15/08/2023 8:41 AM
Một tuần trở lại đây, nhiều người trong giới bất động sản xôn xao khi xuất hiện một hình thức mời chào khá kỳ lạ, khi khách mua không muốn xem nhà trước mà chỉ muốn gặp chủ nhà để “làm thân”.

Theo anh Nguyễn Phong (32 tuổi, TP.HCM), vì phải chuyển nơi làm việc nên anh có rao bán căn hộ rộng 65m2 tại quận 2 (cũ). Sau khi đăng tin, anh liên tục nhận được cuộc gọi của nhiều người nhận là nhân viên môi giới, giúp anh tìm khách mua. Muốn bán nhanh nên anh cũng đồng ý và hứa trả tiền hoa hồng hậu hĩnh.

Chỉ vài ngày sau, bên môi giới báo với anh có một cô chú trung tuổi mới bay từ Hà Nội vào để mua nhà cho con trai. Anh Phong vui vẻ hẹn khách đến xem nhà, kiểm tra sổ thoải mái, nhưng kỳ lạ là bên môi giới liên tục nài nỉ, chèo kéo anh đến quán cà phê gặp khách hàng.

Dù chủ nhà liên tục từ chối hẹn gặp riêng, nhưng môi giới vẫn chèo kéo.

Môi giới nói vì khách hàng cũng khá nhiều tuổi, lại mới bay vào TP.HCM không biết đường nên muốn hẹn anh qua một quán cà phê ở quận 2 để xem giấy tờ và “làm thân” trước khi đến xem nhà. Anh Phong thấy lạ vì thường khách muốn mua nhà phải đòi đến xem nhà cho bằng được, nhưng bên môi giới cứ viện đủ lý do để hẹn gặp anh ở nơi khác.

“Mình muốn bán căn hộ thật, có sổ đang hoàng nên khách mua nhà cứ đến xem và kiểm tra pháp lý thoải mái, nhưng bên môi giới viện đủ lý do nào là cô chú nhiều tuổi, không biết đường, bị lừa xem nhà ảo mấy lần nên cảnh giác, muốn gặp mình xem giấy tờ trước. Mình thấy rất lạ và tò mò muốn biết mục đích của nhân viên môi giới là gì, nên đồng ý đến điểm hẹn” – anh Phong chia sẻ.

“Đến điểm hẹn, mình thấy nhân viên môi giới và hai người trung niên được giới thiệu là khách hàng. Mình vốn là người cẩn thận nên quyết định không mang giấy tờ nhà đất theo mà chụp trên điện thoại. Nếu khách thực sự muốn mua thì mình dẫn qua xem nhà và xem sổ thật. Từ lúc nói chuyện, hai cô chú liên tục kể về hoàn cảnh gia đình. Hiện không còn tiền mặt, chỉ có một lô đất nằm tại quận 2 mua cách đây hai năm, rồi bảo mình đi xem. Ưng thì có thể đổi và phụ thêm tiền để mua căn hộ. Mình thấy có chút kỳ lạ nên từ chối. Nhưng bên môi giới vẫn tiếp tục thuyết phục mình, còn đưa mình xem giấy chứng nhận quyền sử dụng mảnh đất tại quận 2. Thời điểm đó, mình không có nhu cầu mua đất tại TP.HCM vì phải chuyển xuống Vũng Tàu. Kết quả vừa không bán được nhà, vừa mất thời gian” – anh Phong cho biết thêm.

“Dính” chiêu thức cũ

Nhiều người vì muốn nhanh chóng bán được nhà mà dễ dàng nghe theo sự sắp đặt của nhân viên môi giới.

Tương tự như anh Phong, chị Hải (28 tuổi, TP.HCM) cũng cần bán căn nhà mặt đất tại quận 7. Chỉ mới đăng tin rao bán đã có người gọi điện đến giới thiệu cho chị khách mua. Theo lời nhân viên môi giới, khách hàng là một cặp vợ chồng từ ngoài Bắc vào và hẹn chị Hải đến một quán cà phê để xem giấy tờ. Vì không có kinh nghiệm mua bán nhà nên chị Hải đặt hết niềm tin vào nhân viên môi giới.

Theo lịch hẹn, chị Hải đến quán cà phê trước lịch hẹn 30 phút để trao đổi trước với nhân viên môi giới, còn khách hàng sẽ đến sau. Nói chuyện một lúc chị Hải được nhân viên sale giới thiệu cho mấy lô đất gần với căn nhà mà chị muốn bán.

“Bạn sale nói có mấy lô đất gần khu nhà mình đang ở, mặt tiền rộng 5m, chủ nhà lại đang bán cắt lỗ, nên mình hẹn môi giới sau khi chốt bán xong căn nhà sẽ đi xem. Ngồi được 30 phút, nhân viên môi giới nói khách bị delay chuyến bay nên khoảng 30 phút nữa sẽ tới. Mình cũng vui vẻ ngồi đợi, nhưng suốt một tiếng đồng hồ vẫn không thấy đâu. Không muốn mất thời gian mình hẹn môi giới lùi sang giờ chiều. Nhân viên môi giới đề xuất mình tiện thì đi xem đất luôn. Mình thấy như vậy cũng hợp lý nên đồng ý đi cùng” – chị Hải kể lại.

Trên xe, chị Hải được nhân viên sale giới thiệu về vị trí, tiềm năng lô đất và chiết khấu cao nếu ký cọc ngay hôm nay. Đúng như giới thiệu lô đất có vị trí đẹp, mặt tiền cũng khá rộng nên không chần chừ chị Hải cọc ngay 20 triệu đồng. Vì chủ đích ban đầu là bán nhà cho chị nên môi giới viện lý do không có giấy tờ ở đây và không có hợp đồng cọc đất sẵn, chỉ có phiếu thu.

“Sau cuộc nói chuyện ở quán cà phê mình cũng tin tưởng bạn môi giới này nên chấp nhận xác nhận cọc bằng tờ phiếu thu không có thông tin gì về lô đất đã cọc. Đến ngày hôm sau mình ký hợp đồng thỏa thuận mua đất và cọc thêm 30 triệu đồng nữa để công chứng giấy tờ. Tuy nhiên, khi mình đọc lại hợp đồng thì nhận ra lô đất đúng là có diện tích bằng với lô đất đã cọc, nhưng vị trí laị không nằm ở quận 7 như đã xem trước đó” – chị Hải bức xúc.

Tất nhiên, như rất nhiều trường hợp đã được cảnh báo trước đó, chị Hải lại bắt đầu hành trình đòi lại số tiền đã cọc mà không chắc có thành công hay không.

Thị trường bất động sản đã lắng xuống, nhưng sức hút từ đầu tư đất hay những lời mời chào đầu tư chưa giảm sự hấp dẫn và không ít chiêu trò lừa đảo vẫn được tung ra. Do đó, dù trong vị trí người mua hay người bán đều cần phải cảnh giác để không bị mắc bẫy.
Bảo Minh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.