28/03/2012 12:48 AM
Hàng loạt doanh nghiệp đang đứng trên bờ vực phá sản nhưng điều này có lẽ cũng không khiến quá nhiều người lo ngại khi TTCK sôi động. Giá nhiều cổ phiếu đã tăng trần một cách đầy bất ngờ và ngoạn mục.

Lỗ và nợ

Gần đây, giới đầu tư khá sốc khi đón nhận thông tin Chủ tịch HĐQT Công ty Hanic (SHN) tuyên bố doanh nghiệp này đang đứng trước bờ vực phá sản và hơn 6.000 cổ đông đang đối mặt với nguy cơ mất vốn.

Theo đó, SHN đang hội đủ những yếu tố dễ dẫn đến phá sản. Hoạt động kinh doanh của SHN đang bị đình đốn do thiếu vốn, người lao động buộc phải nghỉ việc, nợ thuế Nhà nước, không có tiền trả cho CBCNV, cho bảo hiểm, kết quả kinh doanh thua lỗ... Năm 2011, SHN thua lỗ khoảng gần 70 tỷ đồng chủ yếu do chi phí tài chính và trích lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi tăng vọt.

Trường hợp SHN khá đặc biệt nhưng có lẽ còn không tệ hại bằng nhiều doanh nghiệp khác. Trong năm qua, TTCK chứng kiến khá nhiều doanh nghiệp bị âm vốn chủ sở hữu (như Thủy sản Cadovimex - CAD, Cà phê An Giang - AGC, hay Tribeco - TRI) và lỗ 3 năm liên tiếp như Nhựa Tân Hóa (VKP), Basa (BAS), Vận tải biển và BĐS Việt Hải (VSP).

Cadovimex (CAD) có vốn điều lệ 88 tỷ đồng nhưng tính cho tới hết 2011 vốn chủ sở hữu không những không còn đồng nào, mà còn âm hơn 165 tỷ đồng. Cà phê An Giang (AGC) cũng không kém cạnh khi có vốn chủ sở hữu đang âm hơn 52 tỷ đồng. Tribeco (TRI) cũng đã cụt vốn và hiện đang âm hơn 20 tỷ đồng.

Không ở tình trạng âm vốn hay lỗ 3 năm liên tục (điều kiện buộc phải rời sàn) nhưng nhiều doanh nghiệp niêm yết hiện đang đối mặt với nguy cơ đổ vỡ khá lớn vì tỷ lệ nợ đang gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu (VCSH).

Trong trường hợp Sông Đà - Thăng Long (STL), VCSH của doanh nghiệp này tính tới cuối 2011 còn hơn 235 tỷ đồng nhưng nợ ngắn hạn hơn 2.800 tỷ đồng (trong đó người mua trả tiền trước chưa tới 1.200 tỷ đồng) và tổng nợ là gần 5.000 tỷ đồng.

Một doanh nghiệp khác là Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam (THV) có VCSH tính tới cuối 2011 là 385 tỷ đồng nhưng nợ ngắn hạn tới hơn 1.800 tỷ và tổng nợ là trên 1.900 tỷ đồng. Doanh nghiệp này thua lỗ gần 200 tỷ đồng trong năm 2011.

Tình trạng doanh nghiệp đối mặt với rủi ro cao do tỷ lệ nợ gấp VCSH từ vài ba cho tới cả hơn chục lần trên hai sàn chứng khoán TP.HCM và Hà Nội là rất rất nhiều. Nhiều nhất có lẽ là các doanh nghiệp bất động sản và xây dựng. Hầu hết các doanh nghiệp này có vốn khá nhỏ nhưng "phải" ôm rất nhiều dự án cùng một lúc.

Trong thời kỳ thị trường sôi động, hàng hóa bán chạy thì có thể không vấn đề gì, thậm chí tỷ suất lợi nhuận còn ở mức cao không tưởng. Nhưng khi bất động sản trầm lắng và lãi suất ngân hàng vẫn cao ngất ngưởng (vẫn khoảng trên 20%/năm) như hiện nay thì đây quả là một mối lo "mất ăn mất ngủ".

Nếu tình trạng lãi suất vẫn còn neo cao và doanh nghiệp không bán được hàng như hiện nay và còn kéo dài thêm một hai quý nữa thì không khó để hình dung sẽ có những doanh nghiệp nợ nhiều và không có mối quan hệ tốt sẽ buộc phải phá sản.

Con số hơn 79.000 doanh nghiệp đã giải thể trong năm 2011 (báo cáo VCCI) và 12.000 doanh nghiệp phá sản và giải thể trong 3 tháng đầu năm 2012 đã cho thấy phần nào thực tại khó khăn của các doanh nghiệp.

Làm giá cổ phiếu

Không phủ nhận là TTCK tăng mạnh trong thời gian vừa qua là có cơ sở vững chắc. Có rất nhiều thông tin cho thấy kinh tế đang phục hồi trở lại với một điểm mấu chốt là lạm phát đã được kiềm chế tương đối thành công (CPI tháng 3 chỉ có 0,19%) và GDP vẫn được duy trì (khoảng 4% trong quý I/2012).

