CafeLand - Các cuộc khảo sát khác nhau cho thấy Hồng Kông dường như đã không còn được các nhà đầu tư bất động sản toàn cầu ưa chuộng như trước, ngay cả khi họ đang tăng cường phân bổ vốn và mở rộng danh mục đầu tư tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Đặc khu hành chính này không nằm trong số 10 điểm đến hàng đầu trong cuộc khảo sát do Hiệp hội các nhà đầu tư bất động sản không niêm yết ở châu Á và châu Âu. Năm 2020 và 2021, Hồng Kông đều đứng ở vị trí thứ 11, tụt hạng so với vị trí thứ 9 mà thành phố này đạt được cùng với Macau vào năm 2019.

Cuộc khảo sát này được thực hiện vào tháng 1 hằng năm, thăm dò 84 tổ chức đầu tư và 15 quỹ hiện đang quản lý khối bất động sản trị giá tối thiểu 846 tỷ đô la Mỹ. Khoảng 77% người được hỏi cho biết đại dịch đã không thay đổi kế hoạch đầu tư của họ tại châu Á - Thái Bình Dương, và 22% nói rằng tăng cường đầu tư vào khu vực này.

“Về cơ bản, các nhà đầu tư cho biết đại dịch không ảnh hưởng đến kế hoạch của họ, và 22% người được hỏi thậm chí còn nói rằng Covid-19 đã thúc đẩy việc tăng cường đầu tư vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, Amelie Delaunay, Giám đốc bộ phận nghiên cứu và tiêu chuẩn chuyên môn tại công ty Anrev có trụ sở tại Hồng Kông, cho biết.

Các nhà đầu tư vẫn còn nhiều nguồn vốn để huy động và thị trường bất động sản thường ít biến động so với các ngành khác. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang thu hút các nhà đầu tư tìm cách đa dạng hóa danh mục, cũng như các tổ chức mong muốn cân bằng lại danh mục đầu tư của họ, Delaunay nói.

Về dài hạn, 72% số người được hỏi cho biết, họ có khả năng tăng đầu tư vào khu vực này trong hai năm tới, cao hơn tỷ lệ những người muốn gia tăng nguồn vốn cho các khu vực khác.

Sydney, Melbourne và Tokyo là ba điểm đến đầu tư bất động sản được ưa thích nhất, trong khi các thành phố cấp 1 ở Trung Quốc đại lục chiếm vị trí thứ tư. Singapore đứng ở vị trí thứ chín.

“Hồng Kông là một thị trường có tính thanh khoản cao với các giao dịch lớn và vẫn được nhiều nhà đầu tư rất ưa chuộng. Điều này có thể thấy qua thương vụ Gaw Capital mua lại dự án Cityplaza One ở Taikoo Shing với giá 1,27 tỷ USD, và Kailong mua lại dự án Hang Fat Industrial Building ở Cheung Sha Van trị giá 124,5 triệu USD. Nhưng các thị trường khác, chẳng hạn như Úc và Nhật Bản, có xu hướng dễ tiếp cận hơn với các nhà đầu tư nước ngoài và quy mô lớn hơn, do đó chúng trở nên hấp dẫn hơn trong bảng xếp hạng”, Delaunay nói.

Hồng Kông cũng không đạt thứ hạng cao trong cuộc khảo sát do CBRE thực hiện vào tháng 11 và 12/2020 liên quan tới kế hoạch năm 2021 của 490 nhà đầu tư có trụ sở tại châu Á – Thái Bình Dương. Thành phố này chỉ xếp thứ 14 trong khi Tokyo, Singapore và Seoul là những điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất.

Hồng Kông từng là điểm đến đầu tư xuyên biên giới hấp dẫn thứ bảy và thứ tám trong các cuộc khảo sát năm 2019 và 2020. CBRE cho biết: “Trong khi đặc khu hành chính Hồng Kông rơi khỏi top 10, một số nhà đầu tư nước ngoài được cho là đang xem xét các cơ hội trên thị trường này sau đợt điều chỉnh giá gần đây”.

Cuộc khảo sát cho thấy Tokyo vẫn là thành phố được ưa thích nhất cho đầu tư xuyên biên giới nhờ bất động sản có chất lượng và tính thanh khoản cao. Các thành phố cửa ngõ như Singapore cũng vẫn hấp dẫn với các nhà đầu tư.

“Mặc dù Hồng Kông đã rời khỏi top 10, nhưng chúng tôi nhận thấy sự quan tâm đang dần trở lại từ các quỹ và các tổ chức đầu tư. Một giao dịch đáng chú ý là việc Gaw Capital mua lại Cityplaza One”, Henry Chin, Trưởng bộ phận nghiên cứu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của CBRE, cho biết.

Các điểm đến đầu tư đáng chú ý khác trong khu vực bao gồm Seoul và Thành phố Hồ Chí Minh, lần đầu tiên lọt vào top 3 và 5 của bảng xếp hạng. Những cái tên mới xuất hiện trong top 10 bao gồm ba thành phố của Trung Quốc, cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư vào sự phục hồi của quốc gia này, CBRE cho biết.

Tuy vậy, bất động sản văn phòng tại Hồng Kông vẫn rất hấp dẫn. Thành phố này xếp thứ tư sau Sydney, Melbourne và Singapore trong báo cáo về Triển vọng nhà đầu tư toàn cầu năm 2021 của Colliers.

“Thị trường văn phòng tại các trung tâm khu vực quan trọng như Sydney, Melbourne, Singapore và Hồng Kông là trọng tâm của các nhà đầu tư trong khu vực. Trong đó, đại dịch được coi là có khả năng đẩy nhanh sự chuyển dịch sang các bất động sản chất lượng cao hơn đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về sức khỏe và tính bền vững”, Colliers nói.

Lam Vy (SMCP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Bất động sản châu Á trở lại mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2024

    Bất động sản châu Á trở lại mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2024

    Sau khi trải qua năm 2023 đầy thử thách với lãi suất cao, sự phục hồi yếu hơn dự kiến ở Trung Quốc đại lục và căng thẳng địa chính trị đè nặng lên hoạt động cho thuê và đầu tư, thị trường bất động sản Châu Á Thái Bình Dương đã sẵn sàng cho nửa cuối n...

  • Bất động sản châu Á đang ở đâu?

    Bất động sản châu Á đang ở đâu?

    Ngành bất động sản châu Á đang phải đối mặt với nhiều thách thức đa dạng khi tình hình kinh tế và địa chính trị bấp bênh cũng như mối đe dọa biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, triển vọng của thị trường này lại vượt trội so với phần còn l...

  • Ngành xây dựng châu Á tiếp tục gặp khó do thiếu lao động và lãi suất cao

    Ngành xây dựng châu Á tiếp tục gặp khó do thiếu lao động và lãi suất cao

    Theo báo cáo thị trường của công ty tư vấn xây dựng toàn cầu Linesight công bố vào ngày 21/03, tình trạng thiếu lao động lành nghề và lãi suất tăng trong thời gian dài tiếp tục ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của ngành xây dựng khu vực vào năm 2...

 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.