14/04/2018 8:11 AM
Thực trạng các chung cư xung đột lợi ích giữa cư dân, chủ đầu tư, thậm chí với ban quản trị đòi hỏi phát huy vai trò đi đầu của hệ thống chính trị.

Các quận Thanh Xuân, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm là một trong những quận có tốc độ đô thị hóa nhanh của Hà Nội. Trên địa bàn quận Thanh Xuân có 89 tòa nhà chung cư đã đưa vào khai thác, sử dụng trong đó có 67 tòa chung cư thương mại, 22 tòa chung cư tái định cư.

Đến nay các phường phối hợp với các chủ đầu tư để tổ chức hội nghị nhà chung cư và đã thành lập được Ban quản trị (BQT) 54/67 tòa chung cư thương mại, 13/22 tòa chung cư tái định cư. Tương tự, trên địa bàn Hà Đông có hơn 80 tòa nhà chung cư đã thành lập được BQT của 70 tòa nhà.

Cư dân căng băng rôn phản đối chủ đầu tư.

Tuy nhiên, thực tế tình trạng xung đột lợi ích giữa chủ đầu tư với BQT tòa nhà hay cư dân với BQT dẫn đến việc khiếu kiện đông người đang gây lúng túng cho chính quyền địa phương trong công tác quản lý chung cư.

Ông Đoàn Thành Nhân, Phó giám đốc điều hành Công ty ACC Thăng Long chủ đầu tư tòa nhà Artemis số 3 Lê Trọng Tấn, chia sẻ: trước khi bàn gian căn hộ tháng 1/2017, chủ đầu tư đã thuê 2 đơn vị quản lý chuyên nghiệp là Savills và sau đó là PMC với mức phí quản lý khoảng 500 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, trong một số cuộc họp giữa cư dân và chủ đầu tư, một số cư dân đòi chấm dứt hợp đồng với các đơn vị này khi tiến độ sửa chữa lỗi căn hộ bị chậm… Trước áp lực của cư dân và chủ đầu tư, hai đơn vị quản lý này lần lượt xin rút.

Chủ đầu tư cũng đã 2 lần có thông báo văn bản đến cư dân đề nghị cư dân thành lập BQT và chủ động lựa chọn đơn vị quản lý.

Theo ông Nhâm việc thành lập BQT tòa nhà theo luật là 1 năm và điều kiện trên 50% dân cư về sinh sống. “Với thiện chí của chủ đầu tư chúng tôi mời công an phường đến làm đăng ký tạm trú, hộ ở ổn định lâu dài phải đăng ký thường trú nhưng đến nay mới chỉ có 70 hộ dân trên tổng số 300 hộ đăng ký”, ông Nhâm chia sẻ.

Theo ông Lê Cường, Bí thư quận ủy Hà Đông, những tiềm ẩn lớn nhất thời gian qua với Hà Đông là việc quản lý nhà chung cư hết sức phức tạp. Các nhà chung cư ngoài việc phản ứng tụ tập đông người khiếu kiện điều kiện an toàn PCCC còn nổi lên khúc mắc giữa BQT và chủ đầu tư. “Khúc mắc cư dân với BQT cũng hết sức phức tạp. Khi thành lập BQT xong thì gần như tất cả các tòa nhà vẫn thường có phát sinh khúc mắc giữa Chủ đầu tư và BQT.

Có những tòa nhà BQT thực hiện không tốt nhiệm vụ nên cư dân khiếu kiện. Để bầu lại BQT cũng hết sức khó khăn vì phải lấy được 50% số phiếu mới bầu lại được Ban quản trị”.

Theo Bí thư quận ủy Hà Đông, cần xây dựng Nghị quyết chuyên đề tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đối với các tòa nhà chung cư để có biện pháp quản lý tốt hơn.

Cùng quan điểm với lãnh đạo quận Hà Đông, bà Trần Thị Phương Hoa - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội cho rằng, hiện nay tình trạng khiếu kiện tập trung đông người còn rất phức tạp. Trước đây, khiếu kiện đông người tập trung chủ yếu ở các xã phường liên quan đến GPMB đất đai, xây dựng…. thì nay khiếu kiện đông người đã nổi lên ở các chung cư cao tầng là nơi có đa số dân cư các nơi về sinh sống. Trong khi chính quyền vẫn chưa có biện pháp quản lý các hoạt động ở những khu dân cư cao tầng này hiệu quả.

Bà Phương Hoa đề nghị, Thành ủy nghiên cứu để thành lập tổ chức đảng và các đoàn thể ở các khu chung cư cao tầng này.

Theo bà Phương Hoa việc xảy ra phát sinh giữa chủ đầu tư và người dân do chủ đầu tư với BQT khi chưa thực hiện công khai dân chủ, minh bạch quản lý chi tiêu trong khu nhà. Vấn đề này cần được quan tâm vì địa bàn huyện, quận nào cũng đều có chung cư cao tầng, dân về đông nhưng chưa có tổ chức đảng, đoàn thể.

“Tôi thấy rằng cần quan tâm nghiên cứu nếu không sau này địa bàn nào cũng xảy ra khiếu kiện đơn thư nhiều gây khó khăn cho công tác lãnh đạo chỉ đạo của Thành phố”- bà Phương Hoa lo ngại.

Chủ đề: Quản lý chung cư
Đỗ Hưng (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.