01/08/2023 11:06 AM
Đọc được khá nhiều thông tin về những người bị lừa tiền khi mua nhà, mua đất, Phạm Hằng (33 tuổi, Hà Nam) chỉ biết lắc đầu ngao ngán và tiếc cho họ, nhưng chính cô cũng trở thành nạn nhân.

Những chiếc bẫy mang tên “người quen”

Tháng 6/2020, Long – em rể của Hằng làm việc trong một công ty bất động sản, giới thiệu và dắt mẹ cô đi xem căn hộ dịch vụ nhượng quyền 50 năm với giá 950 triệu đồng và Quý 1/2021 sẽ giao nhà. Hình thức thanh toán là đóng tiền thành hai đợt, đợt cuối sẽ thanh toán khi nhận nhà.

Sau khi tìm hiểu và tham khảo một số người bạn, họ cho rằng như vậy quá rủi ro nên Hằng và mẹ về nhà cân nhắc. Hằng phân tích và khuyên mẹ không nên mua, nhưng mẹ cô nói không lo vì người giới thiệu là con cháu trong nhà.

Dự án được vẽ ra hoành tráng và dự kiến bàn giao một năm sau khi ký hợp đồng, nhưng hiện tại sau 3 năm vẫn chỉ hai tầng trơ trọi cùng đống đổ nát.

Theo lịch hẹn ngày 24/6/2020, Hằng đi cùng mẹ lên công ty ký hợp đồng mua bán. Nội dung được ghi trong hợp đồng là “nhượng quyền sử dụng căn hộ dịch vụ”. Vì tin Long nên hai mẹ con chỉ đọc lướt qua hợp đồng và càng tin tưởng hơn khi trước đó dì của Hằng cũng đã mua một căn hộ tương tự.

Mặc dù ban đầu có chút nghi ngờ, nhưng khi ký hợp đồng xong Hằng thấy rất vui vì sắp tới cô sẽ có căn hộ của riêng mình. Đến nỗi cứ mỗi tuần, cô lại chạy qua khu đất đó để theo dõi tiến độ. Tuy nhiên, niềm vui chưa được bao lâu khi cô quay trở lại công trường sau hai tháng đi công tác, thì nhận ra dự án không hề nhúc nhích, chỉ còn lại đống sắt vụn, bê tông và căn nhà nát của công nhân dựng lên.

“Đang dịch nên công nhân nghỉ, đợi giãn dịch sẽ xây lại”, “chị yên tâm đi dự án đang điều chỉnh lại bản vẽ, ít nữa thi công trở lại”, “dự án đang điều chỉnh giấy phép nên tạm ngưng xây dựng”… là những câu trả lời mà Hằng nhận được sau nhiều lần gọi điện cho Long.

Quá nhiều lần hứa hẹn, ngày 7/9/2022 Hằng quyết định đến thẳng công ty hẹn gặp, nhưng lúc này công ty vắng hoe, chỉ có một lễ tân và một người phòng nhân sự. Hằng xin lễ tân số của quản lý dự án, cô gọi điện thì đầu dây bên kia tiếp tục viện lý do hứa hẹn. Không thể chờ lâu hơn được nữa, Hằng yêu cầu công ty thanh lý lại hợp đồng và bất ngờ là công ty đồng ý rất nhanh, nhưng phải đợi có người mua thì mới thanh lý được, không thì chỉ còn cách phạt tiền vi phạm hợp đồng.

“Vì lúc ký hợp đồng không đọc kỹ nên không biết số tiền mà bên công ty quy định trong hợp đồng lên tới 30% giá trị căn hộ, tương đương với 285 triệu đồng. Mẹ mình đã thanh toán 50% đợt 1 là 500 triệu đồng. Như vậy, công ty phải hoàn trả lại 215 triệu đồng. Dù mất một tiền lớn, nhưng còn hơn phải chờ trong vô vọng và có thể mình sẽ mất luôn cả 500 triệu đồng đã đóng” – Hằng chia sẻ.

Tin nhắn trao đổi giữa Hằng và quản lý dự án của công ty.

Sa vào chiếc bẫy “dân sự”

Trên giấy hẹn hoàn tiền thanh lý hợp đồng ghi ngày 13/6/2023 sẽ nhận tiền ở trụ sở công ty, nhưng từ đầu tháng Hằng đã gọi điện, nhắn tin cho công ty để kiểm tra lại và những số đó đều không có ai nghe máy. Cho đến ngày 12/6, Hằng tiếp tục gọi điện cho quản lý dự án thì anh ta báo đã nghỉ việc và cho Hằng một số điện thoại khác tên Toàn, được giới thiệu là Giám đốc bộ phận Chăm sóc khách hàng.

