17/05/2023 11:26 AM
Bị cáo Nguyễn Thái Luyện xin nhận án tù chung thân với nguyện vọng giảm hình phạt cho các bị cáo khác. Bị cáo Võ Thị Thanh Mai bật khóc xin cộng án của người khác cho bị cáo, mong tòa giảm nhẹ hình phạt cho những bị cáo khác.

Nguyễn Thái Luyện nêu lý lẽ để giảm hình phạt cho đồng phạm

Phiên xét xử phúc thẩm vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền liên quan đến Công ty địa ốc Aliaba kết thúc phần tranh luận với lời nói sau cuối của các bị cáo.

Bị cáo Nguyễn Thái Luyện xin y án chung thân. Ảnh: Công an TP.HCM

Ghi nhận của báo Dân Trí, sau khi đưa ra các ý kiến nêu quan điểm không đồng tình với cáo trạng vụ án, bị cáo Nguyễn Thái Luyện đã thừa nhận mình là chủ mưu, lên các kế hoạch, định hướng đi cho công ty. Những bị cáo còn lại trong vụ án chỉ là người làm công ăn lương, làm theo sự chỉ đạo của Luyện.

"Dù sao cũng cần có người chịu trách nhiệm sau cùng, bị cáo không xin giảm nhẹ hình phạt, xin y án tù chung thân nhưng xin HĐXX xem xét giảm nhẹ cho các bị cáo trong vụ án để họ sớm có cơ hội làm lại cuộc đời", bị cáo Luyện trình bày.

Luyện nói trong vụ án này, các bị cáo từng là thuộc cấp của mình cũng là bị hại vì họ đã dùng tiền cá nhân, người thân để đầu tư vào các dự án của công ty. Từ đó, bị cáo đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho cấp dưới.

Bị cáo bảo lưu quan điểm mình có khả năng khắc phục hậu quả dự án, mong HĐXX xem xét tình tiết này để làm cơ sở giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo khác. Nếu được định giá lại tài sản thì bán các thửa đất đang kê biên số tiền thu về cũng dư để bồi thường cho các bị hại”, bị cáo Luyện nói.

Nguyễn Thái Luyện cũng trình bày thêm, trong quá trình hoạt động Công ty Alibaba có nhiều đóng góp cho xã hội, được tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Từ đó, bị cáo đề nghị HĐXX ghi nhận để giảm nhẹ cho các bị cáo trong vụ án.

Võ Thị Thanh Mai bật khóc

Theo báo Đầu Tư, sau khi nghe chồng nói lời sau cuối, bị cáo Võ Thị Thanh Mai đã không kiểm chế được cảm xúc, bật khóc thành tiếng. Người phụ nữ này xin tòa giảm nhẹ hình phạt cho chồng, 3 người em và các bị cáo còn lại trong vụ án.

"Đối với bị cáo, mức án 30 năm tù như án tử hình, không còn ngày trở về. Bị cáo xin nhận hết tội, tòa có thể cộng án của người khác cho bị cáo, mong tòa giảm nhẹ hình phạt cho những bị cáo khác", bị cáo Mai nói trong nước mắt.

Bị cáo Võ Thị Thanh Mai xin được chịu án thay các bị cáo khác. Ảnh: Thanh Niên

Những bị cáo còn lại trong vụ án trình bày các tình tiết giảm nhẹ mong tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho mình.

Tại buổi làm việc chiều 15/5, HĐXX thông báo đã nhận được phiếu thu do các luật sư bào chữa cho bị cáo Võ Thị Thanh Mai nộp. Các phiếu thu của Cục Thi hành án dân sự TPHCM thể hiện ông Lê Viết An nộp 6 tỷ đồng thay Võ Thị Thanh Mai khắc phục hậu quả của tội Rửa tiền. Đồng thời, ông Lê Viết An cũng nộp thay Nguyễn Thái Luyện và Võ Thị Thanh Mai mỗi bị cáo 200 triệu đồng khắc phục hậu quả tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Do tính chất phức tạp của vụ án nên HĐXX quyết định nghị án kéo dài và sẽ đưa ra phán quyết vào ngày 19/5.

Theo cáo trạng của vụ án, năm 2016, Luyện thành lập Công ty CP địa ốc Alibaba với vốn điều lệ 1 tỷ đồng. Tiếp đó, Luyện thành lập 22 pháp nhân, giao cho người thân và nhân viên đứng tên. Luyện và các đồng phạm rao bán 58 dự án bất động sản không có thật tại Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận. Các công ty này đã tự phân lô, tách thửa trái pháp luật, quảng cáo gian dối để bán cho hàng nghìn người.

Cuối năm 2022, TAND TP.HCM tuyên phạt Luyện mức án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; phạt Mai 30 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội rửa tiền.

Đồng thời, tòa còn buộc vợ chồng bị cáo Luyện phải liên đới bồi thường cho hơn 4.500 bị hại với số tiền hơn 2.400 tỷ đồng.

Bá Di (Tổng hợp)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.