17/04/2019 1:08 PM
CafeLand - Ngành hàng không Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ qua khi mức tăng trưởng trong 5 năm liên tục đều đạt 2 con số. Đây được xem là cơ hội lớn mở đường cho bất động sản nghỉ dưỡng phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Hàng không cất cánh, du lịch tăng trưởng

Ông Phạm Văn Hảo, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho biết các tổ chức quốc tế đánh giá hàng không Việt Nam thuộc diện tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với tốc độ tăng luôn đạt mức 2 con số. Năm 2012, sản lượng khách thông qua các cảng chỉ đạt hơn 37 triệu lượt. Đến năm 2019, dự báo riêng sản lượng hành khách qua 21 cảng do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đang khai thác sẽ đạt hơn 112 triệu lượt khách.

Sự phát triển mạnh mẽ của nghành hàng không mở ra nhiều cơ hội cho du lịch phát triển. Ở chiều ngược lại, nhờ sự phát triển thêm hãng hàng không và đường bay mới mà nhiều điểm đến ngày càng trở nên hấp dẫn trong mắt du khách.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam trong quý 1-2019 ước tính đạt 4,5 triệu lượt người, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến bằng đường hàng không đạt 3,5 triệu lượt người, tăng 4,5%. Đó là chưa kể đến hàng chục triệu lượt khách du lịch nội địa, không ít trong số đó di chuyển bằng máy bay.

Những gì đang diễn ra cho thấy, sự cạnh tranh nhắm đến thị trường du lịch của các ông lớn hàng không ngày càng rõ rệt. Các hãng đang chuyển hướng sang thị trường ngách và hợp tác chiến lược để tìm kiếm khách hàng mới.

Vừa khai thác chuyến bay đầu tiên cách đây không lâu, Bamboo Airways dự kiến trong năm 2019 sẽ khai thác 37 – 40 đường bay nội địa, kết nối các thành phố lớn trong nước và các điểm du lịch nổi tiếng.

Là kẻ “sinh sau đẻ muộn” nhưng lại có lợi thế khi nắm trong tay các khu nghỉ dưỡng quy mô của FLC, Bamboo Airways định hướng kết nối khách hàng đến các dịch vụ trọng gói. Tại những điểm đến có các khu nghỉ dưỡng cao cấp do Tập đoàn FLC sở hữu, khách hàng được khuyến khích sử dụng trọn gói dịch vụ bay, nghỉ dưỡng và chơi golf thông qua các combo có mức giá tốt.

Ông Đặng Tất Thắng, Phó Chủ tịch thường trực hãng hàng không Bamboo Airways, cho biết chiến lược cơ bản của hãng là khai thác thị trường ngách, thay vì tập trung vào các sân bay đông đúc như Tân Sơn Nhất, Nội Bài. Bamboo Airways hãng hướng tới kết nối những điểm đến có tiềm năng về du lịch nhưng chưa được khai thác triệt để như Quy Nhơn, Nha Trang, Đà Nẵng, Đồng Hới, Phú Quốc, Buôn Ma Thuột, Vinh, Thanh Hóa, Đà Lạt, Pleiku…

Sự cạnh tranh nhắm đến thị trường du lịch của các ông lớn hàng không ngày càng rõ rệt.

Trước đó, vào tháng 10/2018, Vietnam Airlines và Tập đoàn Vingroup đã bắt tay hợp tác. Mục tiêu của thỏa thuận là xây dựng các sản phẩm kết hợp hàng không và du lịch trên toàn bộ mạng đường bay của Vietnam Airlines và cơ sở lưu trú du lịch của Vinpearl.

Đồng thời, hai bên hợp tác đầu tư, phát triển đường bay dưới hình thức thường lệ, thuê chuyến từ các điểm nội địa và quốc tế tới các cơ sở du lịch, vui chơi giải trí của Vinpearl.

Hãng hàng không giá rẻ VietJet Air cũng từng đưa ra ưu đãi để thu hút du khách đến với các khu nghỉ dưỡng trong hệ thống tập đoàn mẹ Sovico. Chẳng hạn như hợp tác cùng Furama Resort Đà Nẵng cung cấp cho du khách gói tổ chức hội nghị, hội thảo kết hợp nghỉ dưỡng với giá tốt.