Cuối cùng, Hằng cũng hẹn gặp được Toàn và đến công ty vào đúng ngày hẹn. Khi tới nơi, cô thấy một số người cũng đang ngồi đợi. Trong đó, có một người tên Văn đến nói với Hằng rằng công ty bị cấm hoạt động rồi, gọi cho công an đến giải quyết. Sau một hồi trao đổi, Hằng, Văn cùng một vài người mua nữa thống nhất là viết đơn kiện. Sau đó, mọi người ra về, riêng Hằng quyết định ở lại để chờ Toàn đến như lịch hẹn.

“Mình đã ngồi ở công ty này từ 9 giờ sáng đến 6 giờ chiều. Trong khoảng thời gian đó, mình bật tivi xem, vô bàn lễ tân làm việc, ăn uống, viết đơn kiện, lâu lâu có vài nhân vật đi xuống đóng cửa nhốt mình lại, hỏi mình là ai mà ngồi đây, sao sử dụng tài nguyên công ty. Mình hỏi ngược lại anh là ai, nhân viên hay sao thì họ lủi đi. Khoảng gần 12 giờ trưa có thêm hai người đến, có vẻ là người mua dự án giống mình đòi gặp nhân viên tư vấn, họ nói chuyện một hồi thì bạn tư vấn viên lắp bắp, xin lỗi nói không biết gì. Đến hơn 5 giờ chiều, Toàn nhắn tin cho mình hẹn đến gặp ở quán cà phê ven đường. Sau đó, hắn lại nói mình có gì thì trình bày qua điện thoại” – Hằng kể lại.

Hằng cho biết thêm cô may mắn thoát khỏi chiếc bẫy luật dân sự mà bên công ty đưa ra. Cụ thể, bên công ty liên tục đưa ra các thỏa thuận, ban đầu sẽ là thỏa thuận thanh lý. Sau đó tới hạn thanh lý, công ty sẽ đưa ra các thỏa thuận trả theo đợt như Đợt 1 trả 10%, đợt 2 trả 30% và đợt 3 trả 70%. Mỗi đợt cách nhau 3 tháng.

Nếu ai có tư tưởng "trả bao nhiêu lấy bấy nhiêu" thì cuối cùng sẽ không lấy được gì cả. Một số nạn nhân quyết tâm kiện dân sự, khi ra tòa người đại diện công ty cũng kể lể làm ăn thua lỗ không có tiền và cam kết sẽ trả dần. Sau đó, mọi chuyện lắng dần, nếu muốn tiếp tục đòi tiền, người mua lại phải nộp đủ loại đơn như Yêu cầu thi hành án, Yêu cầu kê biên, phát mãi tài sản, Yêu cầu phong tỏa tài sản, Yêu cầu cấm xuất cảnh… và gặp người bên công ty một lần nữa. Cứ thế một vòng luẩn quẩn cho đến khi người mua nản chí và chấp nhận mất số tiền đã nộp.

Hằng thừa nhận, chiêu thức này được cảnh báo rất nhiều, nhưng nhiều người vẫn mắc bẫy. Vì từ lúc bắt đầu mua, công ty vẫn dùng chiêu lâu lâu thuê máy móc, công nhân xây dựng một ít rồi quay phim để lấy lòng tin của khách hàng. Nếu bị phát hiện, công ty lập tức cắt chức nhân sự để trốn tránh… và rất nhiều cách thức khác.

“Mình giả sử dự án mình đã mua trước đó, theo hình ảnh bên công ty cập nhật thì diện tích xây dựng chưa được 200m2, như vậy tối đa cũng chỉ xây được khoảng 6 căn một tầng. Nhưng trong bản vẽ công ty giới thiệu và bán cho khách hàng là mỗi tầng 22 căn, tương đường với diện tích xây dựng phải 700m2. Thực tế, tổng diện tích lô đất này chỉ có 530m2, diện tích được phép xây dựng là 261m2. Những thông tin này người mua hoàn toàn có thể tìm hiểu trước, nhưng lại ít người đủ tỉnh táo để làm điều này” – Hằng bày tỏ.

* Tên nhân vật đã được thay đổi

Bảo Minh (Ảnh NVCC)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.