Tuy nhiên, TTCK Việt Nam thường có xu hướng tăng đồng loạt và giảm theo trào lưu. Nhiều cổ phiếu tốt vẫn giảm mạnh khi thị trường rơi vào downtrend, và cũng có không ít cổ phiếu xấu tăng mạnh kéo dài khi xu hướng là uptrend.

Trở lại trường hợp SHN, mặc dù thông tin doanh nghiệp đứng trên bờ vực phá sản và hơn 6.000 cổ đông đang đối mặt với nguy cơ mất vốn được ông Chủ tịch HĐQT SHN được tuyên bố cuối hôm 17/3 theo kiểu khá sốc. Nhưng trên thực tế những khó khăn mà SHN gặp phải (đặc biệt vụ đối tác nợ hơn 300 tỷ không trả) đã được các nhà đầu tư nắm được hết nhiều tháng trước đó.

Với tình hình như vậy, cổ phiếu SHN không có nhiều lý do để tăng mạnh tới gần 100% trong khoảng thời gian 2 tháng đầu năm 2012 (từ mức 3.700 đồng lên cao nhất là 6.200 đồng/cp). Đây cũng là khoảng thời gian SHN bán ra 830.000 cổ phiếu quỹ và các thành viên HĐQT bán nốt những gì còn sót lại.

Thực tế đã lộ rõ, từ khi Chủ tịch SHN công bố "tin sốc", cổ phiếu SHN đã quay đầu giảm sàn 7 phiên liên tiếp (tính tới 27/3) với dư bán khổng lồ, luôn ở mức 6-8 triệu đơn vị/phiên.

Việc giá cổ phiếu SHN lên mạnh mẽ trong bối cảnh doanh nghiệp này công bố các khoản lỗ, chi phí tài chính và trích lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi tăng cao cho thấy một điều là, các nhà đầu tư trong nước có xu hướng chấp nhận độ rủi ro rất cao để hưởng lợi nhuận đột biến.

Nhưng cũng có thể, các nhà đầu tư bị cuốn hút theo xu hướng chung của thị trường, và không loại trừ bị rơi vào các bẫy do các nhà đầu tư lớn hơn giăng ra.

Cho tới thời điểm này, vụ việc SHN cũng chưa đi đến hồi kết. Trong 7 phiên giao dịch qua, không ít nhà đầu tư vẫn đang "bắt đáy" SHN với một hy vọng có ngày lãnh đạo SHN lại bất ngờ tuyên bố sự việc không đến mức tồi tệ như vậy hoặc đã có hướng giải quyết cho khoản nợ...

Hiện tượng trên liên quan tới một vấn đề là sự minh bạch và chính xác về thông tin - một vấn đề mà hầu hết những ai tham gia vào TTCK Việt Nam đều lo ngại. Cảm giác không tin tưởng có thể bao trùm mọi sự việc, hiện tượng. Đây có lẽ cũng chính là lý do khiến cho thị trường nói chung và giá cổ phiếu nói riêng luôn biến động theo kiểu khó đoán định.

Trong trường hợp CAD, VKP, giá hai cổ phiếu này thấp nên bước biến động thường là trần hoặc sàn. Nhưng trên thực tế, có những thời điểm những cổ phiếu thuộc diện "đánh bạc" này cũng được giao dịch khá sôi động. Chênh lệch giá của các cổ phiếu này nhiều khi cũng rất dữ dội. Với 4 phiên trần liên tiếp, trong tuần đầu tiên của tháng 3, giá CAD đã tăng hơn 50% (từ 700 đồng lên 1.100 đồng/cp). Trong 3 phiên gần nhất (từ 23-27/3), CAD cũng đã trần liên tiếp với khối lượng giao dịch hôm 27/3 cũng lên tới trên 100.000 đơn vị.

Ở trường hợp rủi ro cao nhưng vẫn đầy đủ tư cách của một doanh nghiệp niêm yết, THV và STL vẫn được giới đầu tư mua bán rất sôi động. Tính theo con sóng từ Tết Nguyên đán cho tới vừa qua, cổ phiếu THV cũng đã tăng khoảng 60%, từ 2.400 đồng lên 4.100 đồng/cp (ngày 26/3). Cổ phiếu STL trong khi đó cũng tăng được khoảng 80% từ dưới 6.000 đồng lên 10.900 đồng/cp (ngày 26/3).

Như vậy, có thể thấy quy luật rủi ro cao - lợi nhuận cao vẫn đang đúng. Nó đặc biệt đúng hơn trong TTCK Việt Nam nơi mà mỗi khi TTCK sôi động là các cổ phiếu lớn nhỏ, tốt xấu đều đồng loạt tăng giá. Cổ phiếu lớn tăng rồi thì sẽ đến cổ phiếu nhỏ tăng.

Chỉ có điều là, độ rủi ro ở Việt Nam dường như cao hơn cái lợi thu được do sự kém minh bạch và khả năng quản trị của các doanh nghiệp là rất kém. Không ít nhà đầu tư đã phải hối tiếc trong những lần liều mình mua cổ phiếu DVD và BBT trước đây.

Theo VEF
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.