28/11/2022 7:46 AM
Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa gởi văn bản kiến nghị Tổ công tác của Thủ tướng khẩn trương xem xét, tháo gỡ khó khăn cho một số doanh nghiệp và dự án điển hình, làm tiền lệ để giải quyết các trường hợp tương tự.

Đề xuất tháo gỡ cho 143 dự án

Bản kiến nghị gồm 11 nội dung xoay quanh việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và dự án để tạo niềm tin cho doanh nghiệp và thị trường bất động sản, trong đó có 143 dự án tại TP.HCM theo chủ trương “không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự” và thực hiện “thu hồi triệt để tài sản nhà nước bị thất thoát do tham nhũng, tiêu cực”.

HoREA kiến nghị nên để các doanh nghiệp liên quan chịu trách nhiệm nộp nghĩa vụ tài chính bao gồm cả nghĩa vụ tài chính bổ sung (nếu có) vào ngân sách nhà nước theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, để cho dự án được tiếp tục triển khai thực hiện góp phần phát triển kinh tế và tăng nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở cho thị trường.

Hiệp hội cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương ban hành “quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chí, quy mô, tỷ lệ để tách thành dự án độc lập” đối với các diện tích đất do Nhà nước quản lý (đất công) nằm xen kẽ trong dự án nhà ở thương mại để tháo gỡ ách tắc của các dự án và tăng nguồn cung nhà ở.

HoREA kiến nghị Tổ công tác của Thủ tướng xem xét, tháo gỡ khó khăn cho một số doanh nghiệp và dự án điển hình

Chủ tịch HoREA, ông Lê Hoàng Châu, cho rằng pháp lý là vướng mắc lớn nhất, chiếm 70% khó khăn của các dự án bất động sản, nhà ở trong quá trình chuẩn bị đầu tư, xây dựng và kinh doanh.

Vướng mắc lớn thứ hai là thủ tục hành chính rắc rối, phức tạp, thiếu đồng bộ, liên thông làm kéo dài thời gian thực hiện các thủ tục hành chính đối với các dự án bất động sản, nhà ở thương mại và cả dự án nhà ở xã hội (mất khoảng 3-5 năm). Việc này thậm chí làm mất cơ hội kinh doanh và tăng chi phí đầu tư của doanh nghiệp.

Đề nghị cho gia hạn kỳ hạn của trái phiếu thêm một năm

Trong văn bản, HoREA cũng đề nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ, cho phép gia hạn kỳ hạn của trái phiếu thêm một năm để giảm áp lực và tăng niềm tin cho thị trường trái phiếu.

Cụ thể, HoREA đề nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định 65 theo hướng quy định chặt chẽ để đảm bảo nâng cao năng lực của doanh nghiệp phát hành trái phiếu, đơn vị tư vấn đánh giá tín nhiệm, đơn vị tư vấn phát hành trái phiếu.

HoREA cũng đề nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ, cho phép gia hạn kỳ hạn của trái phiếu thêm một năm

HoREA cho hay các biện pháp mà doanh nghiệp phát hành trái phiếu đã thực hiện là mua lại trái phiếu trước thời hạn (khoảng 147.000 tỉ đồng trong 10 tháng đầu năm 2022), thỏa thuận hoán đổi trái phiếu lấy nhà ở của dự án với mức chiết khấu hấp dẫn (gần đây các doanh nghiệp đã giảm giá bán nhà, chiết khấu đến 40 - 50% giá bán cũ) hoặc đàm phán gia hạn kỳ hạn của trái phiếu.

Ngoài ra, đề nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép nhà đầu tư cá nhân không phải là “nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp” được đầu tư, mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với một tỷ lệ nhất định thông qua ủy thác cho công ty chứng khoán, đại lý phát hành có năng lực bằng các hợp đồng thương mại để đầu tư trái phiếu theo quy định.

Đồng thời các nhà đầu tư mua trái phiếu là cá nhân phải có văn bản cam kết đã hiểu rõ và tự chịu trách nhiệm về đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ theo quy định tại Nghị định 65.

HoREA cũng đề nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét cho phép Công ty Quản lý tài sản (VAMC) và ngân hàng thương mại mua lại trái phiếu doanh nghiệp và chỉ cần Chính phủ có ý kiến cho phép các tổ chức này mua lại trái phiếu doanh nghiệp thì sẽ làm tăng niềm tin cho thị trường trái phiếu và các nhà đầu tư.

Liên quan đến việc mua lại trái phiếu doanh nghiệp, FiinRatings nêu một số phương án khả thi đang được các doanh nghiệp áp dụng như: gia hạn kỳ trả nợ có thanh toán, gia hạn kỳ trả nợ không cần thanh toán, hay “hàng đổi hàng”. Các giải pháp này giúp nhà phát hành không bị áp lực dòng tiền và nhà đầu tư vẫn có thể thu hồi khoản đầu tư trong tương lai mà không phải cắt lỗ.

“Để chuẩn bị cho các tình huống khi có một số doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ nợ và nhằm gỡ bỏ nút thắt cho kênh vốn trái phiếu doanh nghiệp, chúng tôi cho rằng nên có các hướng dẫn cụ thể về xử lý vấn đề tái cấu trúc nợ trái phiếu và xử lý trọng các tình huống không mong muốn xảy ra khi có các trường hợp vi phạm nghĩa vụ thanh toán nợ trái phiếu”, FiinRatings cho biết.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.