28/04/2020 6:53 AM
CafeLand - Theo ông Troy Griffiths, Phó Tổng giám đôc Savills Việt Nam, du lịch khách sạn là ngành đầu tiên chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, đây cũng là ngành có khả năng phục hồi nhanh nhất. Trong đó, nguồn khách du lịch nội địa sẽ giúp thúc đẩy công suất thị trường tăng lên.

Hiệu suất phòng giảm mạnh

Bất động sản nghỉ dưỡng, trong đó có khách sạn được cho là một trong những phân khúc chịu ảnh hưởng đầu tiên và mạnh mẽ bởi dịch Covid-19. Theo thống kê của Savills Việt Nam, trong quý 1-2020, thị trường khách sạn Hà Nội có khoảng 9.950 phòng, đến từ 66 khách sạn, trong đó có 16 khách sạn 5 sao, 19 khách sạn 4 sao và 31 khách 3 sao.

Lượng du khách đến Hà Nội giảm đột ngột làm công suất trung bình của khách sạn ba đến năm sao giảm 30 điểm phần trăm theo năm, trong khi giá phòng trung bình giảm 13% theo năm, doanh thu phòng trung bình giảm 49% theo năm.

Những tháng đầu quý 1, lượng khách Hàn Quốc và Trung Quốc giảm khiến cho công suất khách sạn 3-5 sao giảm xuống 55%. Riêng trong tháng 3, các biện pháp cách ly do dịch bệnh được tăng cường tại thành phố, công suất khách san 3-5 sao giảm xuống dưới 30%.

Khách sạn 5 sao tiếp tục dẫn đầu

Ở phân khúc khách sạn 5 sao, công suất phòng trung bình trong quý 1 giảm 32 điểm phần trăm theo năm. Giá phòng trung bình đạt 127 USD/phòng/đêm, giảm 13% theo năm, dẫn đến doanh thu phòng trung bình giảm 46% theo năm.

Phó tổng Savills Việt Nam đánh giá, mặc dù khách công tác tại các khách sạn 5 sao giảm, nhưng vẫn là nguồn khách chính giúp các khách sạn 5 sao duy trì vị trí dẫn đầu trên thị trường.

Hoạt động của các khách sạn 3-4 sao giảm mạnh nhất khi doanh thu phòng trung bình giảm 60%, chủ yếu là do sự sụt giảm của khách tham quan, du lịch tới Hà Nội.

Ảnh minh hoạ

Ông Griffiths cho rằng, việc thiếu vắng khách du lịch và việc đóng cửa các địa điểm tham quan trong thành phố ảnh hưởng tới hoạt động của các cơ sở lưu trú tại các khu vực này. Doanh thu phòng trung bình tại các khu vực nội thành giảm 51% theo năm, trong khi các khu vực trung tâm giảm 49% theo năm.

Theo Sở Du lịch Hà Nội, từ tháng 2 tới 19/3 đã có 151 cơ sở khách sạn phải tạm đóng cửa tại quận Hoàn Kiếm (78 cơ sở) và Đống Đa (73 cơ sở).

Doanh thu phòng trung bình phía tây thành phố giảm 43% theo năm, chịu ảnh hưởng bởi hoạt động cuối tháng 3 do giải F1 Vietnam Grand Prix bị tạm hoãn, dẫn đến nhiều khách sạn bị hủy đặt phòng.

Khu vực nội thành đón nguồn cung lớn sau dịch?

Dịch Covid-19 đã tác động nặng nề đến lượng khách du lịch đến Hà Nội. Cụ thể, trong quý 1-2020, Hà Nội đón khoảng 3,85 triệu lượt khách, giảm 47,2% theo năm, mức thấp nhất trong giai đoạn 5 năm trở lại đây.

Lượng khách quốc tế chỉ đạt 956.000, giảm gần 44% theo năm, khách nội địa giảm 48,2% theo năm xuống còn 2,89 triệu khách. Khách quốc tế lưu trú chỉ đạt 756,000, giảm 36,9% theo năm. Khách quốc tế lưu trú đến từ Trung Quốc giảm 78% theo năm, Hàn Quốc giảm 52% và Nhật Bản giảm 33,3 phần trăm.

