CafeLand - Số ca lây nhiễm Covid-19 tại Anh đang tăng mạnh và để đối phó với nguy cơ lây nhiễm lần hai, Thủ tướng Boris Johnson đang chuẩn bị thay thế lệnh cấm tụ tập nhiều hơn 6 người bằng những hạn chế khắt khe hơn.

Những điều này đã khiến các khách sạn và nhà hàng tại Anh phải chứng kiến làn sóng hủy đặt phòng và đặt bàn vì các hoạt động kỷ niệm Giáng sinh khó có thể được tổ chức, đồng thời đặt các cửa hàng bán lẻ tại những tuyến phố trung tâm vào tình thế vô cùng khó khăn.

Các nhà phân tích cho rằng, nếu lệnh cấm tụ tập nhiều hơn 6 người kéo dài tới mùa lễ hội tới thì các bữa tiệc Giáng sinh và các buổi họp mặt đại gia đình sẽ không còn, dẫn tới thiệt hại hàng tỷ bảng Anh cho các nhà bán lẻ, nhất là trong lĩnh vực quần áo và thực phẩm.

Doanh số bán lẻ ở Anh đã tăng trong tháng thứ tư liên tiếp vào tháng Tám vừa qua, nhưng các tuyến phố trung tâm vẫn tiếp tục gặp khó khăn. Trong đó, doanh thu của các cửa hàng quần áo thấp hơn nhiều so với mức trước đại dịch dù đã qua ba tháng kể từ khi được phép mở cửa trở lại.

Trong khi các nhà bán lẻ đồ gia dụng và nội thất báo cáo doanh số bội thu khi người dân chuyển sang làm việc tại nhà, không thể đi du lịch và chi tiêu nhiều hơn để trang hoàng nhà cửa, thì các nhà bán lẻ thời trang lại gặp khó khăn. Khi không ra khỏi nhà, người tiêu dùng không có nhu cầu mua quần áo. Và giờ đây khi các bữa tiệc Halloween và Giáng sinh có khả năng không được tổ chức, họ càng có lý do để cắt giảm chi tiêu cho mặt hàng này.

Giám đốc điều hành của Retail Economics, Richard Lim cho biết: “Bán lẻ quần áo vẫn chịu nhiều áp lực nhất cho đến nay. Đã có những thay đổi đáng kể trong thói quen của người tiêu dùng bởi họ không ra ngoài đường và ít gặp gỡ hơn so với trước đây”.

Nhà phân tích bán lẻ độc lập Richard Hyman thì nhận định: “Đồ chơi và quà vẫn sẽ được mua trong dịp Giáng sinh và năm mới, nhưng tôi nghĩ doanh số bán quần áo sẽ bị ảnh hưởng. Khi không còn các bữa tiệc và buổi họp mặt gia đình, tại sao người dân cần mua trang phục mới?”.

Bên cạnh các vấn đề về doanh số giảm do suy thoái kinh tế, các nhà bán lẻ còn phải đau đầu với các quy định giãn cách xã hội do thời điểm Giáng sinh là lúc các cửa hàng chật cứng người mua sắm. Không chỉ vậy, tình trạng phong tỏa kéo dài đã thúc đẩy việc chuyển doanh số từ các cửa hàng vật lý sang kinh doanh trực tuyến, khiến nhiều cửa hàng phải đóng cửa và làm mất gần 125.000 việc làm trong ngành bán lẻ.

Những khó khăn nói trên với ngành bán lẻ chưa chấm dứt. Gần đây, chính phủ Anh lại đang cân nhắc chấm dứt ưu đãi miễn thuế giá trị gia tăng cho du khách quốc tế mua sắm tại Anh vào cuối năm nay, làm dấy lên nguy cơ mất thu nhập hàng tỷ bảng Anh từ lĩnh vực bán lẻ và du lịch. Trong một bức thư gửi tới Thủ tướng Anh, các chuỗi bán lẻ như Marks & Spencer, Heathrow và Selfridges đều cho biết kế hoạch này có thể khiến 70.000 lao động trong ngành bán lẻ đứng trước nguy cơ mất việc làm. Theo thống kê, mỗi năm Anh miễn thuế khoảng 3,5 tỷ bảng Anh cho khách du lịch ngoài khu vực EU.

Ở một khía cạnh khác, thời điểm trước Giáng sinh và năm mới cũng cực kỳ quan trọng với các quán rượu, nhà hàng, và khách sạn tại Anh. Một số nơi có thể thu về tới 40% lợi nhuận hàng năm trong giai đoạn từ lễ Halloween đến tháng Một.

Kate Nicholls, Giám đốc điều hành của Hiệp hội kinh doanh khách sạn và nhà hàng tại Anh UKHospitality, cho biết các thành viên của họ đã bị hủy đặt bàn hàng loạt, thậm chí vào thời điểm ngay sau khi ông Boris Johnson thông báo về các lệnh hạn chế mới.

Bà nói rằng các quy định mới sẽ hủy hoại kết quả vừa đạt được của chương trình Eat to help out, trong đó chính phủ chi trả 50% các bữa ăn để khuyến khích người dân ra khỏi nhà và tiêu tiền, từ đó vực dậy các nhà hàng, quán rượu, và quán cà phê.

Nicholls giải thích: “Khó khăn lắm chúng ta mới tạo dựng được động lực tăng trưởng trong tháng Tám và đưa 2/3 lực lượng lao động trong các ngành này khỏi tình trạng nghỉ việc không lương. Còn giờ đây, với thông điệp “Đừng giao tiếp xã hội” của chính phủ, người tiêu dùng sẽ trở nên lo lắng và không muốn ra khỏi nhà”.

Những lệnh hạn chế mới ở Anh và Scotland đe dọa không chỉ các nhà hàng và quán rượu vừa bắt đầu đứng vững trở lại, mà còn cả các câu lạc bộ đêm, địa điểm tổ chức sự kiện và khách sạn - vốn phụ thuộc vào các buổi tụ họp đông người đang bị cấm.

Nicholls cho biết: “Chúng tôi đã tiếp nhận rất nhiều lượt hủy phòng và hủy đặt bàn và sau đó là băn khoăn về việc lập kế hoạch kinh doanh cho khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12. Có một triệu người lao động trong các ngành này đang phải xin trợ cấp thất nghiệp. Và số lượng việc làm hiện có cũng khó duy trì cho đến khi các nhà hàng, khách sạn, quán bar… được phép mở cửa trở lại”.a

Chủ đề: Bất động sản Anh,
Lam Vy (The Guardian)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.