“Chúng ta đang ở trước ngưỡng cửa cơ hội phát triển rất lớn. Thay vì nói câu chuyện cạnh tranh và các đối thủ chiến đấu với nhau, chúng tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ lôi kéo khách của bên nào, mà luôn xác định trước hết phải làm thật tốt công việc, làm thật tốt dịch vụ của mình và có sáng tạo”, ông Thắng của Bamboo Airways cho biết.

Tiếp sức cho du lịch nghỉ dưỡng phát triển

Theo giới chuyên gia, trong chiến lược cạnh tranh giữa các hãng hàng không thì người hưởng lợi nhiều nhất chính là người tiêu dùng. Vì khi các hãng hàng không và doanh nghiệp có dự án bất động sản phục vụ du lịch nghỉ dưỡng kết hợp để đưa ra những sản phẩm theo gói thì chi phí sẽ giảm đi rất nhiều.

Ông Hảo của Cục Hàng không Việt Nam nhận định, tính cạnh tranh trên thị trường hàng không hiện tại là “thiết thực, bổ ích, không chỉ cho lĩnh vực hàng không, mà cho cả những đơn vị có liên quan đến ngành hàng không”.

Theo ông Hảo, bức tranh hàng không của Việt Nam đẹp như hiện nay có phần không nhỏ nhờ sự tham gia của tư nhân, như Bamboo Airways, SunGroup với cảng hàng không Vân Đồn, mang lại rất nhiều lợi ích cho cộng đồng, cho khách đi máy bay.

Ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ thị trường Tổng cục du lịch, cho rằng các hãng không cần các đường bay và hạ tầng. Các địa phương như Quảng Ninh, Bình Định, Thanh Hóa đều là điểm đến hấp dẫn thì sẽ có các nhà đầu tư, các hãng hàng không vào cuộc.

Điển hình như trường hợp của Bình Định. Cách đây 3-4 năm, nhắc đến sân bay Phù Cát nhiều người không biết, nhưng với sự xuất hiện của các ông lớn trong ngành bất động sản, tiềm năng du lịch nơi đây đã được đánh thức.

Với doanh nghiệp du lịch, các doanh nghiệp du lịch đã hợp tác với hàng không đưa khách hàng tới. Bản thân nhiều doanh nghiệp cũng tích cực đổi mới, chẳng hạn FLC đã tạo nên một combo cho khách từ du lịch đến hàng không. Như vậy sẽ đa dạng hoá sản phẩm, hấp dẫn và thu hút khách.

Từ một sân bay Nhà nước phải hỗ trợ giá cho Vietnam Airlines, hiện mỗi ngày sân bay Phù Cát đã có 20 chuyến bay đến. Dù chưa có sân bay quốc tế, nhưng Phù Cát đã đón hơn 300.000 khách quốc tế trong năm 2018. Từ chỗ chỉ ước mong có 1 - 2 triệu khách du lịch mỗi năm, quý 1-2019 vừa qua, Quy Nhơn đã đón hơn 1 triệu khách du lịch.

Chính lượng khách du lịch tăng trưởng đã tạo cơ hội mạnh mẽ cho bất động sản phục vụ du lịch nghỉ dưỡng ở các địa phương như Bình Định phát triển.

Điển hình như sân bay Vân Đồn (Quảnh Ninh) khai trương vào cuối năm 2018 được xem là một trong những cú hích mạnh mẽ khiến bất động sản khu vực này dậy sóng trong thời gian dài. Hay sân bay Phan Thiết quy mô vốn 10.000 tỉ đồng tạo nền tảng biến Mũi Né thành thiên đường du lịch phía nam. Nhờ dự án hạ tầng nổi bật này cùng với những lợi thế về tự nhiên, Mũi Né – Phan Thiết vài năm trở lại đây liên tục chứng kiến sự đổ bộ của hàng loạt chủ đầu tư với những dự án nghỉ dưỡng tỉ đô.

Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao của Công ty CBRE Việt Nam, nhận định trong số rất nhiều hạng mục quan trọng của cơ sở hạ tầng, sân bay và sự kết nối các đường bay là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Điều này có thể nhìn rõ qua một loạt các vị trí gần đây.

Cụ thể, du lịch Khánh Hòa cất cánh và phát triển khi chúng ta có đường bay quốc tế đến Nha Trang. Đà Nẵng trong ba năm gần đây và đặt biệt trong năm 2017 thu hút đột biến khách du lịch quốc tế là nhờ có đường bay kết nối với các thành phố trong khu vực châu Á và Đông Nam Á.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.