Quá trình xây dựng phương án xử lý kéo dài 10 năm
Ngày 7/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công thương, cho ý kiến về phương án xử lý đối với Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS).
Được biết, DQS hiện đang là đơn vị duy nhất của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có chức năng đóng mới, sửa chữa tàu, phương tiện thủy, có nhiều lợi thế, tiềm năng phát triển.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP
Theo báo cáo của PVN, trong xu thế chuyển dịch năng lượng, DQS có khả năng tham gia vào chuỗi giá trị của PVN trong chiến lược phát triển thành tập đoàn công nghiệp năng lượng. Việc thay thế các đội tàu có tuổi vận hành cao hiện nay là cơ hội lớn cho DQS gia tăng sản lượng sửa chữa, đóng mới tàu, phương tiện thủy.
Việc tái cơ cấu dự án DQS nhằm làm lành mạnh tình hình tài chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và năng lực sản xuất, góp phần khôi phục ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam.
PVN dự kiến 2 kịch bản về kết quả sản xuất kinh doanh giai đoạn 2023-2035 của công ty này.
Kịch bản thứ nhất, tái cơ cấu và chỉ đầu tư thêm cầu tàu và các hạng mục phụ trợ, doanh thu bình quân giai đoạn 2023-2025 khoảng 1.313 tỷ đồng/năm, lợi nhuận bình quân khoảng 64 tỷ đồng/năm.
Kịch bản thứ hai, tái cơ cấu và đầu tư thêm cầu tàu và các hạng mục phụ trợ, hạng mục phá dỡ tàu biển, doanh thu bình quân khoảng 1.499 tỷ đồng/năm, lợi nhuận bình quân khoảng 65 tỷ đồng/năm.
Nhà máy đóng tàu Dung Quất
Thời gian qua, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã có nhiều chỉ đạo. Ủy ban đã tổ chức họp và có nhiều văn bản yêu cầu PVN giải trình, tiếp thu ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo và cơ quan, đơn vị liên quan để xây dựng, hoàn thiện đề xuất về chủ trương, phương án xử lý đối với DQS.
Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Thị Thu Vân, đề án tái cơ cấu DQS đã được đưa vào chương trình công tác năm 2024 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trình Bộ Chính trị vào quý 2/2024.
Theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, quá trình xây dựng phương án xử lý DQS đã kéo dài 10 năm, qua 3 nhiệm kỳ Ban Chỉ đạo, PVN nhiều lần điều chỉnh phương án đề xuất.
Bà Vân cho rằng, phương án đề xuất của PVN là tái cơ cấu doanh nghiệp và để thực hiện được thì cần có cơ chế đặc thù. Tuy nhiên, đến nay cả Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và PVN đều chưa nêu được cơ sở pháp lý rõ ràng, chưa xác định được thẩm quyền, cơ chế chính sách cần báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo tháo gỡ.
Do đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và PVN cần chủ động, quyết liệt hơn, triển khai nghiêm túc, khẩn trương các chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ.
Lãnh đạo PVN phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh VGP
Ý kiến đại diện Bộ Tài chính cũng nhận định hồ sơ đề xuất của PVN chưa làm rõ tính khả thi, tối ưu nhất của phương án xử lý tái cơ cấu, chưa làm việc với các bên liên quan để thống nhất về phương án đề xuất, thời điểm chốt số liệu và các số liệu báo cáo.
Đại diện PVN chia sẻ ngay sau khi tiếp nhận tài sản của Vinashin về PVN, DQS đã phá sản vì các khoản nợ đến hạn doanh nghiệp này đều không trả nợ được. Các tài sản nhận chuyển từ Vinashin về không đúng ngành nghề, không nằm trong chiến lược phát triển của PVN, nhiều tài sản không hình thành tài sản có thể tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh.
Với trách nhiệm của mình, trong những năm qua, PVN đã sử dụng các nguồn lực, giải pháp để quản trị để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của DQS. Nếu tính hạch toán trên các tài sản tham gia vào sản xuất kinh doanh thì từ khi đưa về PVN, DQS đều hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả.
Trên cơ sở đánh giá, so sánh các phương án khác nhau, kết quả hoạt động những năm qua và nghiên cứu đánh giá thị trường, đề án đã nêu rõ, phương án tái cơ cấu là khả thi và ít thiệt hại nhất cho nhà nước và các doanh nghiệp có liên quan.
