CafeLand - Theo báo cáo của đơn vị nghiên cứu Fitch Solutions, nền kinh tế thế giới trong năm 2022 sẽ vẫn phải đối mặt với một số rủi ro chính gồm căng thẳng tín dụng từ lĩnh vực bất động sản ở Trung Quốc, áp lực giá và các biến thể Covid-19 mới.

Báo cáo của Fitch được đưa ra vào ngày 24/11, trước khi mối đe dọa từ biến chủng Omicron trở nên rõ ràng vào cuối tuần qua. Tuy nhiên, họ vẫn khẳng định rằng thế giới không nên hạ mức dự báo rủi ro từ các biến thể Covid-19 mới, đặc biệt là tại các khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Fitch đồng thời nhấn mạnh rằng căng thẳng tín dụng từ lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc có thể lan sang nền kinh tế vĩ mô và dẫn đến suy giảm kinh tế "rõ nét" hơn so với dự đoán.

Fitch cho biết: “Kết hợp với khả năng diễn ra nhiều đợt bùng phát dịch bệnh, lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc thậm chí có thể khiến tình hình trở nên khó khăn hơn”.

Không chỉ vậy, áp lực giá cả "có thể vẫn rất lớn" trong năm tới, thúc đẩy một chu kỳ thắt chặt hơn các quy định và dẫn đến việc tái định giá mạnh mẽ toàn bộ thị trường.

Điều này có thể châm ngòi cho sự biến động lớn về kinh tế và làm giảm tốc độ tăng trưởng khi các nhà đầu tư và người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu, đặc biệt là ở các quốc gia mới nổi.

Do lạm phát tiếp tục tăng cao hơn so với kỳ vọng, việc điều chỉnh chính sách đột ngột hoặc sai lầm chính sách của các quốc gia mới nổi có thể là một nguy cơ và làm suy giảm uy tín của các ngân hàng trung ương.

Về vấn đề tăng lãi suất, Fitch đưa ra dự đoán rằng sẽ có một lần tăng lãi suất ở Mỹ, Anh, Canada và Úc, khoảng ba lần ở Na Uy và năm lần ở New Zealand vào cuối năm 2022.

Tuy nhiên, có ý kiến ​​cho rằng các ngân hàng trung ương sẽ không tăng lãi suất quá mạnh để tránh làm giảm tốc độ tăng trưởng và nợ công đang tăng lên gần đây.

Fitch dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 4,1% vào năm 2022, cao hơn mức trung bình 3,1% được ghi nhận từ năm 2015 đến 2019. Tuy nhiên, điều này sẽ dẫn đến một "sự chậm lại theo chu kỳ đáng kể", vì theo dự báo, mức tăng trưởng của năm 2021 đã là 5,5%.

Trong đó, các quốc gia phát triển sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng chung, đạt 3,7% so với mức 2,2% trước đại dịch. Mức tăng trưởng này là nhờ kinh tế toàn cầu tiếp tục mở cửa, mức tiết kiệm tăng vọt, thị trường lao động bị thắt chặt, chính sách hỗ trợ rộng rãi của chính phủ và nới lỏng các chuỗi cung ứng dù chậm nhưng ổn định trong cả năm 2022.

Các thị trường mới nổi có thể “khởi sắc hơn một chút”, nhưng vẫn chậm lại từ 6,2% trong năm 2021 xuống 4,8% vào năm 2022. Mức này nhỉnh hơn không đáng kể so với tốc độ tăng trưởng trung bình 4,5% trong giai đoạn 5 năm kéo dài đến năm 2019.

Tốc độ tăng trưởng này sẽ giảm đáng kể nếu đưa Trung Quốc ra khỏi danh sách, bởi quốc gia này chiếm khoảng 40% tổng sản phẩm quốc nội của các thị trường mới nổi. Theo đó, các thị trường mới nổi trừ Trung Quốc chỉ tăng trưởng khoảng 4,4%, cao hơn 1,3 điểm phần trăm so với mức trung bình 3,1% đạt được trong 5 năm trước khủng hoảng.

Tăng trưởng của Trung Quốc sẽ chậm lại từ 7,8% vào năm 2021 xuống còn 5,4% vào năm 2022, thấp hơn nhiều so với mức trung bình trước đại dịch là 6,6%, do chiến lược Zero-Covid của quốc gia này sẽ tiếp tục hạn chế tăng trưởng tiêu dùng.

Fitch cũng lưu ý rằng du lịch sẽ phục hồi không đồng đều vào năm 2022, với nhu cầu từ du khách phương Tây tập trung vào các điểm đến gần hơn, chẳng hạn như Caribê và Nam Âu.

Các điểm đến tại châu Á phụ thuộc vào khách du lịch Trung Quốc, cụ thể là Thái Lan và Philippines, sẽ trải qua "sự phục hồi chậm trong suốt nhiều năm" do việc triển khai tiêm vắc-xin ở châu Á chậm hơn và các hạn chế đi lại chặt chẽ ở Trung Quốc.

Theo thống kê, khách du lịch Trung Quốc chiếm khoảng 28% tổng lượng khách du lịch đến Thái Lan và 21% ở Philippines vào năm 2019.

Chủ đề: Kinh tế thế giới,
  • Doanh nghiệp châu Á 2022: Thách thức cũ và mới đan xen

    Doanh nghiệp châu Á 2022: Thách thức cũ và mới đan xen

    Khi thế giới sắp bước sang năm thứ ba trong cuộc chiến kéo dài với đại dịch, nhiều người hy vọng rằng mọi thứ sẽ bắt đầu trở lại bình thường. Các nền kinh tế và biên giới đang mở cửa trở lại là một bước cần thiết để thế giới chung sống với Covid-19. Tuy nhiên, việc mở cửa trở lại cũng sẽ kéo theo hàng loạt rủi ro mà doanh nghiệp cần cân nhắc, theo United Overseas Bank (UOB) - ngân hàng đa quốc gia có trụ sở tại Singapore.

Lam Vy (BTS)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.