29/07/2021 1:08 PM
Nhiều giao dịch đủ "giấy trắng, mực đen" nhưng chưa chắc bảo đảm đủ điều kiện pháp lý...

Kéo dài 2 năm, vụ kiện "Tranh chấp yêu cầu tuyên bố hợp đồng dân sự vô hiệu" giữa nguyên đơn là ông N.M.T (SN 1957) với bị đơn là một ngân hàng thương mại cổ phần (có trụ sở chính ở TP Hà Nội) quay về vạch xuất phát khi cơ quan pháp luật có thẩm quyền tuyên bố hủy cả 2 bản án phúc thẩm và sơ thẩm.

Nhập nhằng phần tài sản thừa kế

Hồ sơ vụ kiện thể hiện năm 2009 hai bên ký kết hợp đồng thế chấp tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của bên thứ ba (viết tắt là hợp đồng). Cụ thể, ông N.M.T thế chấp một mảnh đất hơn 50 m2 do ông đứng tên trên giấy tờ sở hữu. Tài sản này bảo đảm cho một doanh nghiệp tư nhân vay vốn 1,2 tỉ đồng tại ngân hàng.

Tuy nhiên, doanh nghiệp trên không thanh toán nợ ngân hàng, không tiến hành giải chấp tài sản bảo đảm cho ông N.M.T. Kể từ đó, ông N.M.T cho rằng hợp đồng có nhiều sai sót như: định giá không đúng, hợp đồng không lấy chữ ký của 2 con ông dù họ có quyền thừa kế mảnh đất sau khi vợ ông qua đời... Vì thế, ông N.M.T yêu cầu tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu, buộc ngân hàng trả lại tài sản cùng giấy tờ liên quan.

Bác bỏ những vấn đề nguyên đơn đề cập, đại diện ngân hàng đề nghị tòa án giữ nguyên hợp đồng nhằm bảo đảm khoản nợ doanh nghiệp đang "treo" trong ngân hàng. Đại diện doanh nghiệp lý giải do làm ăn thua lỗ nên chưa trả hết nợ, vì vậy chưa thể giải chấp tài sản, lấy lại giấy tờ đất cho ông N.M.T.

Ở 2 cấp tòa, bị đơn đều thua kiện. Không đồng tình, VKSND đề nghị xem xét vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm.

Quá trình giám đốc thẩm, cơ quan xét xử nhận định thửa đất hơn 50 m2 do nguyên đơn cùng người vợ đã mất là chủ sở hữu. Năm 2001, vợ ông N.M.T qua đời, không để lại di chúc. Từ đó đến nay, ông N.M.T và 2 con chưa chia phần thừa kế di sản do vợ ông để lại. Do đó, mảnh đất là tài sản chung của ông N.M.T, những người thừa kế hàng thứ nhất là 2 người con. Căn cứ quy định pháp luật, cơ quan xét xử giám đốc thẩm kết luận giao dịch giữa nguyên đơn với bị đơn chỉ có hiệu lực đối với phần tài sản nguyên đơn sở hữu; vô hiệu đối với quyền sử dụng đất mà 2 người con hưởng thừa kế từ người mẹ đã khuất. Hai cấp tòa tuyên vô hiệu toàn bộ hợp đồng là không đúng. Từ đó, quyết định giám đốc thẩm hủy toàn bộ 2 bản án vụ án "Tranh chấp yêu cầu tuyên bố hợp đồng dân sự vô hiệu".

Đòi đất đang thế chấp

Mới đây, cơ quan tiến hành tố tụng các cấp cũng đã rút kinh nghiệm vụ án "Tranh chấp yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu" khi phải hủy 2 bản án, xét xử lại từ đầu.

Năm 2018, tòa án buộc vợ chồng bà H’ Klông Knul (ngụ tỉnh Đắk Lắk) trả bà Võ Thị Kim Liên khoản nợ hơn 380 triệu đồng. Sau khi biết chuyện vợ chồng bà H’ Klông Knul lập hợp đồng tặng con trai (tên là Y Băc Knul) 3 thửa đất, người con trai đăng ký biến động sang tên và thế chấp 3 thửa đất tại Ngân hàng TMCP Phương Đông, vay 350 triệu đồng, bà Liên khởi kiện với yêu cầu tuyên bố vô hiệu một phần hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất; hủy đăng ký biến động trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 2/3 thửa đất mà vợ chồng bà H’ Klông Knul tặng con trai.

Đối với vụ việc này, 2 cấp tòa phân xử nguyên đơn (bà Liên) thắng kiện. Sau đó, phía ngân hàng gửi đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án dân sự phúc thẩm. Đầu năm 2021, cơ quan VKSND có thẩm quyền ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm có nội dung đề nghị cơ quan xét xử hủy 2 bản án, giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm. Cơ quan chịu trách nhiệm xem xét vụ việc theo trình tự giám đốc thẩm đã chấp nhận quan điểm kháng nghị.

Quyết định giám đốc thẩm ban hành mới đây giải thích ngân hàng đang giữ giấy tờ tài sản. Hợp đồng công chứng anh Y Băc Knul ký kết với ngân hàng có công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm đúng luật định. Do đó, ngân hàng là bên thứ 3 trong vụ án. Dù vậy, 2 bản án chưa làm rõ, xem xét, đánh giá vấn đề nói trên. Quyết định giám đốc thẩm khẳng định 2 tòa án cấp dưới chưa đủ cơ sở kiến nghị cơ quan chức năng hủy đăng ký biến động việc tặng - cho quyền sử dụng đất. Hai bản án gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của ngân hàng.

Hai cấp tòa đều thiếu sót

Ở vụ tranh chấp mà ông N.M.T là nguyên đơn, các đồng sở hữu không có thỏa thuận về quyền sử dụng đất, không ký hợp đồng thế chấp. Vì vậy, cơ quan giám đốc thẩm xác định quyền sử dụng đất của các đồng sở hữu theo phần thừa kế; cũng như áp dụng quy định về sở hữu chung theo phần để giải quyết. Tức là ai ký tên trong hợp đồng thì phần tài sản do người đó sở hữu hợp pháp trở thành tài sản bảo đảm khoản vay, phần tài sản khác sẽ không liên quan. Đây là quyết định hợp lý vì nhiều điều, khoản trong Bộ Luật Dân sự hiện hành đề cập rất rõ phương án giải quyết như vậy.

Trường hợp Ngân hàng TMCP Phương Đông, cơ quan xét xử phúc thẩm và sơ thẩm lẽ ra cần xác định yêu cầu ngân hàng đưa ra có phải yêu cầu độc lập hay không. Từ đó, tòa án mới có thể tiến hành thủ tục thụ lý, giải quyết. Đây là một trong những nguyên nhân khiến vụ án chưa thể có hướng giải quyết triệt để.

Thạc sĩ, luật gia Nguyễn Thanh Tùng

Di Lâm (Người Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.