09/06/2022 7:38 AM
Tại buổi tọa đàm “Khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản” mới đây, nhiều doanh nghiệp đã bày tỏ những vướng mắc xoay quanh việc ngân hàng siết tín dụng gây ảnh hưởng đến quá trình triển khai dự án.

Nhiều doanh nghiệp đã bày tỏ những vướng mắc xoay quanh việc ngân hàng siết tín dụng gây ảnh hưởng đến quá trình triển khai dự án.

Mỗi ngân hàng nói một kiểu

Ông Nguyễn Minh Nhật, Tổng giám đốc Vạn Xuân Group, cho biết cái vướng lớn nhất của doanh nghiệp là về vốn và hành lang pháp lý.

Để bán được hàng, doanh nghiệp phải hoàn thành phần nền móng và hồ sơ pháp lý. Việc này phải nhờ vào tín dụng từ ngân hàng.

Ông Nhật cho biết doanh nghiệp ông đã làm hồ sơ vay ngân hàng từ 3-4 năm nay, và hiện có khoản vay hơn 2.000 tỉ đồng đang chờ ngân hàng giải ngân. Thế nhưng, các ngân hàng từ tháng 3 đến nay bảo đã “hết room” nên chưa chịu giải ngân.

Cũng theo ông Nhật, các đại diện ngân hàng thông tin vẫn cho vay bình thường nhưng ở góc độ doanh nghiệp ông lại không thấy bình thường.

“Tôi có cảm giác là ngân hàng có 2 luồng phê duyệt hồ sơ. Mỗi ngân hàng nói một kiểu nên doanh nghiệp rất rối. Doanh nghiệp sống sót vượt qua tâm dịch Covid-19 đã là điều rất may mắn nhưng thông tin vay vốn từ ngân hàng làm chúng tôi rất bất an. Trong khi đó, từ nay đến cuối năm doanh nghiệp bất động sản rất cần nguồn vốn từ ngân hàng”, ông Nhật chia sẻ.

Lãnh đạo Vạn Xuân Group kiến nghị cần có hành lang pháp lý rõ ràng, cởi mở để thị trường bất động sản phát triển ổn định, doanh nghiệp dễ tiếp cận chính sách và triển khai dự án.

Bà Võ Thị Hồng Mai, Phó TGĐ Công ty Asian Holding, cho biết có khoảng 20-30% tổng số lượng khách cần tới nhu cầu đòn bẩy tài chính từ ngân hàng. Tuy nhiên, thông tin ngân hàng siết tín dụng đã khiến thị trường vốn trầm lắng lại thêm ảm đạm và khó khăn hơn.

Bà Mai mong muốn ngành ngân hàng tháo gỡ khó khăn, “nới room” tín dụng cho doanh nghiệp và cả khách hàng để thị trường có thể ấm lại trong 6 tháng cuối năm.

Ngân hàng nên là “bà đỡ” cho các dự án đủ pháp lý

Liên quan đến câu chuyện khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản, luật sư Nguyễn Văn Hậu (đoàn luật sư TP.HCM), cho biết thị trường bất động sản Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp. Thế nhưng cả hai kênh này đều đang bị siết chặt.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng, ngân hàng vẫn nên làm "bà đỡ" cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính, những dự án khả thi để họ hoạt động.

Riêng trái phiếu doanh nghiệp, trong vòng 2 tháng gần đây, thị trường này ghi nhận tình trạng hy hữu khi không có doanh nghiệp bất động sản nào phát hành trái phiếu. Vấn đề tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực này cũng đã chậm từ 12% năm 2021, có thể giảm xuống 9-10% năm 2022.

Theo luật sư Hậu, sau khoảng thời gian nền kinh tế bị trì trệ vì tác động của đợt dịch Covid-19, Nhà nước đã ban hành chủ trương khuyến khích thúc đẩy các hoạt động kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng nhằm hồi phục và phát triển thị trường kinh tế.

Vì thế, động thái siết chặt vốn vay bất động sản của ngân hàng đã khiến các doanh nghiệp bất động sản hoang mang. Nguyên nhân là do không hiểu đúng về chính sách của các ngân hàng nên nhiều người cho rằng các ngân hàng đã chặn đường phát triển của doanh nghiệp bất động sản.

Tuy nhiên, thống kê trong những tháng đầu năm 2022, tín dụng rót vào bất động sản không biến động nhiều, chiếm gần 20% tổng dư nợ. Con số này được nhận định ở mức độ phù hợp so với giai đoạn trước (tăng 28%).

Điều này cho thấy rõ quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là kiểm soát tín dụng ngân hàng để dòng vốn chảy vào hoạt động sản xuất, những lĩnh vực ưu tiên khôi phục nền kinh tế.

“Theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, tôi hiểu là việc vay vốn mua bất động sản chỉ loại trừ những dự án không đảm bảo. Đối với các dự án đảm bảo pháp lý, có căn cứ sẽ bán được hàng, các ngân hàng bắt buộc phải tiến hành cho vay”, vị luật sư cho biết.

Bởi nếu các tổ chức kinh doanh bất động sản không thể tiếp cận nguồn vốn thích hợp sẽ kéo hoạt động của doanh nghiệp đi xuống theo, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện các dự án, từ đó tác động đến những người mua bất động sản hình thành ở tương lai.

“Cần phải làm rõ rằng việc ngân hàng siết chặt dòng tín dụng vào bất động sản chỉ là một trong những nhân tố để làm hãm độ nóng của thị trường, kiểm soát những nhà đầu cơ và những nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tín dụng lớn. Còn những doanh nghiệp làm ăn chân chính, những dự án khả thi thì ngân hàng vẫn phải là "bà đỡ" để họ hoạt động, đóng góp nguồn cung nhà ở cho xã hội, các công trình dự án cho đất nước, từ đó góp phần vào phục hồi kinh tế”, luật sư Hậu kiến nghị.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.