Việc Ngân hàng Nhà nước kiểm soát dòng vốn vào bất động sản khiến nhiều người liên tưởng đến bài học từ việc thắt chặt tín dụng từ những năm 2008 và 2011.

Việc siết tín dụng vào bất động sản được cảnh báo tránh đi vào vết xe đổ 10 năm trước. Ảnh: Quỳnh Trần/VnExpress

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), ví von tín dụng ngân hàng là “bà đỡ” cho các doanh nghiệp bất động sản trong giai đoạn triển khai thực hiện dự án để đến giai đoạn triển khai thu hút vốn của khách hàng.

Do đó, việc Ngân hàng Nhà nước kiểm soát dòng vốn chảy vào bất động sản đã gây nên những khó khăn nhất định cho doanh nghiệp và nhà đầu tư, người mua nhà.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bất động sản đang kỳ vọng vào nguồn vốn thứ hai là trái phiếu doanh nghiệp.

Ông Châu cho biết, tỷ trọng phát hành trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam trong những năm gần đây đã tăng mạnh, đến nay chiếm 39% GDP trong khi các nước lân cận trên thế giới tới hơn 50%.

Tuy nhiên trong việc phát hành trái phiếu, bên cạnh những doanh nghiệp mạnh còn có những doanh nghiệp đưa ra lãi suất cao, nhưng lại không có tài sản bảo đảm hoặc đưa ra tài sản bảo đảm thiếu tính khả thi. Nhà đầu tư nếu không tìm hiểu kỹ có thể bị mất vốn.

“Hoạt động xã hội hóa đầu tư thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã tạo được kênh thu hút vốn. Do đó, không vì những “con sâu làm rầu nồi canh” mà siết lại kênh này làm ảnh hưởng đến các chủ đầu tư chân chính”, ông Châu chia sẻ.

Vị này tán thành lộ trình siết chặt vốn tín dụng ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước đến năm 2023 các Ngân hàng thương mại chỉ được sử dụng 30% vốn cho vay tín dụng bất động sản bởi trên toàn thế giới cũng đã làm như vậy.

Tuy nhiên, ông Châu cho rằng họ đã có quỹ đầu tư bất động sản để xã hội hóa nguồn vốn cho bất động sản (2 loại quỹ đầu tư bất động sản).

Trong khi ở Việt Nam mới có một quỹ đầu tư bất động sản của Ngân hàng Techcombank, song nguồn vốn còn rất ít. Do đó, nguồn quỹ bất động sản rất non trẻ và mỏng như vậy gần như không có tác động.

Ông Châu cho rằng chúng ta nên tham khảo kinh nghiệm các nước lân cận đang làm là hỗ trợ tín dụng cho thị trường bất động sản, cấp tín dụng cho chủ đầu tư bất động sản, người dân, các nhà đầu tư thứ cấp.

“Nhà nước không nên thắt chặt thị trường bất động sản, mà nên kiểm soát cho vay đối với các doanh nghiệp, đối tượng vay và sử dụng vốn vay đúng mục đích”, Chủ tịch HoREA đề xuất.

Bên cạnh đó, ông Châu cũng đề nghị Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định 153 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp để kiểm soát chất lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Bởi vì trong thời gian vừa qua, hoạt động này chưa đánh giá được năng lực thực sự của doanh nghiệp, nên có tình trạng phát hành trái phiếu lừa đảo nhà đầu tư.

Ngoài ra, cần thực hiện lộ trình hạn chế tín dụng vào bất động sản, có thể kéo dài đến năm 2023.

“Bài học thắt chặt tiền tệ, thắt chặt tín dụng năm 2008 và năm 2011 dẫn đến thị trường bất động sản hai lần bị đóng băng trong hơn 10 năm qua là những bài học đáng giá mà chúng ta cần phải rút ra”, ông Châu nhấn mạnh.

Chủ tịch HoREA cho rằng việc chúng ta có lộ trình hạn chế tín dụng vào lĩnh vực bất động sản là cần thiết, nhưng nên cần giảm tiến độ này cho đến cuối năm 2023.

Đối với việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, ông Châu cho rằng nên rà soát lại, sửa đổi các quy định pháp luật để đảm bảo việc phát hành trái phiếu diễn ra một cách chặt chẽ nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của các nhà đầu tư, tránh tình trạng doanh nghiệp lợi dụng sự lỏng lẻo trong phát hành trái phiếu để trục lợi thậm chí để lừa đảo.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.