23/04/2021 8:01 AM
CafeLand - Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất các giải pháp giúp ngăn chặn những cơn sốt đất, sốt giá nhà như đã thấy thời gian vừa qua.

Theo HoREA, từ năm 2017 đến nay, thị trường bất động sản lặp đi lặp lại nhiều đợt sốt đất, nhất là cơn sốt đất xảy ra liên tiếp trên diện rộng hiện nay, gây ra nhiều hệ quả tiêu cực.

Sốt đất làm mất cơ hội tạo lập nhà ở của số đông người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, công nhân lao động và người nhập cư, ảnh hưởng đến an sinh và trật tự xã hội.

Theo HoREA, thủ phạm chính của các đợt sốt đất, sốt giá nhà là giới đầu nậu, những môi giới, doanh nghiệp bất lương và trong một số trường hợp đã có sự móc nối, tiếp tay của cán bộ cơ sở.

Sau mỗi cơn sốt, giá nhà đất bị đẩy lên quá cao so với giá trị thực, tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư, gây khó khăn trong việc thu hút các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn.

Từ đó, hiệp hội đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét các gói giải pháp có thể đặc trị sốt đất và bình ổn giá nhà.

Sau mỗi cơn sốt, giá nhà đất bị đẩy lên quá cao so với giá trị thực

Đánh thuế chuyển nhượng cao

HoREA đề xuất đánh thuế thu nhập với thuế suất cao đối với hành vi bán, chuyển nhượng lại nhà, đất ngay sau khi tạo lập, để triệt tiêu ý chí đầu cơ của nhà đầu tư lướt sóng. Đồng thời, xem xét quy định mức thuế suất cao nếu bán, chuyển nhượng lại nhà, đất trong năm đầu tiên và giữ mức thuế suất cao trong năm thứ hai, thứ ba.

Các trường hợp bán, chuyển nhượng nhà, đất sau khi tạo lập được 03 năm, hoặc chứng minh được nhu cầu bán, chuyển nhượng nhà, đất là chính đáng, thì áp dụng thuế suất bình thường. Như vậy, sắc thuế này sẽ không ảnh hưởng đến người mua nhà để ở, có nhu cầu tạo lập nhà ở thực.

Áp dụng thuế suất lũy tiến

Hiệp hội đề xuất nguyên tắc là người sở hữu nhà đất dùng để ở thì chịu mức thuế thấp nhất. Người sở hữu nhiều nhà đất mà không dùng để ở, hoặc không sử dụng để sản xuất, kinh doanh, thì chịu mức thuế suất lũy tiến tùy theo số lượng nhà đất sở hữu.

Sắc thuế này sẽ điều chỉnh và định hướng hành vi mua, bán, chuyển nhượng nhà, đất trên thị trường bất động sản hướng đến mục tiêu phát triển lành mạnh, ổn định, vừa đáp ứng đúng nhu cầu thực (mua nhà để ở) của người tiêu dùng, vừa đáp ứng nhu cầu đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư thứ cấp (mua nhà đất để đầu tư, cho thuê), vừa vẫn giải quyết được nhu cầu cất giữ tài sản bằng nhà, đất của người dân.

Thuế chậm đưa đất vào sử dụng

Hiện nay, pháp luật về đất đai quy định người sử dụng đất được gia hạn 24 tháng kể từ ngày hết hạn sử dụng đất và phải nộp bổ sung khoản tiền trong thời gian được gia hạn theo quy định của Bộ Tài chính.

Nhưng ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho rằng chế tài này chưa đủ sức răn đe, chưa ngăn chặn tình trạng chậm đưa đất vào sử dụng, vì khả năng lợi nhuận thu được sau này sẽ thừa bù đắp khoản tiền phải nộp bổ sung.

Do vậy, cần có sắc thuế đánh trên hành vi của người sử dụng đất chậm đưa đất vào sử dụng, với thuế suất cao nhằm triệt tiêu ý chí găm giữ đất, chậm đưa đất vào sử dụng và để chống đầu cơ đất đai.

Thuế nhà ở

Hiện nay, người sở hữu nhà chưa phải nộp thuế tài sản nhà ở, mà mới chỉ phải nộp “thuế sử dụng đất phi nông nghiệp”. Trong đó có đất ở với thuế suất trong hạn mức là 0,03% bảng giá đất, nên mức nộp thuế gần như không đáng kể.

Hiệp hội nhất trí với đề xuất của Bộ Tài chính về việc cần thiết xem xét ban hành thuế bất động sản đánh trên giá trị nhà và đất để tạo nguồn thu ổn định và bền vững cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, cần cân nhắc kỹ thuế suất, để đảm bảo phù hợp với thu nhập phổ biến của số đông cá nhân, hộ gia đình là người có thu nhập trung bình, có thu nhập thấp.

Để không xảy ra tình trạng thuế chồng thuế, hiệp hội đề xuất thay thế thu “tiền sử dụng đất” bằng “Thuế đánh trên hành vi chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp thành đất ở”, với thuế suất rõ ràng, vừa góp phần làm giảm giá thành dẫn đến làm giảm giá bán nhà, vừa minh bạch và loại trừ cơ chế “xin-cho”.

Kiểm soát tín dụng

Bên cạnh đó, HoREA kiến nghị kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực bất động sản; sử dụng biện pháp giảm tỷ lệ cho vay tín dụng mua bất động sản để kiểm soát đầu tư lướt sóng.

Hiện nay, ngân hàng cho vay tối đa đến 70% giá trị hợp đồng mua bất động sản. Khi xảy ra đầu cơ, sốt nóng bong bóng bất động sản, hiệp hội đề xuất Ngân hàng Nhà nước xem xét giảm ngay tỷ lệ cho vay xuống còn 50%, thậm chí chỉ còn 35%, để ngăn chặn đầu cơ, lướt sóng.

Liên quan đến tín dụng bất động sản, trao đổi tại một tọa đàm mới đây, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho biết nếu trong giai đoạn trước tín dụng bất động sản chiếm 35-40% tổng dư nợ thì hiện nay dư nợ cho vay lĩnh vực bất động sản khoảng 350.000 tỉ đồng, chiếm khoảng 13,5% trong tổng dư nợ.

Theo ông Minh, việc quản lý nguồn vốn tín dụng chảy vào bất động sản là hợp lý, trong tầm kiểm soát. “Trong quá khứ, nhiều ngân hàng đã có những bài học thấm thía về cho vay bất động sản, nhất là trong những cơn sốt đất. Do đó, họ rất thận trọng cho vay, để tránh nợ xấu”, ông Minh nói thêm

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.