Cơn sốt giá đất càn quét qua Cần Giờ từ năm 2017 đã khiến chuyện đất đai trở thành quen thuộc với đa số người dân trên huyện đảo này. Ảnh: Thanh Thịnh
Cầm 1 tỉ, mơ đi em!
Trên đường trở lại Cần Giờ vào những ngày cuối tháng 3, ấn tượng của chúng tôi không phải là vùng đất này đã thay da đổi thịt như thế nào, mà là hơi ấm của cơn sốt đất hai năm trước dường như vẫn còn đó. Cơn sốt giá đất càn quét qua Cần Giờ từ năm 2017 đã khiến chuyện đất đai trở thành quen thuộc với đa số người dân trên huyện đảo này.
Trao đổi với chúng tôi, chị Út, chủ cửa hàng nước trên con đường sát với khu đô thị lấn biển Cần Giờ, cho biết miếng đất kế bên chòi bán nước của gia đình chị có diện tích khoảng 900m2 được một chủ đất mua 900 triệu đồng từ nhiều năm trước, nay đã lên đến 9 tỉ đồng. Người mua đất ở đây chủ yếu là dân trên thành phố xuống. Mặt bằng giá đất trồng cây lâu năm ở khu vực này hiện nay đã lên 11-12 triệu đồng/m2.
Khi được hỏi khu này có miếng nào cỡ 1 tỉ đồng không, chị Út cười lớn “Mơ đi em, một tỉ chỉ mua được nền đất để làm nhà nhưng cũng là đất nhỏ nằm trong sâu và cũng chỉ có giấy tay”, chị Út nói và cho biết thêm, biết là rủi ro song nhiều người vẫn chấp nhận mua, người này sang tay người kia kiếm lời.
Cũng theo người phụ nữ này, không chỉ sốt khu vực gần dự án lớn, giá đất ở các địa điểm khác như thị trấn Cần Thạnh đã lên đến 25 triệu đồng/m2. Tại đường Duyên Hải, khu vực xã Long Hòa, đất vườn xoài mua 15 tỉ, mới đặt cọc sang tay đã chốt được 25 tỉ đồng.
Theo khảo sát của chúng tôi, dù không còn rầm rộ như thời điểm năm 2017 nhưng hiện tại các nhà đầu tư vẫn âm thầm đổ về Cần Giờ gom đất khiến cho mặt bằng giá đất khu vực này biến động khá mạnh.
Chị Thành, một môi giới khu vực Cần Thạnh, cho biết người ta vẫn đổ về đây mua đất nhưng là gom những mảnh lớn hơn là mua riêng lẻ. Nhóm khách hàng này chủ yếu mua rồi để đó chờ tăng giá chứ không bán ra ngay lập tức. Thậm chí có những người mua cách đây gần 20 năm, giá chỉ vài tỉ đồng nay đã lên đến cả nghìn tỉ đồng mà vẫn chưa bán.
“Sáng nay vợ chồng tôi mới dẫn một ông anh trên thành phố xuống để mua thêm mấy mảnh. Hiện ổng đang có 3ha đất mặt biển mua từ năm 2000, đã chuyển thổ cư hết, có người ra giá 600 tỉ đồng nhưng ổng chưa bán” chị này nói và cho biết thêm dù lượng người mua không còn tấp nập đổ về nhưng giá đất vẫn đang tăng từng ngày.
Theo khảo sát của chúng tôi, giá đất tại mặt tiền đường Duyên Hải (đoạn thị trấn Cần Thạnh) hiện đang có giá từ 30-40 triệu đồng/m2, các đường nhỏ hơn như Tắc Xuất, Lương Văn Nho giá dao động khoảng 20-25 triệu đồng/m2.
Một số người dân cho biết, đất trên đường Duyên Hải khu vực gần biển hiện đang có giá khoảng 30 triệu đồng/m2 cho nền đất vài trăm m2. Trước Tết, các khu đất này được rao bán với giá chỉ 20 triệu đồng/m2. Đất nông nghiệp trong hẻm nhỏ quanh khu vực này đang có giá khoảng 5 triệu đồng/m2.
Nhận thấy nhu cầu mua đất đột ngột tăng lên, chủ đất cũng thay đổi giá bán liên tục. Nhiều trường hợp còn cân nhắc, găm hàng chứ chưa bán vội vì sợ “hớ”.
Hạ tầng và… thổi giá
Theo giới quan sát thị trường, không phải ngẫu nhiên mà giá đất Cần Giờ có những chuyển biến trong thời gian gần đây, mà chủ yếu nhờ những thông tin từ dự án hạ tầng đang được mong đợi nhất ở khu vực này là cầu Cần Giờ.
Đầu tháng 3, phương án thiết kế kiến trúc cho cầu Cần Giờ được UBND TP.HCM chọn và công bố sau một thời gian dài công trình hạ tầng này chỉ dừng lại ở mức khởi động, cân nhắc chọn phương án thiết kế.