Chậm nhất ngày 25/3 phải trình đề án tái cơ cấu dự án DQS
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái bày tỏ không hài lòng khi Ban Chỉ đạo đã có nhiều cuộc họp xử lý đối với dự án DQS, nhưng các phương án Ủy ban trình vẫn chưa cụ thể, hợp lý.
Cho rằng “đề xuất ý tưởng tái cơ cấu thì tốt, nhưng nội dung thuyết minh và các giải pháp kèm theo vẫn chưa khả thi, cụ thể, chặt chẽ, thuyết phục”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh phải chọn giải pháp cuối cùng để xử lý dứt điểm, không thể kéo dài mãi, ảnh hưởng tới các cơ quan liên quan.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ, phương án hiện nay mang tính chất hành chính, không rõ ràng. Gốc của vấn đề là tiếp cận không tổng thể, đánh giá chưa đầy đủ.
Do vậy, phải có tiếp cận các giải pháp tổng thể mới xử lý được. Mặt khác, hiện không có sự thống nhất giữa các chủ thể có liên quan, thì chưa thể tìm ra phương án hợp lý.
Muốn giữ lại, tái cơ cấu DQS, phải có giải pháp rõ ràng, đánh giá kết quả đạt được. Phương án xử lý phải tuân theo quy định pháp luật. Với cơ chế đặc thù, cần có ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền.
Theo Phó Thủ tướng thời gian qua PVN đã rất tích cực nhưng tìm giải pháp phù hợp để xử lý dự án DQS là việc khó. Bởi tồn tại đã trải qua nhiều năm, quá trình định giá tài sản chưa làm hết, quyết toán tài sản chưa xong, thâm hụt về nguồn vốn, lỗ lũy kế lớn, tài sản không phản ánh đúng giá trị, nên việc cơ cấu lại rất khó khăn.
Nhấn mạnh, “trường hợp đặc biệt phải có giải pháp đặc biệt, không có giải pháp đặc biệt thì khó vực dậy được”, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tiếp thu, nghiên cứu đầy đủ ý kiến các đại biểu thành viên Ban Chỉ đạo, hoàn thiện đề án, báo cáo Thường trực Chính phủ chậm nhất vào ngày 25/3.
Theo đó, đánh giá lại và đề xuất phương án tối ưu nhất. Phương án phải khả thi, hiệu quả, hạn chế tối đa thất thoát, lãng phí, trình tự thủ tục phải rõ.
-
Quảng Ngãi đồng ý để Hòa Phát khảo sát đầu tư 2 bến cảng rộng hơn 18 ha tại Khu cảng Dung Quất 1
Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi thống nhất với đề xuất của Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi cho phép CTCP Cảng tổng hợp Hòa Phát nghiên cứu, khảo sát, lập đề xuất dự án đầu tư bến số 4, 5 Khu bến cảng Dung Quất 1 theo quy hoạch.
-
Doanh nghiệp lọc dầu tỷ đô duy nhất do Việt Nam sở hữu chốt ngày lên sàn HoSE
HĐQT Công ty CP Lọc hóa Dầu Bình Sơn (mã chứng khoán BSR) quyết định sẽ đăng ký giao dịch lần đầu hơn 3,1 tỷ cổ phiếu BSR trên Sở Giao dịch Chứng TP.HCM (HoSE) từ ngày 17/1/2025.
-
Trung tâm lọc hóa dầu và Năng lượng Quốc gia tại Quảng Ngãi: Vốn đầu tư dự kiến 16 - 20 tỷ USD, tạo ra 30.000 việc làm mới
Đến năm 2050, Trung tâm lọc hóa dầu và Năng lượng Quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất sẽ trở thành trung tâm năng lượng hàng đầu khu vực Đông Nam Á, với tổng sản lượng đạt khoảng 25 triệu tấn dầu quy đổi, tạo ra hơn 30.000 việc làm mới....
-
Cổ phiếu một “ông lớn” tỷ USD sắp lên sàn HoSE
Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa chấp thuận hồ sơ đăng ký niêm yết cho hơn 3,1 tỷ cổ phiếu BSR của Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn.