe hở giữa các dãy tường hàng km để đến với biển.

Tại thôn Phú Hải 2 (Lộc Vĩnh), sau nhiều năm tỉnh Thừa Thiên-Huế cấp GCNĐT cho ba dự án du lịch nghỉ dưỡng, sân golf… diện tích rừng dẻ nguyên sinh bị cạo sạch, người dân lén lút chặt trộm để trồng cây tràm chờ đền bù; “sa tặc” tranh thủ đào bới tan hoang...

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc cho biết, các dự án “treo”, chậm triển khai khiến đời sống người dân càng thêm khó khăn. Nhiều gia đình đông con không thể tách hộ bởi vướng quy hoạch. Huyện chỉ có thể đề xuất đôn đốc các dự án có khả năng thực hiện thì thực hiện gấp, còn những dự án nào không được thì phải thu hồi, đồng thời nên có quy hoạch chi tiết các khu dân sinh để người dân có thể yên tâm sinh sống.

Duy Lợi - Tấn Việt (Giao thông)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.