Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi đến Quốc hội và các ủy ban của Quốc hội để góp ý dự thảo Luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Trong văn bản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho rằng hiệp hội tán thành việc bãi bỏ quy định về việc cho phép doanh nghiệp bảo hiểm được sử dụng vốn nhàn rỗi của mình để kinh doanh bất động sản.

Tuy nhiên, Hiệp hội đề nghị cho phép doanh nghiệp bảo hiểm được sử dụng vốn nhàn rỗi của mình để đầu tư bất động sản theo quy định của Chính phủ để phù hợp với nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị.

HoREA kiến nghị cho phép doanh nghiệp bảo hiểm được sử dụng vốn nhàn rỗi để kinh doanh bất động sản

Theo đó, nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị đã đặt ra các mục tiêu, trong đó đến 2035 nguồn vốn huy động cho nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm chiếm 20% - 30% tổng nguồn vốn đầu tư dài hạn. Đến năm 2045 mục tiêu này chiếm 30% - 50%; và khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế.

“Do vậy, dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) quy định doanh nghiệp bảo hiểm không được phép đầu tư bất động sản là chưa phù hợp với chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế”, ông Châu cho biết.

Hiệp hội cho rằng rất cần thiết cho phép doanh nghiệp bảo hiểm dùng vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ để đầu tư tài chính, đầu tư vốn vào một số lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực bất động sản (nhưng không được thực hiện hoạt động kinh doanh bất động sản). Việc này tương tự như nhiều nước cho phép doanh nghiệp bảo hiểm được đầu tư tài chính.

Bởi vì nguồn vốn bảo hiểm cũng là một nguồn vốn xã hội hóa rất lớn cần được khai thác, sử dụng hiệu quả sẽ bổ sung thêm một nguồn vốn đầu tư, góp phần chia sẻ bớt áp lực cho các tổ chức tín dụng.

Việc cho phép doanh nghiệp bảo hiểm dùng vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ để đầu tư tài chính, đầu tư vốn vào lĩnh vực bất động sản vẫn đảm bảo phù hợp với quy định “không cho phép doanh nghiệp bảo hiểm được sử dụng vốn nhàn rỗi của mình để kinh doanh bất động sản”.

Về mức vốn mà doanh nghiệp bảo hiểm được phép đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, HoREA cho rằng quy định “doanh nghiệp bảo hiểm được sử dụng vốn nhàn rỗi của mình để đầu tư tài chính, góp vốn vào lĩnh vực bất động sản với mức tối đa 10% đối với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, tối đa 20% đối với doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ” là phù hợp và vẫn phải đảm bảo thực hiện nguyên tắc doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm tự chịu trách nhiệm về hoạt động đầu tư, bảo đảm tính an toàn, hiệu quả và thanh khoản.

Theo dự thảo luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), doanh nghiệp bảo hiểm, tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, tái bảo hiểm... không được kinh doanh bất động sản, đầu tư chứng khoán phái sinh, kim loại quý, đá quý, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài…

Liên quan Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đã có góp ý trong phiên thảo luận chiều 27/5.

Tán thành với quy định không cho phép doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh bảo hiểm nước ngoài kinh doanh bất động sản, song đại biểu Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) cũng đề nghị cần bổ sung, làm rõ doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh bảo hiểm nước ngoài có được tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp là công ty con để kinh doanh bất động sản hay không. Nếu có thì có giới hạn tỷ lệ vốn góp của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh bảo hiểm nước ngoài không cũng cần được làm rõ.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.