Trong tháng 3, tổng lượt khách du lịch tới Hà Nội giảm 76% theo tháng và 87,4% theo năm xuống còn 321.390. Tổng doanh thu du lịch Hà Nội quý này là 15.687 tỉ VND, giảm 38,8% theo năm.

Theo dữ liệu tháng 3 của Tổng cục Du lịch Việt Nam, khách quốc tế tới Việt Nam bằng đường hàng không là 375.137 khách, giảm 62,3% theo tháng và 65,7% theo năm.

Trong quý 1, tổng lượng khách quốc tế qua đường hàng không là 3 triệu lượt, giảm 21,9% theo năm. Theo số liệu từ 19/2 đến ngày 18/3 của Cục Hàng không Việt Nam, có hơn 21.000 chuyến bay của hãng hàng không của Việt Nam, giảm 37,9% theo tháng và 25,6% theo năm. Tính chung trong quý 1, các hãng hàng không Việt Nam đã thực hiện 77.530 chuyến bay, giảm 4,5% theo năm.

Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) ước tính lượng khách du lịch quốc tế đến trên thế giới sẽ giảm trong khoảng 20-30% trong năm 2020, dẫn đến sự sụt giảm từ 30-50 tỉ USD chi tiêu khách du lịch.

Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, trường hợp khả quan nhất là du lịch Việt Nam trong năm 2020 sẽ đón 5,5 triệu lượt khách quốc tế, giảm 70% theo năm.

“Sự phụ thuộc của Việt Nam vào thị trường khách nội địa (82,5% tổng lượng khách năm 2019) và những thị trường quốc tế chính như Trung Quốc và Hàn Quốc có thể sẽ là lợi thế lớn khi những thị trường này có nhiều khả năng sẽ phục hồi và mở cửa du lịch sớm nhất”, ông Griffiths nhận định.

Lãnh đạo Savills cũng dự báo, từ năm 2020 trở đi, hơn 10.000 phòng khách sạn sẽ đi vào hoạt động, với gần 59% các khu vực nội thành. Các khách sạn 5 sao sẽ dẫn đầu nguồn cung trong tương lai với 65%, và 64% số đó tại khu vực nội thành.

Sáu dự án dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2020 với hơn 1.100 phòng, trong đó 75% số lượng được quản lý bởi các tập đoàn quốc tế như Accor, Capella, Marriott. Tuy nhiên, tác động của virus Corona có thể làm đình trệ thời hạn hoàn thành của các dự án này.

Trong quý 1-2020, hầu hết khách sạn cao cấp ở TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang đều sụt giảm về doanh thu. Riêng thị trường Hà Nội và TP. HCM sụt giảm tới 70-80% doanh thu khách sạn. Giá thuê phòng không giảm nhiều nhưng công suất phòng giảm rất mạnh.

Cho dù dịch bệnh được kiểm soát vào tháng 3 hay tháng 6 thì bất động sản nghỉ dưỡng cũng là phân khúc chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Không có chuyện sụt giảm 5-10% mà gần như toàn thị trường khách sạn, nghỉ dưỡng bị đóng băng, một vài doanh nghiệp đã phải phá sản, chủ yếu khách sạn quy mô nhỏ.

Nhìn vào đại dịch SARS năm 2002 – 2003 có thể thấy, tùy vào từng thị trường, việc phục hồi kéo dài từ 6-18 tháng, riêng khả năng phục hồi của thị trường khách sạn Việt Nam thời điểm đó là 6-9 tháng.

Còn đối với dịch bệnh Covid-19, do mức độ và phạm vi ảnh hưởng lớn hơn nhiều nên phân khúc thị trường khách sạn ít nhất sẽ phải mất 9 tháng trở lên mới có thể phục hồi lại được.

Bà Dương Thuỳ Dung, Giám đốc cấp cao của CBRE Việt Nam

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.