Heart X1 dự kiến sẽ cất cánh lần đầu tiên tại Sân bay quốc tế Plattsburgh ở phía bắc New York vào năm 2025 - Ảnh Patrik Olsson/Newatlas.
Heart Aerospace, được thành lập vào năm 2019 tại Gothenburg, đã thu hút sự chú ý của thế giới khi huy động được 145 triệu USD để phát triển các máy bay điện và định hình lại ngành hàng không khu vực. Heart X1, máy bay trình diễn của công ty, sẽ thử nghiệm công nghệ đẩy điện tiên tiến, được thiết kế để giảm thiểu phát thải và tăng hiệu quả vận hành.
Heart X1 có kích thước tương tự như mẫu máy bay thương mại 30 chỗ ngồi ES-30 mà công ty dự kiến ra mắt trong tương lai. Với sải cánh 32m, X1 sẽ thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên tại Sân bay quốc tế Plattsburgh, bang New York, Mỹ.
Heart X1 hiện đang trải qua các cuộc thử nghiệm mở rộng để đảm bảo chuyến bay thử nghiệm an toàn và thành công. Công ty cũng tiết lộ kế hoạch phát triển mẫu Heart X2 vào năm 2026, tích hợp các bài học kinh nghiệm từ X1. X2 sẽ thử nghiệm hệ thống động cơ hybrid độc lập mới, mang đến hiệu suất và độ tin cậy cao hơn.
Heart đặt mục tiêu thương mại hóa máy bay điện vào năm 2028, nhưng trước đó, khối lượng công việc cần hoàn thành vẫn rất lớn. Từ kiểm tra hệ thống quan trọng đến tối ưu hóa thiết kế, mỗi bước đều hướng đến việc đảm bảo rằng máy bay điện không chỉ thân thiện với môi trường mà còn đáp ứng tiêu chuẩn an toàn cao nhất.
Heart Aerospace không phải là công ty duy nhất theo đuổi chuyến bay thương mại không phát thải. ZeroAvia của Thụy Sĩ đang nghiên cứu máy bay lai hydro-điện, trong khi công ty Elysian của Hà Lan lên kế hoạch phát triển máy bay chạy bằng pin có thể chở 90 hành khách vào năm 2033. Cuộc cạnh tranh này thể hiện quyết tâm của ngành hàng không trong việc chuyển đổi sang các giải pháp bền vững hơn.
Được biết, máy bay chạy hoàn toàn bằng điện đã thực hiện các chuyến bay thử nghiệm thành công trước đây. Điển hình là máy bay Alice của công ty Eviation Aircraft (Israel), đã hoàn thành chuyến bay đầu tiên vào ngày 27/9/2022 tại bang Washington, Mỹ. Alice có khả năng chở 9 hành khách và bay quãng đường khoảng 815km sau mỗi lần sạc.
Trước đó, vào tháng 12/2019, một thủy phi cơ thương mại chạy hoàn toàn bằng điện cũng đã thực hiện chuyến bay thử nghiệm tại Vancouver, Canada.
-
Nhà sản xuất máy bay Trung Quốc muốn đẩy mạnh hợp tác tại Việt Nam
Tập đoàn Comac muốn đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp trong nước và trao đổi sâu với Vietjet nhằm đưa máy bay "made in China" vào khai thác tại Việt Nam.
-
Trung Quốc muốn cùng Việt Nam hợp tác nghiên cứu sản xuất, chế tạo máy bay
Tại buổi làm việc giữa Việt Nam và Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Trung Quốc Kim Tráng Long đề xuất Việt Nam tham gia vào không gian vũ trụ do nước này làm chủ và kêu gọi cùng hợp tác trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo máy bay; cùng nhau thúc đẩy phát triển công nghiệp hàng không.