Cầu Cần Giờ sẽ là cầu dây văng một trụ tháp với ý tưởng phác họa hình tượng cây đước
Cầu Cần Giờ được xây dựng để thay thế cho phà Bình Khánh, nhằm kết nối huyện Cần Giờ với trung tâm thành phố và các khu vực lân cận, từ đó hình thành tuyến giao thông kết nối trực tiếp với khu vực ven biển phía nam thành phố.
Về vị trí, cầu Cần Giờ sẽ vượt sông Soài Rạp tại khu vực hạ lưu phà Bình Khánh hiện hữu. Hướng tuyến trùng với đường 15B, vượt đường Nguyễn Bình, huyện Nhà Bè. Sau đó vượt sông Soài Rạp, sang huyện Cần Giờ.
Điểm đầu tại nút giao giữa đường 15B với đường số 2, khu đô thị Phú Xuân, Nhà Bè. Điểm cuối kết nối vào đường Rừng Sác tại điểm cách phà Bình Khánh khoảng 1,8km về phía nam. Tổng chiều dài tuyến đường nghiên cứu khoảng 7,41km.
Dù chỉ là những thông tin ban đầu và cũng chưa chắc chắn khi nào cây cầu này sẽ được khởi công xây dựng chính thức và hoàn thành, nhưng động thái này một lần nữa lại được xem là tác nhân chính hâm nóng thị trường nhà đất Cần Giờ.
Ngoài ra, giá đất tăng nóng còn do bàn tay của giới đầu tư thổi giá. Một số môi giới ngay lập tức cập nhật và xem thông tin này như một điểm cộng khi giới thiệu rao bán đất.
“Bây giờ mua, năm sau làm cầu xong là vô mánh vì dù gì Cần Giờ vẫn thuộc TP.HCM, có hộ khẩu thành phố hẳn hoi”, một môi giới nhà đất khẳng định khi chúng tôi vào vai người mua đất vốn nhỏ đang có trong tay khoảng 5 tỉ đồng và boăn khoăn muốn tìm chỗ đầu tư.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM, cho biết ngoài việc giá đất ở những khu vực có hạ tầng được đầu tư bài bản tăng một cách hợp lý thì những cơn sốt đất còn lại trong thời gian qua đều là sốt ảo. Thủ phạm chính là những người cò đất, giới đầu cơ lướt sóng tung tin đồn, thổi giá nhằm hưởng lợi cá nhân.
Cùng với hạ tầng, một trong những nguyên nhân lớn khiến cho giới đầu tư đổ về săn đất Cần Giờ là sự xuất hiện của những siêu dự án của các ông lớn bất động sản đang có kế hoạch triển khai ở đây.
Tuy nhiên theo ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa, nếu giá đất Cần Giờ tăng vì xây cầu thì mức tăng giá tối đa ở khoảng 30-50% và cũng chỉ rơi vào một số địa bàn nhất định vì Cần Giờ vốn chưa phát triển, quỹ đất về dân cư còn ít, chủ yếu là đất nông nghiệp.
Theo ông Quang, nếu một số chủ đầu tư lớn tiếp tục triển khai dự án thì khu vực Cần Thạnh, Long Hòa giá đất sẽ tăng, còn đoạn đầu Cần Giờ hiện nay không có đất để bán vì khu vực đó là rừng.
-
Duyệt phương án thiết kế cầu Cần Giờ 5.300 tỉ đồng
CafeLand – Cầu Cần Giờ nối huyện Nhà Bè với Cần Giờ sẽ được xây dựng kiến trúc cầu dây văng một trụ tháp với phác họa hình tượng cây Đước – loại cây đặc trưng của huyện đảo này.
-
Hé lộ phân khúc đất nền đang có mức tăng giá tới 40%
Trong quý đầu năm, phân khúc thấp đất, đất nền có tổng lượng giao dịch lên tới 2.500 giao dịch, tăng gấp 3 lần cùng kỳ năm 2023. Giá đất nền được cho là đã đi vào ổn định, không còn dấu hiệu giảm. Có phân khúc ghi nhận mức tăng giá lên tới 40%....
-
Quốc hội đề nghị Chính phủ can thiệp khi thị trường bất động sản “sốt ảo”
Khi Luật Đất đai và Nhà ở có hiệu lực từ 2025, Chính phủ cần giải pháp điều tiết giá bất động sản do chi phí làm dự án tăng.
-
Cái kết đắng của kẻ mộng mơ lướt sóng bất động sản
Trong cơn sốt nóng của thị trường nhà đất, chỉ một vài giao dịch lướt sóng là nhiều người đã có thể kiếm hàng trăm triệu, thậm chí là cả tỉ đồng. Có người không muốn bỏ lỡ cơ hội đã dồn toàn bộ gia sản, thậm chí vay mượn để đầu tư đất đai. Thế rồi, c...